Sau
Hiệp định Giơ-ne-vơ, đất nước ta tạm thời bị chia cắt làm hai miền. Để giữ vững
liên lạc giữa hai miền Nam - Bắc, bảo đảm cho Trung ương Đảng chỉ đạo phong
trào cách mạng ở miền Nam, ta mới chỉ có một tuyến liên lạc qua miền Tây Quảng
Trị do Liên khu ủy 5 phụ trách, chỉ đạo từ giới tuyến trở vào và ủy ban Thông
nhất Trung ương phụ trách từ giới tuyến trở ra.
Tháng
1/1959, Hội nghị Trung ương lần thứ 15 đã đề ra nhiệm vụ cách mạng Việt Nam
trong giai đoạn mới. Hội
nghị khẳng định: "Nhiệm vụ cơ bản của cách mạng miền Nam là giải phóng
miền Nam; phương pháp cách mạng và phương thức đấu tranh là dùng bạo lực cách
mạng, từ đấu tranh chính trị tiến lên kết hợp đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang, đánh đổ quyền thống trị của đế quốc,
phong kiến; trước mắt là đánh đổ tập đoàn
thống trị Ngô Đình Diệm tay sai của đế quốc Mỹ, thiết lập chính quyền cách mạng". Để chi
viện cho miền Nam, việc nhanh chóng mở đường
vận chuyển chi viện chiến lược cho các chiến trường trở thành một nhiệm vụ hết sức quan trọng,
cấp bách của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta.
Sau
một thời gian gấp rút chuẩn bị, ngày 19/5/1959, Thường trực Tổng Quân ủy chính
thức giao nhiệm vụ cho “Đoàn công tác quân sự đặc biệt”
làm nhiệm vụ mở đường vận chuyển hàng quân sự vào miền Nam, tổ chức đưa đón bộ
đội, chuyên công văn, tài liệu từ miền Bắc vào miền Nam và ngược lại.
Trải
qua 16 năm chiến đấu và trưởng thành, từ 500 cán bộ, chiến sĩ đầu tiên của Đoàn
559 đã phát triển thành Bộ Tư lệnh Trường Sơn với quân số lên đến 100.495
người, trong đó có 13.155 sĩ quan.
Từ khi thành lập cho đến cuộc Tổng tiến công và nổi dậy
mùa Xuân năm 1975 toàn thắng, đường Hồ Chí Minh không ngừng được mở rộng, kéo
dài, ngày càng phát triển, vươn sâu tới các chiến trường, các hướng chiến lược,
chiến dịch. Đến cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ, đường Hồ Chí Minh đã mở rộng,
vươn dài tới Lộc Ninh (Bình Phước) với tổng chiều dài gần 17.000km đường cho xe
cơ giới (gồm 5 trục dọc, 21 trục ngang); đường giao liên dài trên 3.000km;
đường ống dẫn xăng dầu gần 1.400km.
Đã
vận chuyển một khối lượng lớn lương thực, vũ khí trang bị cho các chiến trường
miền Nam: Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, lượng hàng đưa đến
các chiến trường là hơn 27.900 tấn. Khi ta mở cuộc tiến công chiến lược năm
1972, lượng hàng vận chuyển tới các chiến trường lên tới 66.500 tấn. Đặc biệt,
trong hai năm chuẩn bị cho cuộc Tống tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, lượng
hàng đã giao cho các chiến trường hơn 403.300 tấn. Như vậy, tính chung trong
toàn bộ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Bộ đội Trường Sơn, qua tuyến đường
Hồ Chí Minh đã vận chuyển chi viện cho các chiến trường trên 1,5 triệu tấn hàng
hóa và 5,5 triệu tấn xăng dầu.
Cùng
với vận chuyển hàng quân sự, trong toàn bộ cuộc kháng chiến chống Mỹ, tuyến
giao thông vận tải Trường Sơn đã bảo đảm cho hơn 1,1 triệu lượt cán bộ, chiến
sĩ đi vào chiến trường miền Nam và các mặt trận lớn, đưa hơn 650.000 lượt cán
bộ, chiến sĩ từ các chiến trường về hậu phương miền Bắc, trong đó có gần
310.000 thương binh, bệnh binh. Không chỉ là tuyến vận chuyển sức người và hàng
hóa từ hậu phương ra tiền tuyến, Trường Sơn còn có một vị trí chiến lược quan
trọng như là “xương sống” ở bán đảo Đông Dương, là nơi “đứng chân” của các binh
đoàn chủ lực và các đơn vị binh chủng, kỹ thuật; là vùng hậu phương trực tiếp
của các chiến trường, là bàn đạp xuất kích đã được chuẩn bị sẵn cho các binh
đoàn chủ lực tiến công ra các hướng chiến dịch, chiến lược quan trọng.
Để
ngăn chặn tuyến chi viện chiến lược của miền Bắc cho tiền tuyến miền Nam ruột
thịt, không quân Mỹ - ngụy đã đánh phá 151.800 trận với 733.000 lần chiếc máy
bay, ném xuống tuyến đường gần 4 triệu tấn bom đạn. Ngoài việc dùng bom đạn
thông thường đánh phá hòng ngăn chặn phương tiện vận tải, phá hủy cầu đường,
đường ống xăng dầu, hệ thống thông tin liên lạc... Đế quốc Mỹ còn sử dụng các
loại bom từ trường, bom la-de, “cây nhiệt đới” để phát hiện tiếng động của
người và phương tiện trên mặt đất; thả chất độc hóa học hủy diệt cây xanh, gây
bệnh tật và để lại di chứng cực kỳ nguy hiểm cho con người. Hơn thế nữa, đế
quốc Mỹ và quân ngụy còn huy động lực lượng lớn tiến hành hàng ngàn cuộc hành
quân đánh phá, chia cắt đường Trường Sơn trong suốt những năm chiến tranh.
Trong
16 năm, các lực lượng trên tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn đã chiến đấu
trên 2.500 trận, diệt gần 17.000 tên địch, bắt 1.200 tên, gọi hàng trên 10.000 tên,
bắn rơi 2.455 máy bay địch, phá hủy hàng vạn tấn vũ khí và phương tiện chiến
tranh khác của địch. Để giành thắng lợi vẻ vang đó, hơn 2 vạn cán bộ, chiến sĩ,
thanh niên xung phong đã hy sinh, gần 3 vạn người bị thương, hàng nghìn người
bị ảnh hưởng nặng nề chất độc màu da cam của địch. Biết bao bộ đội, thanh niên
xung phong, dân công hỏa tuyến, đồng bào các dân tộc đã hiến dâng cả tuổi thanh
xuân của mình để giữ vững mạch máu giao thông trên con đường huyền thoại này.
Hình
thành trong lửa đạn, đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh và Bộ đội Trường Sơn
đã phát huy vai trò to lớn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chi viện từ hậu phương
lớn cho các chiến trường miền Nam Việt Nam, Lào và Campuchia, góp phần to lớn
làm nên cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968, cuộc Tiến công
chiến lược năm 1972, Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào. Đặc biệt, cuộc Tổng tiến
công và nổi dậy mùa Xuân 1975.
Từ thực tế đó đã
chứng minh rằng, mở đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh là một quyết định lịch
sử, mang tầm chiến lược và sáng tạo của Đảng cộng sản Việt Nam trong cuộc kháng
chiến chống Mỹ, cứu nước. Với quyết định sáng suốt đó, tuyến vận tải chiến lược
đã ra đời, phát triển trong mưa bom, bão đạn và đã trở thành biểu tượng của chủ
nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam trong thế kỷ 20. Do đó, trong thời kỳ xây dựng
và bảo vệ Tổ quốc ngày nay, những bài học đúc kết từ quá trình xây dựng, phát
triển đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp
là sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng cần được tiếp tục
nghiên cứu, phát triển, vận dụng sáng tạo, phát huy sức mạnh tổng hợp để bảo vệ
vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.
LVK
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét