Thứ Ba, 17 tháng 10, 2023

TÌM HIỂU GIÚP BẠN: KỲ LẠ LỜI "TIÊN TRI" BẤT HỦ CỦA LIỆT SĨ NGUYỄN VĂN THẠC!

         Liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc đã được đông đảo nhân dân ta biết đến sau khi cuốn nhật ký "Mãi mãi tuổi hai mươi" của anh được xuất bản. Anh quê ở làng Bưởi, Hà Nội. Khi nhập ngũ anh đang là sinh viên khoa Toán – Cơ trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Vào thời điểm đó chiến tranh đang bước vào giai đoạn mới. Hàng ngàn sinh viên các trường đại học đã xếp bút nghiên để ra chiến trường bổ sung lực lượng cho quân đội. Trong phong trào chung của sinh viên, Nguyễn Văn Thạc nhập ngũ ngày 6/9/1971.
Sau 6 tháng huấn luyện, đơn vị Thạc lên đường đi B (tức vào Nam chiến đấu) vào tháng 4/1972. Anh bắt đầu viết cuốn nhật ký "Chuyện đời” từ ngày 2/10/1971 tức là gần một tháng sau ngày nhập ngũ. Cuốn nhật ký dừng lại ở thời điểm ngày 3/7/1972 khi đơn vị anh hành quân vào chiến trường Quảng Trị. Tại ngã ba Đồng Lộc, Nguyễn Văn Thạc đã gửi cuốn nhật ký cùng nhiều thư từ cá nhân trong thời gian quân ngũ về cho anh trai mình. Hơn 1 tháng sau, anh đã hy sinh tại chiến trường Quảng Trị khốc liệt.
Vào năm 2005, tác giả Đặng Vương Hưng được sự đồng ý của gia đình Nguyễn Văn Thạc và bà Phạm Như Anh (người bạn gái thời học sinh của Thạc) đã tổng hợp cuốn nhật ký cùng hàng trăm lá thư của Thạc thành cuốn "Mãi mãi tuổi hai mươi". Cuốn sách được nhà xuất bản Thanh Niên ấn hành đã trở thành một sự kiện văn học trong năm và sách được tái bản nhiều lần với số lượng kỷ lục thể hiện sự quan tâm của độc giả.
Qua cuốn "Mãi mãi tuổi hai mươi", chúng ta ngạc nhiên biết rằng từ ngày 18/9/1971 nghĩa là chỉ sau 12 ngày nhập ngũ, liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc đã viết thư cho người bạn gái Như Anh với một câu chuyện đặc biệt. Thạc viết: “Bất kỳ một vinh quang nào cũng cần phải trả bằng mọi giá. Và khó khăn gian khổ càng nhiều, thử thách càng nhiều, sự vinh quang đó càng trở nên rực rỡ. Chúng ta đừng đi tìm những chân lý sâu xa đơn thuần qua những áng văn và những bài thơ, bài toán. 30/4/1975 Thạc sẽ trả lời cho P. (tức Như Anh - NV) câu: Hạnh phúc là gì?...”.
Phải chăng Nguyễn Văn Thạc đã dự báo tương lai đất nước thống nhất một cách chính xác như vậy từ trước đó 4 năm? Nếu đúng như vậy thì quả là một sự "tiên tri" kỳ lạ.
Và lịch sử đã chứng minh, hạnh phúc mà Thạc nhắc đến trong thư không chỉ là hạnh phúc tình yêu cá nhân mà đã trở thành hạnh phúc của cả dân tộc khi non sông thống nhất./.
Ảnh: Liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc trên bìa cuốn sách Mãi mãi tuổi hai mươi./.
Yêu nước ST.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét