Bộ bản đồ và tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” là hệ thống các bản đồ, tư liệu, hình ảnh đặc sắc, có giá trị lịch sử và pháp lý cao, thể hiện chủ quyền hợp pháp của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Đây là kết quả của quá trình nghiên cứu, tìm kiếm công phu, kỹ lưỡng; được Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với các bộ, ngành và các nhà khoa học, các nhà sưu tầm trong và ngoài nước tiến hành sưu tầm, thẩm định các tư liệu, bản đồ của Việt Nam, nước ngoài để xây dựng Bộ bản đồ và tư liệu này. Nguồn tư liệu và bản đồ có sự đóng góp rất lớn từ các đơn vị như Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I; Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội Đà Nẵng, Ủy ban Nhân dân huyện Hoàng Sa... cùng một số tổ chức, cá nhân khác.
Bộ bản đồ và tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” gồm các bản đồ, tư liệu, hình ảnh được sắp xếp thành các nhóm chính: Hoàng Sa, Trường Sa trong thư tịch cổ và bản đồ cổ Việt Nam; Bản đồ xuất bản tại phương Tây (thế kỷ XVI - XIX) ghi nhận chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; Bản đồ Trung Quốc do phương Tây và Trung Quốc xuất bản (thế kỷ XVI - XX) xác nhận hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa không thuộc về Trung Quốc; Hoàng Sa, Trường Sa trong thời kỳ Pháp thuộc và cho đến trước năm 1975; Một số tư liệu, hình ảnh về biển, đảo và công tác đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam.
Giá trị Bộ bản đồ và tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” thể hiện qua các nội dung chính sau:
Trước hết, Bộ bản đồ và tư liệu đã cho thấy, Nhà nước Việt Nam là chủ thể duy nhất đã khai phá, xác lập và thực thi chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa từ thế kỷ XVII bằng con đường hòa bình, liên tục và không có tranh chấp đến năm 1909. Điều này đã được thể hiện qua các nguồn sử liệu phong phú như Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư do Đỗ Bá soạn năm 1686; Phủ biên tạp lục do Lê Quý Đôn biên soạn năm 1776; Hoàng Việt địa dư chí (1833); Đại Nam thực lục chính biên (1844 - 1848); Việt sử cương giám khảo lược (1876); Quốc triều chính biên toát yếu (1910)… Các tài liệu chính sử của Nhà nước Việt Nam như Đại Nam thực lục.
Đặc biệt, nội dung về các hoạt động quản lý và thực thi chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa còn được phản ánh đậm nét và cụ thể trong các Châu bản triều Nguyễn. Đây là các văn bản hành chính chính thức của triều đình nhà Nguyễn, có dấu phê duyệt của Hoàng đế và ấn tín các cơ quan nhà nước nên mang tính pháp lý rất cao.
Thứ hai, Bộ bản đồ và tư liệu đã cho thấy chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã được khẳng định và ghi nhận tại các hội nghị quốc tế quan trọng mà không có bất kỳ sự phản đối nào từ các quốc gia tham dự.
Tại hội nghị San Francisco (từ ngày 4 đến 8-9-1951, với sự tham dự của 51 quốc gia), Trưởng phái đoàn Quốc gia Việt Nam, Thủ tướng chính quyền Bảo Đại, ông Trần Văn Hữu đã tuyên bố: “...để dập tắt những mầm mống các tranh chấp sau này, chúng tôi khẳng định chủ quyền của chúng tôi đối với các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, những quần đảo luôn thuộc về Việt Nam” mà không gặp bất cứ sự phản đối hoặc bảo lưu quốc tế nào.
Theo diễn tiến lịch sử, từ Tuyên bố Cai-rô ngày 27-11-1943 và Tuyên ngôn Hội nghị Postdam ngày 26-7-1945 khẳng định lại nội dung Tuyên bố Cai-rô cho đến Hòa ước San Francisco (ký ngày 8-9-1951), các văn kiện pháp lý quốc tế nói trên đã không xác nhận chủ quyền của bất cứ quốc gia nào khác đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Thứ ba, các tư liệu, bản đồ từ phương Tây đã mặc nhiên khẳng định quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là những thực thể địa lý thuộc lãnh thổ của Việt Nam; đồng thời, những bản đồ vẽ lãnh thổ Trung Quốc do phương Tây và chính Trung Quốc xuất bản đều xác nhận lãnh thổ cực Nam của Trung Quốc chỉ giới hạn đến đảo Hải Nam, không có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Tiêu biểu như bản đồ của anh em nhà Van Langren (người Hà Lan) vẽ năm 1595. Bản đồ vẽ khá chi tiết, hình vẽ Hoàng Sa rõ ràng và điển hình, ghi rõ I.de Pracel. Quần đảo Hoàng Sa cùng với dải bãi ngầm và bãi cát Hoàng Sa được phân biệt rõ ràng với các đảo Pulo S.polo (Cù Lao Chàm), Pulo Catam (Cù Lao Ré), Pulo Cambir (Cù Lao Xanh)… ở ven bờ.
Bản đồ An Nam đại quốc họa đồ, do Giám mục người Pháp Jean Louis Taberd vẽ và nằm trong phụ bản của cuốn sách Dictionarium latino-anamiticum (Từ điển Latinh - An Nam), được xuất bản tại Calcutta (Ấn Độ) năm 1838 có ghi dòng chữ Latinh: Paracel seu Cát Vàng, nghĩa là “Paracel hoặc là Cát Vàng” để chỉ quần đảo Hoàng Sa thuộc về Việt Nam. Đặc biệt là bộ Atlas Universel do Philippe Vandermaelen (1795 - 1869), nhà địa lý học người Bỉ, người sáng lập Viện Địa lý Hoàng gia Bỉ biên soạn, xuất bản tại Bruxelles (Bỉ) vào năm 1827(2). Tờ bản đồ Partie de la Cochinchine ở tập 2 khẳng định Paracels (quần đảo Hoàng Sa) là thuộc Việt Nam. Điều này cho thấy sự thống nhất giữa bản đồ quốc tế và Việt Nam về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Nhiều bản đồ Trung Quốc do phương Tây vẽ đều ghi nhận lãnh thổ cực Nam Trung Quốc là đảo Hải Nam. Bản đồ Trung Quốc do các nhà nước Trung Quốc xuất bản và phát hành chính thức cũng đều thể hiện nhất quán như vậy. Đáng chú ý là bản đồ Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ (do nhà Thanh xuất bản năm 1904), thể hiện lãnh thổ cực Nam của Trung Quốc chỉ giới hạn ở đảo Hải Nam. “Tấm bản đồ hơn trăm năm này không chỉ mang đến những thông tin lịch sử giá trị mà tự thân nó nói lên một thông điệp rằng, từ năm 1904, trong nhận thức của người Trung Quốc, cực nam đất nước của họ chỉ đến đảo Hải Nam. Đồng nghĩa, đây là một bằng chứng tư liệu do chính Trung Quốc xuất bản khẳng định quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa không thuộc chủ quyền của Trung Quốc”(3).
Ngoài ra, Bộ bản đồ và tư liệu còn có các bản đồ Việt Nam từ thế kỷ XVI - XIX ghi nhận chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tiêu biểu như Đại Nam nhất thống toàn đồ do vua Minh Mạng cho vẽ vào năm 1838, có thể hiện hai địa danh Hoàng Sa và Vạn Lý Trường Sa bằng chữ Hán. Bản đồ vẽ hình thế tỉnh Quảng Ngãi trong tập Nam Việt bản đồ, biên soạn vào thế kỷ XIX. Chú dẫn phía trên bản đồ này có miêu tả địa danh Bãi Cát Vàng bằng chữ Nôm, ở ngoài khơi tỉnh Quảng Ngãi.
Các tư liệu của phương Tây xuất bản từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX, trong đó có những trang văn bản miêu tả về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như quá trình người Việt đến hai quần đảo này để khai thác hải sản, cắm mốc chủ quyền và thực thi chủ quyền. Tiêu biểu như sách Tableau de la Cochinchine do E. Cortambert và Léon de Rosny biên soạn, xuất bản tại Paris năm 1862, viết về vương quốc Cochinchine. Trang 7 liệt kê Paracel trong bảng miêu tả về Cochinchine và ghi rõ: “đối diện với Huế là quần đảo Paracels tức là Kat-vang (Cát Vàng)”, khẳng định Paracels (tức quần đảo Hoàng Sa) chắc chắn thuộc về Việt Nam.
Về thời kỳ Pháp thuộc và cho đến trước năm 1975, Bộ bản đồ và tư liệu có các hình ảnh về quá trình chiếm giữ và thực thi chủ quyền của chính quyền Việt Nam và chính quyền Pháp ở Đông Dương trong những năm 1936 - 1954. Đây là những tư liệu được Ủy ban Biên giới Quốc gia - Bộ Ngoại giao cung cấp và một số hình ảnh hiện đang được lưu trữ tại UBND huyện Hoàng Sa, thành phố Đà Nẵng. Tiêu biểu như Nghị định số 4702-CP ngày 21-12-1933 của Thống đốc Nam Kỳ M.J. Krautheimer ký (Nghị định sáp nhập các đảo Trường Sa, An Bang, Itu Aba, nhóm Song Tử, Loại Ta và Thị Tứ vào địa phận tỉnh Bà Rịa). Hình ảnh tấm bia khẳng định chủ quyền do một đơn vị lính bảo an người Việt dựng trên đảo Hoàng Sa vào tháng 6-1938. Trên bia có khắc dòng chữ: “République Francaise - Empire d’Annam - Archipels des Paracels 1816 - Ile de Pattle 1938” (Cộng hòa Pháp - Đế chế An Nam - Quần đảo Hoàng Sa 1816 - Đảo Hoàng Sa 1938).
Thời kỳ Việt Nam Cộng hòa có các công văn, phiếu trình, văn bản hành chính liên quan đến công tác quản lý, thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa như cử quân đội bảo an người Việt ra đóng giữ ở các đảo Hoàng Sa, Trường Sa; công văn và tuyên bố của Chính phủ Việt Nam Cộng hòa về việc vi phạm của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa.
Cùng với đó, Bộ bản đồ và tư liệu còn có những tài liệu, hình ảnh, thể hiện sự quan tâm, tình cảm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, quân đội, các tổ chức chính trị - xã hội, nhân dân và đồng bào ta ở nước ngoài với những hành động thiết thực, chung sức bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Điều này đã khẳng định sự đoàn kết, quyết tâm, ý chí trước sau như một của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tộc Việt Nam đối với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét