Tôi tâm đắc khi đọc kỹ bài “Xây dựng đảng cầm quyền: Từ thực tiễn đổi
mới ở Việt Nam” trong cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống
tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong
sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Bằng những dẫn chứng lịch sử về sự ra
đời, trưởng thành của Đảng ta, cùng các phương pháp phân tích, so sánh, đối
chiếu biện chứng, khách quan, tác giả khẳng định: Liên hệ chặt chẽ với nhân dân
là quy luật tồn tại, phát triển và hoạt động của Đảng. Ngày nay, trong điều
kiện mới, với quy mô, tầm vóc to lớn của cách mạng, với vai trò và trình độ
ngày càng cao của nhân dân, với vị thế của mình, Đảng ta có thêm điều kiện
thuận lợi để mở rộng và tăng cường mối liên hệ với nhân dân.
Nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban
hành và chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiều nghị quyết, quyết định, kết luận cùng
nhiều việc làm cụ thể và thiết thực để đổi mới công tác vận động quần chúng,
củng cố và tăng cường mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân, trong đó thực hiện
tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang mới đây ban hành
kết luận về nâng cao chất lượng công tác dân vận và thực hiện quy chế dân chủ ở
xã, phường, thị trấn, giai đoạn 2023-2025.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ
chức chính trị-xã hội trên địa bàn ngày càng gần dân, sát cơ sở, đến địa bàn
dân cư, hộ gia đình thông qua nhiều hoạt động, như: Giúp người nghèo, thăm hỏi,
động viên các chức sắc tôn giáo, già làng, trưởng bản, cá nhân tiêu biểu có uy
tín, ảnh hưởng lớn đến quần chúng nhân dân; tham dự, chúc mừng đồng bào các dân
tộc thiểu số, tôn giáo nhân dịp lễ trọng...
Việc tiếp công dân, đối thoại trực tiếp
với nhân dân được người đứng đầu các xã, phường, thị trấn quan tâm, duy trì.
Ngoài đối thoại định kỳ còn có các cuộc đối thoại đột xuất để lắng nghe ý kiến
của người dân. Trong quá trình đối thoại, tiếp công dân, giải quyết đơn thư,
cấp ủy, chính quyền cơ sở đã vận dụng sáng tạo, có hiệu quả công tác dân vận,
kịp thời giải quyết những thắc mắc, khiếu kiện của công dân, không để tồn đọng,
hạn chế khiếu kiện vượt cấp.
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả những
quan điểm chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư về mở rộng và phát huy quyền làm chủ
của nhân dân; nâng cao chất lượng thực hiện dân chủ ở cơ sở, các cấp ủy, chính
quyền, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị cần quán triệt, nhận thức đầy đủ
tầm quan trọng về thực hiện quy chế dân chủ trong toàn bộ công tác lãnh đạo,
chỉ đạo, luôn nêu gương thực hiện, đồng thời thường xuyên chú trọng các công
tác kiểm tra, đôn đốc, giám sát, thanh tra và xử lý vi phạm. Có giải pháp tiếp
tục phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu
cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Bên cạnh việc quan tâm, cải thiện đời
sống người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, biên giới,
hải đảo, các cấp chính quyền nên chú trọng hơn nữa việc xây dựng chính quyền
điện tử, kinh tế số, xã hội số, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm
phục vụ. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, kịp thời phát hiện, xử lý
nghiêm các biểu hiện vi phạm, gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi
ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, xây dựng bộ máy cơ quan chính quyền các cấp
trong sạch, vững mạnh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét