Thứ Tư, 8 tháng 5, 2019

Những yếu tố tác động đến xây dựng lực lượng vũ trang về chính trị trong giai đoạn hiện nay ĐTM/2019


Những yếu tố tác động đến xây dựng  lực lượng vũ trang về chính trị trong giai đoạn hiện nay
ĐTM/2019
Cục diện kinh tế, chính trị thế giới thay đổi sâu sắc, nhanh chóng, nhất là sự sụp đổ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu làm cho tương quan so sánh lực lượng giữa cách mạng và phản cách mạng thay đổi bất lợi cho chủ nghĩa xã hội.
Cuộc đấu tranh giai cấp, đấu tranh dân tộc tiếp tục diễn ra trong điều kiện mới, với những nội dung mới, hình thức phức tạp mới,  dưới những sắc thái mới, mà tính chất của chúng không kém phần gay go, quyết liệt
Cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại phát triển với tốc độ phi thường đưa tới những tiến bộ to lớn, làm xuất hiện nhiều nhân tố mới trong kinh tế và cả trên các mặt của đời sống xã hội … đồng thời, làm nảy sinh những khó khăn thánh thức mới cực kỳ gay gắt.
Chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù định thay đổi chiến lược tiến công chủ nghĩa xã hội và các phong trào cách mạng tiến bộ trên thế giới, từ xâm lược bằng vũ trang là chủ yếu sang xâm lược bằng phi vũ trang, bằng chiến lược “Diễn biến hoà bình” là chủ yếu, kết hợp với răn đe quân sự, sẵn sàng tiến hành chiến tranh xâm lược, kể cả tiến hành chiến tranh bằng vũ khí công nghệ cao.
Cuộc đấu tranh để giải quyết vấn đề “ ai thắng ai” giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản, nhằm giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa của đời sống xã hội những nhân tố kinh tế, chính trị xã hội, giai cấp, tư tưởng đang biến đổi và tác động đến xây dựng lực lượng vũ trang về chính trị trên các mặt chủ yếu sau đây:
Sự tác động của nền kinh tế nhiều thành phần, cơ chế thị trường đến xây dựng  lực lượng vũ trang về chính trị
Sự phát triển của kinh tế, sự ổn định chính trị của đất nước đã tác động tích cực đến nhận thức chính trị, tư tưởng, tình cảm, tâm lý của cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang: lòng tin vào Đảng, vào chế độ được củng cố, ý thức, trách nhiệm chính trị đối với sự nghiệp xây dựng lực lượng vũ trang, củng cố quốc phòng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc được nâng cao, làm tăng thêm sức mạnh chính trị – tinh thần của lực lượng vũ trang .
Tuy nhiên, bên cạnh sự tác động tích cực, thì mặt trái của nền kinh tế nhiều thành phần và cơ chế thị trường đã làm xuất hiện những tiêu cực mới, tác động không nhỏ đến lực lượng vũ trang như: ý thức giác ngộ chính trị; nhận thức về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội; sự thoái hoá biến chất, chính trị, đạo đức, lối sống ở một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Vì vậy, việc giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, kiên định mục tiêu, lý tưởng, con đường chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn là vấn đề cốt tử trong xây dựng  lực lượng vũ trang về chính trị.
Sự tác động của những biến đổi về cơ cấu xã hội – giai cấp ở nước ta hiện nay đến xây dựng lực lượng vũ trang về chính trị. Trong quá trình vận động, biến đổi, các giai cấp và tầng  lớp xã hội có xu hướng xích lại gần nhau, liên kết, hợp tác với nhau, trên cơ sở khối đại đoàn kết dân tộc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Mặt khác với cơ cấu xã hội – giai cấp không thuần nhất, phát triển đa dạng, đan xen, vừa hợp tác vừa đấu tranh với nhau dẫn tới sự không thuần nhất về chính trị – tư tưởng, sự xuất hiện các khuynh hướng chính trị – tư tưởng, sự xuất hiện các khuynh hướng chính trị – tư tưởng khác nhau thậm chí đối lập nhau sẽ tác động đến quá trình xây dựng  lực lượng vũ trang về chính trị.
Vì vậy, trong giai đoạn hiện nay phải giải quyết mâu thuẫn giữa việc tiếp tục xây dựng, củng cố và tăng cường bản chất giai cấp công nhân cho lực lượng vũ trang với thành phần tham gia lực lượng vũ trang từ các giai cấp, tầng lớp khác nhau của nền kinh tế nhiều thành phần trong thời kỳ quá độ.
Hiện nay cùng với những tàn dư của tư tưởng phong kiến, tư tưởng tiểu tư sản là hệ tư tưởng tư sản, chủ nghĩa chống cộng và chủ nghĩa cơ hội hữu khuynh, xét lại đang tấn công toàn diện và mạnh mẽ vào bản chất cách mạng của quân đội ta.
Bằng chiến lược “Diễn biến hoà bình”chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch coi trọng chống phá ta về chính trị, tư tưởng và văn hoá, chúng tìm mọi cách gieo rắc tư tưởng “về sự phá sản của chủ nghĩa Mác – Lênin”, rêu rao luận điệu “ Phi chính trị hoá” lực lượng vũ trang làm tha hoá về tư tưởng, đạo đức, lối sóng của cán bộ, chiến sĩ ta, làm cho lực lượng vũ trang biến chất về chính trị.
Đây  là cuộc chiến tranh không có khói lửa, không có tiếng súng, không dễ dàng nhận rõ mặt kẻ thù như trong chiến tranh vũ trang trước đây, chúng ta không chỉ chống lại chiến lược “Diễn biến hoà bình” mà còn chống lại cả nguy cơ “Tự diễn biến” từ bên trong.
Trong những điều kiện đó việc giáo dục chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm cho hệ tư tưởng đó trở thành hệ tư tưởng chủ đạo trong đời sống tinh thần của lực lượng vũ trang, là một nội dung rất cơ bản, có tính chất quyết định đến xây dựng  lực lượng vũ trang về chính trị.
Quán triệt đường lối cách mạng của Đảng qua các thời kỳ và từ thực tiễn của cuộc đấu tranh cách mạng ở nước ta từ sau năm 1975 đến nay, tư duy về bảo vệ Tổ quốc của chúng ta đã có sự phát triển từng bước và đổi mới mạnh mẽ trong quá trình đổi mới đất nước.
Tư duy về bảo vệ Tổ quốc từ chủ yếu là tư duy về quân sự, về chiến tranh đã phát triển một cách toàn diện hơn về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong thời bình, bao gồm các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, ngoại giao, quân sự; về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, xây dựng quân đội nhân dân để chủ động ứng phó với mọi tình huống, ngăn ngừa chiến tranh, tạo môi trường hoà bình để xây dựng đất nước, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng tiến hành thắng lợi chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc
Phải kết hợp chặt chẽ quốc phòng – an ninh với đối ngoại; quốc phòng, an ninh, đối ngoại với xây dựng kinh tế, xây dựng đất nước theo đường lối đổi mới của Đảng. Trong khi đặt nhiệm vụ trọng tâm vào nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội chúng ta không một phút lơi lỏng nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, luôn coi trọng nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, coi đó là hai nhiệm vụ gắn bó chặt chẽ, quan hệ khăng khít với nhau
Yêu cầu của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn hiện nay được thể hiện trên một số nội dung chủ yếu sau đây:
Bảo vệ độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc gắn chặt với bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa. Bảo vệ Tổ quốc ngày nay là bảo vệ vững chắc Tổ quốc, độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ an ninh chính trị, an ninh kinh tế, an ninh tưởng văn hoá và an ninh xã hội; duy trì trật tự, kỷ cương, an toàn xã hội; giữ vững ổn định chính trị của đất nước, ngăn ngừa, đẩy lùi và làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá, thù địch, không để bị động, bất ngờ.
Xây dựng và phát triển chế  độ kinh tế xã hội chủ nghĩa một cách toàn diện, vững mạnh, đồng thời phải trực tiếp bảo vệ từng tế bào của chế độ một cách kiên quyết và thường xuyên. Xây dựng và bảo vệ xâm nhập lẫn nhau, diễn ra một cách phổ biến, thường xuyên ở mọi lúc mọi nơi, trên tất cả các mặt, các lĩnh vực hoạt động, trong mỗi tổ chức, mỗi con người.
Tư duy mới về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn hiện nay, một mặt nhấn mạnh tích cực xây dựng đất nước về mọi mặt theo đúng định hướng xã hội chủ nghĩa; mặt khác không coi nhẹ các biện pháp vũ trang bảo đảm có đủ sức mạnh cần thiết để răn đe, giữ vững hoà bình và sẵn sàng đánh bại chiến tranh xâm lược. điều đó đòi hỏi:
Phải chăm lo xây dựng tiềm lực mọi mặt của đất nước: tiềm lực kinh tế, tiềm lực chính trị – tinh thần, tiềm lực khoa học – công nghệ và tiềm lực quân sự tạo nên sức mạnh tổng hợp của nền quốc phòng toàn dân. Đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, bảo vệ, giữ gìn hoà bình, không để xảy ra chiến tranh là thượng sách để giữ nước. Xây dựng đất nước trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội là tạo ra sức mạnh lớn nhất để bảo vệ đất nước, là quá trình bảo vệ tích cực nhất, chủ động nhất. Mỗi bước phát triển của quá trình xây dựng là tạo nên một sức mạnh mới để bảo vệ Tổ quốc
Tăng cường xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, lấy xây dựng về chính trị làm cơ sở, đủ sức hoàn thành nhiệm vụ trong mọi tình huống.
Gắn chặt nhiệm vụ quốc phòng an ninh và đối ngoại trong công cuộc đấu tranh cho độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, chủ động đối phó có hiệu quả và sẵn sàng đập tan mọi âm mưu và hành động chống phá từ bên trong và tấn công quân sự từ bên ngoài của các thế lực thù địch.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét