Thứ Năm, 23 tháng 5, 2019

HỌC TẬP TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH - HỌC PHẢI ĐI ĐÔI VỚI HÀNH



“Học với hành phải đi đôi. Học mà không hành thì học vô ích. Hành mà không học thì hành không trôi chảy”. Đây là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh nói về mối quan hệ giữa học và hành tại Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất về công tác huấn luyện và học tập vào tháng 5 năm 1950.
Theo Người, học phải luôn gắn bó hữu cơ, không tách rời với hành, học để ứng dụng vào thực tiễn cuộc sống vốn đa dạng và phong phú. Học mà không hành, không áp dụng vào thực tế khác nào chiếc hòm đựng đầy sách, hành mà không học thì hành không trôi chảy. Muốn thực hành tốt đòi hỏi người học phải được trang bị những tri thức, kiến thức.
Quan điểm của Người đã trở thành bài học sâu sắc có tác dụng kêu gọi mọi người đem việc học gắn bó với thực tiễn nước nhà, phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Học đi đôi với hành cũng là nguyên lý giáo dục cơ bản của Đảng và Nhà nước ta; phê phán lối học suông, học cốt lấy chữ nghĩa, lấy mảnh bằng, lối học kinh viện, không nhằm mục đích phục vụ thực tiễn.
Thấm nhuần nguyên lý: "Học đi đôi với hành" của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước ta chủ trương nâng cao chất lượng dạy và học trong các hệ thống bậc học, cấp học, chung tay xây dựng một xã hội học tập, xem học tập như là một nhu cầu tất yếu của cuộc sống và có thể học ở mọi nơi, mọi lúc, học bằng nhiều cách. Học không chỉ là học văn hóa mà còn phải học các kiến thức khác để làm việc, để sáng tạo, để làm người, để sống tốt hơn, thích ứng với sự thay đổi của xã hội. Nếu không, người học chỉ cần đạt đến mục tiêu có bằng cấp, không còn động lực học tập để có tri thức, để làm việc, để ứng dụng vào thực tiễn cuộc sống. Một nền giáo dục mà "cả nước là một xã hội học tập" sẽ là động lực thúc đẩy mọi người có trách nhiệm học tập, học tập để không bị lạc hậu và theo kịp bước tiến của khoa học, công nghệ, thời đại, để có điều kiện phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân và phát triển bản thân.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét