Trong thời kỳ đấu tranh giành chính quyền, chủ nghĩa cá nhân không có nhiều điều kiện để phát triển. Khi đã giành được chính quyền, do cán bộ, đảng viên nắm giữ các chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan lãnh đạo, quản lý ở tất cả các cấp, các lĩnh vực gắn liền với nhiều quyền lợi và lợi ích, nên chủ nghĩa cá nhân vị kỷ có môi trường phát triển. Cùng với đó, “sinh trưởng trong một xã hội cũ, chúng ta ai cũng mang trong mình hoặc nhiều hoặc ít vết tích xấu xa của xã hội đó về tư tưởng, về thói quen… Vết tích xấu nhất và nguy hiểm nhất của xã hội cũ là chủ nghĩa cá nhân” (1). Hơn nữa, “Đảng ta không phải từ trên trời sa xuống. Nó ở trong xã hội mà ra” (2); “Đảng ta là một Đảng rất to lớn, bao gồm đủ các tầng lớp trong xã hội. Vì vậy có nhiều tính cách rất trung thành, rất kiên quyết, rất vĩ đại. Song cũng không tránh khỏi những tập tục, những tính nết, những khuyết điểm của xã hội bên ngoài, nó lây, ngấm vào trong Đảng” (3). Từ thực tế đó, đồng thời dự báo chiều hướng phát triển của tình hình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành nhiều thời gian, tâm sức để giáo dục và rèn luyện đạo đức cách mạng, phòng, chống chủ nghĩa cá nhân cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Người đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng các cơ quan từ Chính phủ cho đến các làng, phải là công bộc của dân, Chính phủ phục vụ nhân dân, việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại đến dân phải hết sức tránh. Người nhấn mạnh, nếu nước độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc, tự do thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì. Nhưng để xây dựng được chính phủ phục vụ nhân dân, thực sự là công bộc của dân, thì việc phòng, chống chủ nghĩa cá nhân có ý nghĩa quyết định. Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu các cơ quan từ Chính phủ cho đến các làng phải đặt quyền lợi của nhân dân lên trên hết, trước hết, phải chú ý giải quyết hết các vấn đề liên quan tới đời sống của dân, phải có tinh thần chí công vô tư; đồng thời, nghiêm khắc phê phán, lên án những căn bệnh, như cậy thế, tư túng, chia rẽ, kiêu ngạo, óc bè phái đang ngự trị trong đầu óc của không ít cán bộ, đảng viên.
Trong công cuộc kiến thiết, xây dựng đất nước, nhất là khi bước vào xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, chủ nghĩa cá nhân vị kỷ có cơ hội phát triển. Số đông cán bộ ta vẫn giữ được truyền thống cách mạng, hết sức trung thành, tận tụy với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân, nhưng cũng có cán bộ, đảng viên ỷ thế cậy quyền, ngông nghênh, lấy của công dùng vào việc tư; tư túng, kéo bè kéo cánh, kiêu ngạo, coi khinh dân, cử chỉ lúc nào cũng vác mặt “quan cách mạng”. Những thói hư, tật xấu đó là do cán bộ, đảng viên không chịu tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, sa vào chủ nghĩa cá nhân.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, chủ nghĩa cá nhân là một thứ vi trùng rất độc, gian giảo, xảo quyệt. Đây là một kẻ địch bên trong mỗi con người. Đối với đế quốc bên ngoài, ta có thể dùng súng, dùng đạn để bắn. Với kẻ địch trong người thì không thể dùng lựu đạn mà ném vào được. Nó vô hình, không dàn ra thành trận, luôn luôn lẩn lút trong ta. Nó khó thấy, khó biết, nên khó tránh. Người sa vào chủ nghĩa cá nhân chỉ nghĩ đến lợi ích của mình, của gia đình mình, mà không nghĩ đến lợi ích chung của tập thể, của Đảng và nhân dân. Nếu có nghĩ đến, thì bao giờ cũng đặt lợi ích của mình và gia đình mình lên trên, lên trước lợi ích chung. Đây là một bệnh chính, sinh ra nhiều chứng bệnh khác. Do vậy, phải kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, “đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân không phải là “giày xéo lên lợi ích cá nhân”. Mỗi người đều có tính cách riêng, sở trường riêng, đời sống riêng của bản thân và gia đình mình” (4). “Lợi ích của cá nhân gắn liền với lợi ích của tập thể. Nếu lợi ích cá nhân mâu thuẫn với lợi ích tập thể, thì đạo đức cách mạng đòi hỏi lợi ích riêng của cá nhân phải phục tùng lợi ích chung của tập thể” (5). Người nhấn mạnh, đây là nguyên tắc tối cao của Đảng, là tính Đảng. Mỗi đảng viên phải khắc ghi điều đó.
LHQ-ST
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét