Thứ Tư, 4 tháng 10, 2023

TÌM HIỂU GIÚP BẠN: THI ĐUA ÁI QUỐC - TƯ TƯỞNG XUYÊN SUỐT SỰ NGHIỆP CÁCH MẠNG CỦA ĐẢNG VÀ NHÂN DÂN TA!

     Cách đây 75 năm, trong bối cảnh đất nước chồng chất khó khăn, cùng lúc nhân dân ta phải đương đầu với “giặc đói”, “giặc dốt” và giặc ngoại xâm, thực hiện hai nhiệm vụ vừa kháng chiến, vừa kiến quốc, ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi Thi đua ái quốc. Đây là cống hiến to lớn thể hiện tư duy, tầm nhìn chiến lược của Người và trở thành văn kiện quan trọng của Đảng về tư tưởng Thi đua yêu nước, tạo động lực mạnh mẽ để đưa cách mạng Việt Nam đi tới thắng lợi. 

Thực tiễn 75 năm qua khẳng định, tư tưởng về Thi đua yêu nước thực sự là kim chỉ nam cho hành động xuyên suốt sự nghiệp cách mạng Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Nó không chỉ thể hiện thông qua việc mỗi con người, mỗi tổ chức ra sức thi đua để kháng chiến tất thắng, kiến quốc tất thành trong thời kỳ chống thực dân Pháp xâm lược và hậu phương thi đua với tiền phương để “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, mà còn là nền tảng vững chắc cho các phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp trong công cuộc đổi mới đất nước hiện nay. Và thực tiễn cũng cho thấy, tư tưởng đó đã trở thành quan điểm, mục tiêu, phương châm của phong trào Thi đua yêu nước toàn dân tộc; nhen lửa cho đời sống mới, văn hóa mới cùng sức sáng tạo trên tất cả các lĩnh vực của nhân dân ta trong tiến trình vận động liên tục của cách mạng Việt Nam. 

Nhân dân ta vốn có truyền thống yêu nước nồng nàn; trí thông minh, sáng tạo; tinh thần bất khuất, ý chí vượt khó vươn lên,... và đó chính là sức mạnh nội sinh của dân tộc. Nhưng điều quan trọng ở chỗ làm thế nào để khơi dậy, khai thác, phát huy được nó, biến sức mạnh nội sinh đó từ tự phát trở thành tự giác trong mỗi con người, mỗi tổ chức thông qua phong trào thi đua, hoạt động thi đua thì mới thực sự có ý nghĩa, nếu không nó mãi chỉ là ký ức lịch sử. Giá trị cốt lõi trong Lời kêu gọi Thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là ở đó. Nó hàm chứa sâu sắc tư tưởng yêu nước, tư tưởng nhân dân, tư tưởng đoàn kết - dân chủ - sáng tạo, niềm tin mãnh liệt của Người vào vai trò và sức mạnh của nhân dân cũng như niềm tin vào sự nghiệp cách mạng, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Vì thế, tư tưởng về Thi đua ái quốc của Người luôn là cơ sở để Đảng, Nhà nước ta bổ sung, hoàn thiện chủ trương, chính sách về công tác thi đua, khen thưởng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong từng giai đoạn cách mạng. 

Từ tư tưởng Thi đua ái quốc của Người và cùng với phong trào thi đua của cả nước, phong trào Thi đua Quyết thắng trong Quân đội đã thực sự trở thành động lực cách mạng to lớn, góp phần làm nên những thắng lợi vẻ vang trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Với tinh thần “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất”1, cán bộ, nhân viên, chiến sĩ và công nhân, viên chức quốc phòng toàn quân đã phát huy cao độ tinh thần yêu nước, ý chí quyết tâm vượt qua khó khăn, thử thách, hy sinh; khơi dậy ý thức tự lực, tự cường, tinh thần quật khởi trong các phong trào thi đua: “Luyện quân lập công”, “Cơm no, súng tốt, đánh thắng”, “Tìm ngụy mà đánh, tìm Mỹ mà diệt”, “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, “Luyện giỏi, rèn nghiêm, sẵn sàng chiến đấu cao”, “Một tập trung, ba khâu đột phá”, “Giành ba đỉnh cao quyết thắng”,... đã lập nên những kỳ tích của chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong thời đại Hồ Chí Minh. 

Những năm gần đây, phong trào Thi đua Quyết thắng được thực hiện gắn chặt với Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII, XIII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, cùng các nghị quyết, chỉ thị, cuộc vận động của toàn quân, nhất là Cuộc vận động Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới, Nghị quyết số 847-NQ/QUTW ngày 28/12/2021 của Quân ủy Trung ương về Phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới,... nên sức sống, sự lan tỏa và hiệu ứng của phong trào càng sâu rộng cả trong và ngoài Quân đội. Đặc biệt vừa qua, trước sự xâm nhập, lây lan và tàn phá của đại dịch Covid-19, đe dọa sức khỏe, tính mạng của nhân dân, phong trào Thi đua Quyết thắng của Bộ đội Cụ Hồ tiếp tục được phát huy, tạo sức mạnh to lớn, xung kích, đi đầu cùng cấp ủy, chính quyền và toàn dân đẩy lùi dịch bệnh, đưa đất nước trở về trạng thái bình thường mới. Điều đó cho thấy, phong trào Thi đua Quyết thắng không chỉ thấm nhuần tư tưởng Thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà đã ăn sâu, lan rộng và trực tiếp góp phần xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ, tạo cơ sở không ngừng nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân tin cậy, giao phó. 

Hiện nay, nước ta đang đẩy mạnh công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, Thi đua yêu nước theo tư tưởng Hồ Chí Minh tiếp tục là động lực động viên sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành một nước có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045, hiện thực hóa một bước của mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Để đẩy mạnh Thi đua yêu nước theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đòi hỏi các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương phải tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và nâng cao vai trò, trách nhiệm đối với công tác thi đua, khen thưởng. Mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn trau dồi, thấm nhuần tư tưởng Thi đua ái quốc của Người, phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu, nêu cao hoài bão, khát vọng cống hiến, làm cho phong trào thi đua trở thành cuộc vận động cách mạng sâu rộng trong toàn xã hội. Cùng với đó, phải thường xuyên, bền bỉ, không mệt mỏi trong giáo dục, tuyên truyền, vận động Thi đua ái quốc; đẩy mạnh đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tổ chức phong trào; đồng thời, hết sức coi trọng phát hiện, xây dựng, tổng kết và nhân rộng điển hình tiên tiến, tạo hiệu ứng và sức lan tỏa sâu rộng,... nhằm giành những đỉnh cao mới trên tất cả các lĩnh vực, mặt công tác. 

Đối với phong trào Thi đua Quyết thắng trong Quân đội cần được triển khai đồng bộ, toàn diện trên các mặt công tác; trong đó, tập trung hướng vào thực hiện các khâu đột phá mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI đã đề ra, trọng tâm là thực hiện việc điều chỉnh tổ chức Quân đội theo tinh thần Nghị quyết số 05-NQ/TW, ngày 17/01/2022 của Bộ Chính trị (khóa XIII) và Nghị quyết số 230-NQ/QUTW, ngày 02/4/2022 của Quân ủy Trung ương; gắn với thực hiện tốt các nghị quyết, chỉ thị của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tạo chuyển biến mạnh mẽ xây dựng các tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh tiêu biểu, cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. 

Bảy mươi lăm năm đã trôi qua, nhưng tư tưởng Thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn vẹn nguyên giá trị và luôn là định hướng hành động cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta vững bước tiến lên. Tư tưởng đó của Người mãi thắp sáng ngọn lửa niềm tin, soi đường và khơi dậy Thi đua yêu nước để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong thời kỳ mới./.
Yêu nước ST.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét