Thứ Hai, 27 tháng 5, 2019

Giả dối – thói xấu tệ hại cần loại bỏ



Một trong những thói quen ứng xử của người Việt là ưa thích sự mềm mỏng, khéo léo, nhã nhặn. Và ngược lại, không thích nghe những sự thẳng thắn, cương trực. Thói quen ứng xử đó có mặt tích cực là dễ tạo thiện cảm, song quá coi trọng giao tiếp theo cách ứng xử nhã nhăn, nhún nhường theo kiểu nói ngọt cũng lọt đến xương cũng là mảnh đất mầu mỡ cho tệ nói dối, nói hão nảy sinh. Đây chính là mầm mống cho bệnh giả dối, con “ma” đang gặm nhấm, là mối nguy hại làm mọt ruỗng phẩm giá cán bộ, đảng viên và ảnh hưởng tiêu cực trong mọi quan hệ xã hội.

Thói giả dối không khó nhận ra. Nó được nguỵ trang bằng nhiều hình thức tinh vi như: chiêu trò khôn khéo, nói khéo lấy lòng cấp trên, biến tấu linh hoạt, vấn nạn “chạy” Trung ương chỉ ra… Thời gian qua, trong chúng ta không khỏi cười ra nước mắt liên quan đến thói giả dối: từ chuyện Uỷ viên Bộ chính trị, chuyện thứ trưởng, chuyện thăng tiến “thần tốc”…, đến những câu chuyện bằng cấp giả ở nhiều cấp chính quyền; chuyện kê khai tài sản cá nhân không trung thực; kê khai không muốn thoát nghèo; chuyện con bò, con dê, con trâu dành cho người nghèo lại biết chạy về nhà quan huyện, rồi mới đây là có chuyện con lợn ở Tứ Kỳ, Hải Dương. Suy cho cùng đó là lòng tham, thói giả dối từ cán bộ, đảng viên. Mặt khác, cơ chế, chính sách, chế tài của chúng ta chưa theo kịp.
Hơn lúc nào hết, ngay từ lúc này cần đề cao sự trung thực, “thô mà thật”, cần cảnh giác sự duy tình, nói ngọt, nói vừa lòng nhau…, theo như thói đời: thật thà thẳng thắn thường thua thiệt, luồn lọt lươn lẹo lại leo lên. Đây chính là cội nguồn nhỏ nhất tạo ra rạn nứt, mất đoàn kết nội bộ, tạo ra kiện cáo, lục đục… Vì vậy, cần đề cao sự trung thực, giản dị, thẳng thắn, chân thành giúp mỗi cá nhân và tập thể ngày một tốt hơn, ngăn ngừa cạm bẫy nguy hiểm vi phạm pháp luật, kỷ luật Đảng, kỷ luật quân đội và những quy định của đơn vị.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét