Chủ tịch Hồ Chí Minh (tên lúc nhỏ là Nguyễn Sinh Cung, tên khi đi học là Nguyễn Tất Thành, trong nhiều năm hoạt động cách mạng lấy tên là Nguyễn Ái Quốc) sinh ngày 19/5/1890 tại làng Hoàng Trù (còn gọi là Làng Chùa), xã Chung Cự, tổng Lâm Thịnh, nay thuộc xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Thân phụ của Người là cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân mẫu là cụ Hoàng Thị Loan. Với tố chất đặc biệt, lại được sinh ra và lớn lên trong một gia đình hiếu học ở một vùng quê giàu truyền thống văn hóa, Nguyễn Tất Thành đã sớm tiếp thu những giá trị tinh hoa tiêu biểu của quê hương xứ Nghệ, đặc biệt là tinh thần yêu nước, ý chí bất khuất.
Đau đáu trong tim khát vọng giành tự do cho đồng bào, độc lập cho Tổ quốc, ngày 5/6/1911, dưới cái tên Văn Ba, Người lên tàu Amiran Latouche-Tréville, rời bến cảng Nhà Rồng (thành phố Hồ Chí Minh ngày nay) để tới nước Pháp, khởi đầu hành trình vĩ đại tìm đường cứu nước. Bôn ba khắp năm châu, bốn biển, trải qua nhiều gian khổ, hiểm nguy, Nguyễn Ái Quốc đã đến với chủ nghĩa Mác - Lênin. Ánh sáng tư tưởng ấy đã giúp Người tỏ rõ nguồn gốc những khổ đau của nhân dân lao động là ở sự áp bức, bóc lột của chủ nghĩa tư bản đế quốc; thấu suốt những vấn đề cơ bản của đường lối giải phóng dân tộc gắn liền với giải phóng giai cấp, giải phóng con người, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Là con người của hành động, nói đi đôi với làm, lý luận đi liền với thực hành lý luận, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã bắt tay ngay vào thực hiện mục tiêu, lý tưởng cách mạng. Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam do Người sáng lập vào năm 1930 là kết quả tất yếu. Với Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng, đường lối cách mạng Việt Nam và con đường cứu nước của dân tộc ta đã được vạch ra cụ thể. Sự đúng đắn ngay từ đầu của tư tưởng, đường lối cách mạng Việt Nam do Bác xây dựng đã được thực tiễn chứng minh; tiếp tục được bổ sung, phát triển và hoàn thiện trở thành ngọn đuốc soi đường cho cách mạng Việt Nam.
Tiếp nhận những bài học sâu sắc từ V.I.Lênin, từ thành công của Cách mạng tháng Mười Nga, phong trào công nhân, phong trào cộng sản quốc tế, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo cách mạng nước ta vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, giành được những thắng lợi vĩ đại. Đó là thắng lợi cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, nhà nước do nhân dân làm chủ đầu tiên trong lịch sử dân tộc, nhà nước công nông đầu tiên ở khu vực Đông Nam châu Á. Đó là cuộc kháng chiến chống Pháp với trận Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”; cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước với Đại thắng mùa Xuân lịch sử năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Những thắng lợi vĩ đại mang ý nghĩa bước ngoặt này là tiền đề quan trọng để đất nước tiến hành thành công công cuộc đổi mới, không ngừng phát triển và mở cửa, hội nhập quốc tế hiện nay.
79 mùa xuân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gắn bó và hiến dâng trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng ta và dân tộc ta. Cho đến hơi thở cuối cùng, Người đã đem hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Công lao trời biển của Người không chỉ in đậm trong những trang sử hào hùng của dân tộc, mà còn được ghi tạc trong lòng nhân dân và bạn bè tiến bộ quốc tế.
2. Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi về thế giới người hiền đến nay đã nửa thế kỷ (1969-2019). Nhưng Người vẫn sống mãi cùng non sông, đất nước và nhân dân Việt Nam, hiển hiện trong những di sản vô giá Bác để lại cho chúng ta: Tư tưởng Hồ Chí Minh, Thời đại Hồ Chí Minh và Những giá trị cao đẹp về đạo đức cách mạng Hồ Chí Minh; trong đó, những giá trị cao đẹp về đạo đức cách mạng của Bác là minh chứng sống động nhất.
Đạo đức cách mạng Hồ Chí Minh là kết tinh cao độ của truyền thống yêu nước nồng nàn, những giá trị tinh hoa của văn hóa dân tộc và văn hóa nhân loại; cộng hưởng cùng tấm lòng yêu nước thương dân vô bờ bến, sự thấu cảm sâu sắc với những số phận bất hạnh, cùng khát khao mãnh liệt vươn tới cuộc sống mới dân chủ, độc lập, tự do và hạnh phúc.
Theo Bác, đạo đức cách mạng là nhằm giải phóng và đem lại hạnh phúc, tự do cho con người; đó là đạo đức của những con người được giải phóng. Vì vậy, tu dưỡng đạo đức phải gắn liền với hoạt động thực tiễn, trên tinh thần tự giác, tự nguyện dựa vào lương tâm và trách nhiệm của mỗi người. Khi thấm sâu được ý nghĩa đó thì quá trình tu dưỡng bản thân sẽ trở nên hết sức nhẹ nhõm và là một hành trình đầy “vẻ vang, sung sướng” như Người đã viết: “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong. Có gì sung sướng, vẻ vang hơn là trau dồi đạo đức cách mạng để góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và giải phóng loài người”.
Từ khi đến với chủ nghĩa Mác - Lênin (năm 1920), Nguyễn Ái Quốc đã có sự chuẩn bị tích cực để hình thành nền tảng tư tưởng vững chắc cho việc thành lập một đảng cách mạng tiên tiến ở Việt Nam về sau. Người đã thành lập Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên vào tháng 6-1925 ở Quảng Châu (Trung Quốc) và trực tiếp đứng lớp để truyền bá chủ nghĩa cộng sản tới các thanh niên Việt Nam có tư tưởng tiến bộ. Các bài giảng sau đó được tập hợp lại trong cuốn sách Đường kách mệnh (xuất bản năm 1927). Tại đây, lần đầu tiên vấn đề đạo đức cách mạng được Người đúc kết một cách toàn diện song cũng rất cụ thể qua những tiêu chí dành cho một người cách mạng đối với mình, đối với người và trước công việc. Trong đó, có những tiêu chí tư cách đạo đức cách mạng mang giá trị tư tưởng sâu sắc:
Kể từ đây, lịch sử xây dựng Đảng cũng như lịch sử cách mạng Việt Nam mãi mãi tự hào với những tấm gương của các chiến sĩ cộng sản trọn lòng với Đảng nêu cao khí phách trước kẻ thù, thể hiện sức sống mãnh liệt của đạo đức cách mạng qua các cao trào cách mạng Xô viết Nghệ Tĩnh (1930-1931), cách mạng dân chủ nhân dân (1936-1939) và đỉnh cao là Tổng khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945.
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Đảng ta trở thành đảng cầm quyền. Lúc này, đạo đức cách mạng trở thành vấn đề cấp thiết hơn bao giờ hết. Bởi theo Hồ Chí Minh, trong điều kiện đảng cầm quyền, nhiều thói hư tật xấu dễ nảy sinh, rõ nhất là căn bệnh chủ nghĩa cá nhân và các biểu hiện của nó như: Quan liêu, mệnh lệnh, tham ô, lãng phí, thiếu tinh thần trách nhiệm, kèn cựa, địa vị... Những thói hư, tật xấu do sự suy thoái đạo đức sẽ đi cùng với sự suy thoái về tư tưởng chính trị và trầm trọng hơn sẽ dẫn đến phản bội lại mục tiêu, lý tưởng đã lựa chọn, phản bội lại đồng chí, đồng bào. Tư tưởng Hồ Chí Minh xây dựng Đảng lúc này hướng nhiều về hai phương diện là chú trọng nâng cao đạo đức của tổ chức đảng và đạo đức của mỗi người cán bộ, đảng viên.
Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc (tháng 10/1947), Người nêu lên 12 tiêu chuẩn để xác định tư cách của một đảng chân chính, cách mạng, trong đó, tiêu chí đầu tiên là: “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng”... Sau nhiều thập kỷ lãnh đạo đất nước, gắn với công cuộc xây dựng và chỉnh đốn Đảng được triển khai mạnh mẽ hiện nay cho thấy, vấn đề chăm lo xây dựng Đảng về đạo đức cách mạng của Hồ Chí Minh có một tầm nhìn vượt thời gian.
Không chỉ để lại hệ giá trị lý luận mang tầm thời đại, Bác Hồ - Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là tấm gương sáng về thực hành lý luận đạo đức cách mạng. Ở Người, tư tưởng, tầm nhìn và hành động luôn có sự nhất quán, tạo nên sức thuyết phục, lan tỏa, cảm hóa vô cùng to lớn. Dù bận vô vàn công việc đối nội, đối ngoại, nhưng về với dân, đến với quần chúng, để học dân, hỏi dân, hiểu dân, nghe dân nói, thấy dân làm, để nắm vững dân tình, dân tâm, dân ý là nhu cầu thường trực của Bác. Bác ra thao trường cùng bộ đội, “chống gậy lên non xem trận địa”, đến nhà máy, công trường, hầm mỏ, nông trường, hợp tác xã, trường học, bệnh viện. Người đến nhà giữ trẻ, lớp mẫu giáo, ra đồng ruộng, thăm nhà ở công nhân, cán bộ bình thường... Chỉ tính 15 năm cuối đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi thực tế địa phương và cơ sở 923 lần. Mỗi lần về cơ sở với Người không đơn thuần chỉ là tác phong quần chúng, mà chứa đựng trong đó phong cách phát huy dân chủ, mong muốn hiểu được tiếng nói nhân dân, hiểu được nhịp đập của cuộc sống đời thường. Phong cách ấy làm cho lãnh tụ và quần chúng gần gũi, đồng cảm sâu sắc.
Chính tấm gương đạo đức, việc làm cụ thể của Người đã tạo ra sức mạnh sống động cho những lý luận về đạo đức cách mạng, lan tỏa, cảm hóa từ những người đồng chí sống và làm việc cùng Bác đến đồng chí, đồng bào cả nước từ thế hệ này sang thế hệ khác. Những năm gần đây, khi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang ra sức học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, khắp cả nước đã có hàng vạn tấm gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt lan tỏa trong đời sống, được xã hội tôn vinh.
Kỷ niệm 129 năm Ngày sinh Bác Hồ là dịp để chúng ta thêm một lần tự hào về Bác. Với tất cả niềm tin yêu và lòng biết ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta nguyện đoàn kết một lòng, xây dựng Thủ đô Hà Nội, nước Việt Nam phồn vinh, hùng cường, đất nước của thời đại Hồ Chí Minh.
Bác sống như trời đất của ta.
Trả lờiXóaYêu từng ngọn lúa, mỗi cành hoa.
Tự do cho mỗi đời nô lệ.
Sữa để em thơ, lụa tặng già!