Thứ Ba, 17 tháng 10, 2023

NHỮNG QUAN ĐIỂM CỦA ĐẢNG VÀ NHÀ NƯỚC TA VỀ TÔN GIÁO

 

Quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam về tôn giáo thể hiện tập trung trong Nghị quyết 25-NQ/TW, ngày 12-3-2003, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX. Về Quan điểm chỉ đạo Nghị quyết đề ra 5 quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước ta về tôn giáo, chính sách tôn giáo và công tác tôn giáo:

Một là, tín ngưỡng, tôn giáo là nlhu cầu tinh thần của một bộ phận Nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng CNXH ở nước ta. Nước ta hiện nay có 16 tôn giáo, với trên 13,2 triệu tín đồ, chiểm khoảng 13,7% dân số, 42 tổ chức tôn giáo; hơn 80 hiện tượng tôn giáo mới; trên 80% dân số có đời sống tâm linh. Tín ngưỡng tôn giáo hiện đang là nhu cầu tinh thần của một bộ phận đông đảo nhân dân, sẽ tồn tại lâu dài cùng dân tộc và cùng với chế độ XHCN ở nước ta. Tuy nhiên, tín ngưỡng tôn giáo đang có những biến đổi mạnh mẽ trước biến động của thế giới, của xu thế toàn cầu và sự phát triển đi lên của đất nước. Vì vậy, quán triệt quan điểm này cần khắc phục các biểu hiện: Chủ quan, duy ý chí, phiến diện trong nhận thức và giải quyết vấn đề tôn giáo.

Hai là, Đảng và Nhà nước thực hiện nhất quán chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc: Đồng bào các tôn giáo là một bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Do vậy, thực hiện quan điểm này, một mặt phải đoàn kết đồng bào theo những tôn giáo khác nhau; mặt khác, phải đoàn kết đồng bào theo tôn giáo và đồng bào không theo tôn giáo, giải quyết tốt mối quan hệ người có tín ngưỡng khác nhau với người theo chủ nghĩa vô thần. Quán triệt quan điểm này cần khắc phục các biểu hiện như phân biệt đối xử, đố kỵ, mặc cảm vì lý do tín ngưỡng tôn giáo và kiên quyết chống ấm mưu, thủ đoạn lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo, chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc.

Ba là, nội dung cốt lõi của công tác tôn giáo là công tác vận động quần chúng. Đây là tư tưởng chỉ đạo quan trọng nói lên thực chất của công tác tôn giáo gắn với mục tiêu là dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Mục tiêu trên chính là cơ sở để phát huy sự tương đồng, khắc phục sự khác biệt của quần chúng có đạo. Đối tượng của công tác vận động quần chúng bao gồm: tín đồ, chức sắc, nhà tu hành và chức việc trong từng tôn giáo; đồng thời cũng phải vận động quần chúng không có tôn giáo thực hiện chính sách tôn giáo. Công tác vận động quần chúng trong công tác tôn giáo bao gồm: Công tác giáo dục, tổ chức phong trào quần chúng, tổ chức các chương trình phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng hệ thống chính trị ở địa phương, cơ sở. Quán triệt quan điểm này cần khắc phục các biểu hiện: Hành chính, quan liêu, cửa quyền, xa rời quần chúng hoặc hữu khuynh theo đuôi quần chúng.

Bốn là,công tác tôn giáo là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Công tác tôn giáo liên quan đến mọi lĩnh vực, mọi mặt của đời sống xã hội, mọi ngành mọi cấp từ Trung ương đến cơ sở. Trong công tác tôn giáo, Đảng là nhân tố lãnh đạo toàn bộ hệ thống chính trị trong quá trình tiến hành công tác; Nhà nước quản lý hoạt động tôn giáo và công tác tôn giáo theo quy định của Hiến pháp, pháp luật; Mặt trận và các đoàn thể nhân dân quán triệt đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về vận động quần chúng thực hiện tốt chính sách tôn giáo. Quán triệt quan điểm này cần khắc phục các biểu hiện: thiếu cộng tác, phối hợp chặt chẽ đồng bộ để phát huy sức mạnh tổng hợp hoặc buông lỏng quản lý, lấn sân lẫn nhau.

Năm là, vấn đề theo đạo và truyền đạo. Đây cũng là một quan điểm quan trọng nhằm xác định rõ các hoạt động tôn giáo bao gồm: hành đạo, quản đạo và truyền đạo) đều phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật. Nhà nước bảo hộ chính đạo, đồng thời chống lại tà đạo. Quán triệt quan điểm này cần khắc phục các biểu hiện như can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ thuần túy tôn giáo; buông lỏng quản lý trước các hành vi vi phạm các quy định của Hiến pháp, pháp luật trong hoạt động tôn giáo.

Sau Nghị quyết 25-NQ/TW ngày 12-3-2003 (khóa IX), quan điểm, chính sách tôn giáo tiếp tục được thể hiện trong văn kiện Đại hội Đảng X, XI, XII, XIII. Thực ra, xuyên suốt các kỳ Đại hội của Đảng cộng sản Việt Nam từ đại hội VII đến Đại hội XIII đều có hai quan điểm không thay đổi đó là: Tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân; chống việc lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn giáo làm tổn hại đến lợi ích của Tổ quốc và nhân dân. Các kỳ đại hội trên đều thể hiện quan điểm: Tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi công dân. Mọi công dân dầu có quyền theo tôn giáo, từ bỏ hoặc thay đổi tôn giáo của mình. Mọi hành vi xâm phạm quyền tự do ấy đều bị xử lý theo pháp luật; không phân biệt đối xử vì lý do tín ngưỡng trong những hoạt động xã hội. Xóa bỏ mặc cảm, định kiến, thường xuyên củng cố tình đoàn kết giữa đồng bào có đạo và đồng bào không có đạo, giữa tín đồ các tôn giáo với nhau, "Giải quyết hài hòa các quan hệ lợi ích giữa các giai tầng trong xã hội. Bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trong, giúp nhau cùng phát triển. Tập trung hoàn thiện và triển khai thực hiện tốt các chính sách dân tộc, tôn giáo; có những chính sách đặc thù giải quyết khó khăn cho đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện tốt đoàn kết tôn giáo, đại đoàn kết toàn dân tộc."; đồng thời "nghiêm trị mọi âm mưu, hành động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cản trở sự phát triển của đất nước".

Trên đây là những quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước ta về lĩnh vực tôn giáo trong Nghị quyết số 25 của Trung ương Đảng khóa IX, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, các tổ chức chính trị xã hội, cấp ủy chính quyền các cấp trong hệ thống chính trị quán triệt và thực hiện đầy đủ, đồng bộ, hiệu quả các quanđiểm trên góp phần làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, giữ vững hòa bình xây dựng phát triển đất nước giàu mạnh./. 

                                                                                              VHT.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét