Thứ Năm, 19 tháng 10, 2023

PHẢI CHĂNG THỰC HIỆN “ĐA NGUYÊN CHÍNH TRỊ, ĐA ĐẢNG ĐỐI LẬP” LÀ CÓ DÂN CHỦ?

 

Các phần tử cơ hội chính trị, phản động cho rằng, Việt Nam không có dân chủ vì thực hiện chế độ nhất nguyên, nhất đảng. Chúng ta có đầy đủ minh chứng để khẳng định rằng: Đảng Cộng sản Việt Nam - lực lượng duy nhất lãnh đạo cách mạng Việt Nam là sự lựa chọn của chính lịch sử dân tộc Việt Nam, của chính nhân dân Việt Nam.

Nhận diện “âm mưu, thủ đoạn” thâm độc của các thế lực thù địch

Thời gian gần đây, trên mạng xã hội và một số trang báo điện tử nước ngoài thiếu thiện chí với Việt Nam, đã đưa ra những thông tin sai trái, những bình luận ác ý, những lời lẽ xuyên tạc nhằm hướng dư luận theo một cái nhìn tiêu cực về Đảng Cộng sản Việt Nam. Điển hình là tên phản động Nguyễn Văn Đài đã liên tục tuyên truyền chống phá Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Hà Sĩ Phu với luận điệu cần từ bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng. Những luận điệu đó không mới, và nó như câu cửa miệng của các thế lực thù địch, nhằm thực hiện mục tiêu “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập”. Chúng sử dụng mọi thủ đoạn có thể nhằm chĩa mũi nhọn vào Đảng, xóa bỏ quyền lãnh đạo của Đảng ta. Chúng đưa ra thông tin bịa đặt, bình luận xuyên tạc, xúc phạm Đảng và Nhà nước Việt Nam. Chúng phủ nhận thể chế chính trị ở nước ta, kêu gọi Đảng ta từ bỏ quyền lãnh đạo, vu cáo Đảng ta, coi đó là vấn đề căn bản, then chốt để chống phá. Từ đó tiến tới xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Minh chứng không thể chối cãi

Khi bàn về dân chủ, Lênin chỉ rõ: Nếu không khinh thường lẽ phải và không khinh thường lịch sử thì ai cũng thấy rõ chừng nào còn có những giai cấp khác nhau thì không thể nói đến dân chủ thuần túy được, mà chỉ có thể nói đến dân chủ có tính giai cấp. Cái thứ dân chủ thuần túy, dân chủ vô bờ bến chẳng qua chỉ là một công thức rỗng tuếch, đầy tính giả dối và lừa bịp. Như vậy, thật sự là một đại bịp bợm, khi cho rằng “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập” là có dân chủ thật sự.

Cũng cần phải nhận thức rõ rằng: Sẽ thật là ngây thơ khi cho rằng “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập” là có dân chủ thật sự. Lý thuyết về đa đảng xuất phát từ chủ nghĩa đa nguyên - một trường phái triết học xã hội tư sản do nhà triết học Đức Chiristian Woiff (1679-1754). Thực chất của “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập” là sự phân chia, tranh giành quyền lực của các lực lượng chính trị trong xã hội khi không có sự điều hòa về lợi ích. Chế độ “đa nguyên, đa đảng” đã sớm xuất hiện vào đầu thế kỷ XVIII. Đây là thời điểm giai cấp tư sản đóng vai trò là lực lượng xã hội tiến bộ, tích cực đi tiên phong trong đấu tranh chống phong kiến, bảo vệ quyền bình đẳng của các nhóm xã hội có lợi ích khác nhau, phát triển quyền tự do dân chủ tư sản. Song, cùng với sự phát triển của chủ nghĩa tư bản, đặc biệt từ khi chủ nghĩa tư bản tự do cạnh tranh chuyển thành chủ nghĩa tư bản độc quyền, ý nghĩa tích cực ban đầu của đa nguyên, đa đảng đã không còn. Dù đã tìm mọi cách để che đậy song giai cấp tư sản vẫn không thể phủ nhận được sự thực rằng: Mục đích cuối cùng, mục tiêu duy nhất của chế độ “đa nguyên, đa đảng” trong xã hội tư bản là bảo đảm quyền lực của giai cấp tư sản, bảo vệ lợi ích của giai cấp bóc lột bằng mọi giá.

Thực tế đã chỉ ra, “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập” không phải là yếu tố quyết định để đảm bảo dân chủ sẽ thực hiện, mà phải trả lời rõ câu hỏi: Đảng là đảng của ai, đại diện cho lợi ích của ai? Trả lời câu hỏi này, Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam ghi rõ: “Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của dân tộc”.

Thực tiễn các nước cho thấy: Nhiều quốc gia tư bản chủ nghĩa trong nhiều thập kỷ đã tồn tại chế độ một đảng lãnh đạo mà xã hội vẫn ổn định, phát triển. Ngược lại, nhiều nước theo chế độ đa đảng đã rơi vào bất ổn chính trị, khủng hoảng, bạo loạn kéo dài.

Thực tế lịch sử đất nước ta chỉ ra: Ở Việt Nam, không có một lực lượng chính trị nào khác, ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam có đủ bản lĩnh, trí tuệ, kinh nghiệm, uy tín và khả năng lãnh đạo đất nước ta. Ngày 03 tháng 02 năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Đó là sự lựa chọn của Nhân dân ta, là sự chọn lọc của lịch sử dân tộc ta. Hơn 93 năm, Đảng đã lãnh đạo Nhân dân ta đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách giành được thắng lợi có ý nghĩa lịch sử đặc biệt, mang tính bước ngoặt đối với tiến trình lịch sử dân tộc và mang tầm vóc thời đại: Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 và thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; Thắng lợi của các cuộc kháng chiến oanh liệt để giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, thực hiện thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội; Thắng lợi của sự nghiệp đổi mới và từng bước đưa đất nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Qua 37 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 32 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội… Chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện. Nền kinh tế thoát khỏi tình trạng trì trệ, khủng hoảng, kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình. Chính sách xã hội được quan tâm, đời sống Nhân dân được cải thiện, không ngừng nâng cao. Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Đảng đã lãnh đạo đất nước từng bước vượt qua khó khăn về kinh tế và xã hội, với những thách thức an ninh phi truyền thống chưa từng xảy ra trong lịch sử nhân loại, nhất là đại dịch Covid - 19. Việt Nam được cả thế giới công nhận là một trong những quốc gia thành công nhất trong phòng chống đại dịch Covid 19.

Cần phải nói thêm là thực tế không phải lịch sử Việt Nam chưa từng có chế độ “đa nguyên, đa đảng” song chính lịch sử đã sớm phủ định chế độ đó. Năm 1946, trước yêu cầu cách mạng đặt lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc lên trên hết, Đảng Cộng sản Việt Nam đã tuyên bố tự giải tán và mở rộng Chính phủ dân tộc do Hồ Chủ tịch đứng đầu với sự tham gia của nhiều đảng phái đối lập như Việt Quốc (Việt Nam Quốc dân đảng); Việt Cách (Việt Nam Cách mạng Đồng minh hội),… Nhưng cùng với dòng chảy của cách mạng, những tổ chức, đảng phái đó kẻ thì phản động “bán nước cầu vinh”, người xem nhẹ lợi ích quốc gia, dân tộc nên đã bị chính lịch sử và Nhân dân ta loại bỏ. Khi quân Tưởng Giới Thạch rút khỏi Việt Nam, hai đảng này cũng cuốn gói chạy theo, trên vũ đài chính trị nước ta duy nhất chỉ còn lại Đảng Cộng sản Việt Nam đại diện quyền lợi của Nhân dân lao động, lợi ích quốc gia, dân tộc. Lịch sử dân tộc ta chứng minh, Việt Nam không cần thực hiện “đa nguyên, đa đảng”.

Tóm lại, quan điểm “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập” mang nặng tính chất mị dân, rất nguy hiểm và rất dễ gây nên sự ngộ nhận, nhất là đối với những người có nhận thức hạn chế. Từ đó, gây nên sự mơ hồ, lẫn lộn, dao động về tư tưởng, làm suy giảm và mất dần niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, hoài nghi và tiến dần đến việc xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với cách mạng Việt Nam. Đây cũng là nguồn gốc có thể làm cho tình hình kinh tế - chính trị - xã hội mất ổn định, kinh tế suy giảm, văn hoá đạo đức xuống cấp, các mâu thuẫn và xung đột xã hội sẽ gia tăng, phá vỡ khối đoàn kết dân tộc, khi đó, người dân không những không được dân chủ, mà xã hội còn rơi vào rối loạn, khủng hoảng, trì trệ, không phát triển được. Chúng ta có đầy đủ minh chứng lý luận và thực tiễn để khẳng định rằng: “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập” không thể và không bao giờ mang đến dân chủ thực sự, Việt Nam không cần và không chấp nhận “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập”./.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét