Thứ Ba, 14 tháng 5, 2019

Tình đoàn kết chiến đấu Lào - Việt Nam trong chiến dịch Điện Biên Phủ 1954




Tình đoàn kết chiến đấu giữa quân đội hai nước Lào - Việt Nam nói riêng; mỗi câu thơ, bài hát, mỗi bức ảnh, mỗi tác phẩm nghệ thuật đều thể hiện và phác họa đậm nét truyền thống hữu nghị, mối quan hệ đặc biệt, trong sáng thủy chung hiếm có giữa hai Đảng, hai Quân đội Lào - Việt Nam trong suốt thời kỳ đấu tranh giải phóng đất nước cũng như trong thời kỳ bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước. Quan hệ Lào - Việt Nam thật sự đặc biệt, thật sự anh em, thật sự máu thịt. “Bát cơm sẻ nửa, hạt muối cắn đôi” đã trở thành hình tượng bất tử, ngợi ca tình hữu nghị cao đẹp, chia sẻ sâu sắc cả về vật chất lẫn tinh thần mà nhân dân hai nước, đã dành cho nhau từ những năm tháng khó khăn, gian khổ nhất.
Hơn tám thập kỷ qua, kể từ khi Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời, tình hữu nghị và mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào đã được lãnh tụ của hai dân tộc là Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Cây sỏn Phôm Vi Hản trực tiếp đặt nền móng và tiếp tục được các thế hệ lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước dày công vun đắp. Trải qua biến cố lịch sử, vượt lên mọi chông gai, thử thách, trở thành mối quan hệ mẫu mực, thủy chung hiếm có, tình hữu nghị đặc biệt Lào - Việt luôn luôn được củng cố và phát triển.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Vào đầu năm 1953, nhằm phát huy thắng lợi của chiến dịch Tây Bắc Thu đông 1952, sau khi cân nhắc giữa Lai Châu và Thượng Lào, Tổng Quân ủy Quân đội nhân dân Việt Nam đi đến nhận định: “Thượng Lào có ý nghĩa lớn về chiến lược, vừa phù hợp với trình độ tác chiến của Việt Nam, vừa mở được căn cứ cho Quân giải phóng Pathét Lào đứng chân.
Ngày 03/02/1953, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Kháng chiến Lào quyết định phối hợp mở Chiến dịch Thượng Lào. Lực lượng tham gia là Bộ đội Ít-xa-la và các đơn vị thuộc Đại đoàn chủ lực của Quân đội nhân dân Việt Nam. “Đây là lần đầu tiên Liên quân cách mạng Lào - Việt, bao gồm những tiểu đoàn đang trưởng thành của Lào và những binh đoàn chủ lực của Việt Nam phối hợp với nhau theo một kế hoạch tác chiến quy mô lớn, chứ không còn là những đơn vị du kích nhỏ bé phân tán”. Do tính chất và ý nghĩa quan trọng của chiến dịch đối với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của 2 dân tộc Việt - Lào, nên Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp được giao nhiệm vụ Chỉ huy trưởng chiến dịch cùng nhiều cán bộ cao cấp của Quân đội nhân dân Việt Nam. Về phía Lào, Hoàng thân Xu-pha-nu-vông - Thủ tướng Chính phủ kháng chiến Lào và đồng chí Cay xỏn Phôm vi hản - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng tham gia chỉ đạo chiến dịch. Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định tiến công địch trên 3 hướng Săm Nưa, Xiêng Khoảng và Năm U. Hướng chủ yếu - hướng Săm Nưa. Hướng thứ yếu - hướng Xiêng Khoảng. Hướng phối hợp – hướng Năm U
Nhằm động viên tinh thần cán bộ, chiến sĩ, trong thư gửi các lực lượng tham gia chiến dịch, Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: “Địch đã bỏ chạy Săm Nưa, Săm Nưa đã giải phóng. Nhưng muốn giúp đỡ nhân dân Lào củng cố căn cứ địa đó, thì Việt Nam phải tiêu diệt cho kỳ được sinh lực của địch, 10 giờ ngày 13/4/1953, khi bộ phận cuối cùng của địch rút khỏi Săm Nưa, các đơn vị đi đầu của Quân bộ nhân dân Việt Nam còn cách Săm Nưa từ 5 đến 10km, nhưng với tinh thần “vượt lên thật nhanh, bám sát và chia cắt địch, chặn đường rút lui của chúng, tiêu diệt cho giòn, cho gọn”. Tiếp tục tiến công tiêu diệt địch, mở rộng vùng giải phóng cho nước Lào, Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định đẩy mạnh tấn công vào khu vực sông Năm U. Sau khi tiêu diệt địch ở các vị trí Mường Ngòi (ngày 21/4), Pắc Sàng (ngày 26/4), Mường Khoa (ngày 18/5), Bộ chỉ huy quyết định kết thúc chiến dịch, phân tán một bộ phận lực lượng, kết hợp cùng với bộ đội Lào truy quét tàn binh, xây dựng cơ sở, còn đại bộ phận rút quân về Việt Nam
Thắng lợi của chiến dịch Thượng Lào đã tạo nên một cục diện mới cho cuộc kháng chiến cứu nước của nhân dân Lào. Chiến thắng này tạo cho cách mạng Lào một căn cứ địa rộng lớn và sát liền với vùng giải phóng của Việt Nam. Chính phủ kháng chiến Lào và Mặt trận thống nhất Lào từ đây có một hậu cứ vững chắc trong nước để hoạt động. Quân đội giải phóng Lào có một hậu phương lớn để đứng chân, xây dựng và phát triển lực lượng. Tại Trung, Hạ Lào Quận đội Ít-xa-la phối hợp với một đơn vị Quân đội nhân dân Việt Nam tiến công Lăk Sao, Căm Cớt, diệt một loạt vị trí dọn đường số 12, chiếm thị xã Nhôm Ma Lát, tiến vào Thà Khẹc, kiểm soát toàn tỉnh Khăm Muộn với 40.000 kilômét vuông và hàng chục vạn dân. Phòng tuyến Trung Lào của Pháp tán vỡ. Lực lượng vũ trang Lào và tiểu đoàn 436 đã kiểm soát toàn bộ cao nguyên Bôlôven, trong đó có tỉnh Ăt Tạ Pơ, rộng gần 20.000 km vuông. Nava lại phải điều lực lượng xuống Hạ Lào tổ chức nhiều cụm cứ điểm bảo vệ các thị xã Xa La Văn và Pắc Xế. Sau khi giải phóng cao nguyên Bôlôven, tháng 3/1954, một bộ phận liên quân Việt - Lào đã phát triển xuống phía nam, phối hợp với Bộ đội Itxarắc Campuchia giải phóng Viên Sai, Xiêm Pang, uy hiếp Tung Trêng, miền Đông Bắc Campuchia đã nối liền với vùng giải phóng ở Trung, Hạ Lào và Tây Nguyên, cắt đứt “con đường liên lạc chiến lược” của địch với Điên Biên Phủ. Thắng lợi của chiến dịch đã đẩy tập đoàn cứ điểm của địch vào thế hoàn toàn bị cô lập, tạo điều kiện thuận lợi cho quân và dân Việt Nam thực hiện trận quyết chiến chiến lược ở Điện Biên Phủ
Ngày 13/3/1954, quân và dân Việt Nam mở đầu cuộc tiến công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Phối hợp với chiến trường chính Việt Nam, quân và dân Lào liên tục đẩy mạnh các hoạt động quân sự từ Bắc xuống Nam Lào để kiềm chế lực lượng địch, đồng thời ủng hộ Mặt trận Điện Biên Phủ 300 tấn gạo chiến lợi phẩm thu được sau chiến thắng Thượng Lào và 400 viên đạn pháo 105 ly thu được của địch ở Bạn Na Phào.
Do những thắng lợi vang dội của quân và dân ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia trong Đông Xuân 1953-1954, mà đỉnh điểm là chiến thắng Điện Biên Phủ, cùng với phong trào đấu tranh đòi chấm dứt chiến tranh đang sôi sục trên toàn thế giới, ngày 21/7/1954, đối phương phải ký tuyên bố chung và các hiệp định về chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương. Nước Pháp và các nước tham gia hội nghị cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào, Campuchia. Đó là cơ sở pháp lý quốc tế rất quan trọng để nhân dân ba nước Đông Dương tiến lên giành độc lập, hoàn thành thống nhất đất nước ở mỗi nước.
Nhìn lại chặng đường hào hùng lịch sử đã qua, chúng ta có thể tự hào về quá trình hình thành và phát triển của mối quan hệ đặc biệt, hiếm có giữa hai dân tộc. Trong thời kỳ đấu tranh chống ách thống trị của chủ nghĩa thực dân cũ, hai nước đã thành lập Liên quân Việt - Lào để cùng chung sức chiến đấu chống kẻ thù chung. Những chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam đầu tiên đã sang Lào cùng chiến đấu sát cánh bên lực lượng vũ trang Pa-thét Lào. Quyết tâm, hy sinh xương máu và sự phối hợp chặt chẽ giữa những người con ưu tú của hai dân tộc đã góp phần đưa sự nghiệp kháng chiến chống thực dân cũ của hai nước đi đến thắng lợi vẻ vang, với việc ký Hiệp định Genève 1954 về Đông Dương.
Trong công cuộc đổi mới của mỗi nước ngày nay, cả hai nước Việt Nam và Lào đều giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử về kinh tế, xã hội, đối ngoại. Quan hệ hợp tác gắn bó giữa hai nước Việt - Lào cũng được đẩy mạnh và mở rộng trên nhiều lĩnh vực. Quan hệ chính trị giữa hai nước đã và đang phát triển trên một nền tảng sâu rộng và ngày càng vững chắc. Đến nay, các cuộc tiếp xúc cấp cao giữa lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và địa phương hai bên được tiến hành thường xuyên; Ủy ban liên Chính phủ thường niên được duy trì và củng cố. Giao lưu giữa các tổ chức, các tầng lớp nhân dân ngày càng mở rộng, hình thức ngày càng phong phú.
Cùng với quan hệ chính trị tốt đẹp sẵn có, quan hệ hợp tác kinh tế Việt Nam - Lào trong những năm gần đây ngày càng khởi sắc. Cho đến nay, Việt Nam đã có 409 dự án đầu tư trực tiếp tại Lào với số vốn hơn 4 tỷ USD và trở thành nước lớn thứ hai trong số các nước đầu tư vào Lào. Các dự án đầu tư của Việt Nam vào Lào tập trung có hiệu quả trong các lĩnh vực thủy điện, khai khoáng, giao thông vận tải, trồng cây công nghiệp… Không chỉ giới hạn trong hợp tác kinh tế, hợp tác trên các lĩnh vực khác cũng được quan tâm thúc đẩy.
Trong thời gian tới, trước những biến động phức tạp và khó lường của tình hình thế giới và yêu cầu phát triển của mỗi nước, hai nước đặt ưu tiên cao nhất cùng phấn đấu nâng quan hệ hữu nghị truyền thống tình đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện Việt - Lào lên tầm cao mới, theo phương châm chất lượng và hiệu quả, góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị, tăng trưởng kinh tế bền vững, hội nhập ngày càng sâu rộng và có vị thế xứng đáng trên trường quốc tế.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét