Thanh
niên là rường cột của nước nhà, chủ nhân tương lai của đất nước
Trong
suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh dành nhiều
công sức và tình cảm cho việc chăm lo bồi dưỡng thế hệ kế tục sự nghiệp cách
mạng. Người luôn coi đó là vấn đề hệ trọng, cần thiết trong sự nghiệp đấu tranh
giải phóng dân tộc, cũng như xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ngày nay, phát huy lời
dạy của Người về giáo dục, bồi dưỡng thanh niên là góp phần vào thành công sự
nghiệp đổi mới đất nước, nâng cao vị thế của nước ta trên trường quốc tế.
Trong
xã hội xã hội chủ nghĩa, giai cấp công nhân có sứ mệnh lịch sử là xóa bỏ chế độ
người bóc lột người, giải phóng giai cấp công nhân, nhân dân lao động và toàn
thể nhân loại khỏi áp bức, bóc lột, nghèo nàn, lạc hậu, xây dựng xã hội mới -
xã hội xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa trên phạm vi toàn thế giới. Giai
cấp công nhân muốn hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình phải quy tụ, bồi dưỡng,
cảm hóa thanh niên, lớp người có sức khỏe, nghị lực, hoài bão, có ý chí mạnh
mẽ, muốn vươn lên khẳng định mình; đó cũng là lớp người thích ứng nhanh với
hoàn cảnh của dân tộc, của thời đại. Như V.I. Lênin đã chỉ ra: “Theo một ý
nghĩa nào đó, có thể nói rằng nhiệm vụ thật sự xây dựng xã hội cộng sản chủ nghĩa,
chính là của thanh niên”. Mục tiêu xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa, xã hội
cộng sản, đòi hỏi phải có sự kế thừa, tiếp nối các lớp người cách mạng, trong
đó có các lớp thanh niên kiên định, trung thành với mục tiêu lý tưởng ấy. Trong
suốt sự nghiệp cách mạng, thanh niên Việt Nam thực sự là lực lượng xung kích
trên mọi mặt trận, góp phần vào những thắng lợi to lớn, vĩ đại của dân tộc
trong thế kỷ XX.
Với
tầm nhìn chiến lược, năm 1925, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận thấy muốn thức tỉnh
một dân tộc phải bắt đầu từ việc thức tỉnh thanh niên. Vì vậy, trong tác phẩm
“Bản án chế độ thực dân Pháp”, Người kêu gọi: “Hỡi Đông Dương đáng thương hại!
Người sẽ chết mất, nếu đám thanh niên già cỗi của Người không sớm hồi sinh” .
Lời kêu gọi của Người đã mang lại một luồng gió mới, thu hút nhiều thanh niên
Việt Nam yêu nước hướng về, đoàn kết, thống nhất, lập nên Hội Việt Nam Cách
mạng Thanh niên. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặt niềm tin lớn vào thế hệ thanh
niên trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng và xây dựng nước nhà. Người nêu rõ:
“Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà. Thật vậy nước nhà thịnh hay
suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên”. Cũng theo Người: “Thanh
niên muốn làm người chủ tương lai cho xứng đáng thì ngay hiện tại phải rèn
luyện tinh thần và lực lượng của mình, phải ra làm việc để chuẩn bị cái tương
lai đó”.
Trước
lúc đi xa, Người căn dặn Đảng ta: “Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt,
mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng
cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những
người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”. Bồi dưỡng thế
hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”. Tư tưởng
bồi dưỡng thế hệ trẻ cho cách mạng được thể hiện sinh động trong toàn bộ thực tiễn
hoạt động cách mạng phong phú, sinh động của Người, gắn bó chặt chẽ giữa lý
luận với thực tiễn, giữa lời nói với việc làm.
Một
số điểm nổi bật trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục thanh niên
trong thực tế lãnh đạo cách mạng nước ta, đó là:
Trước
tiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ vai trò xung kích của thanh niên trong sự
nghiệp cách mạng của dân tộc. Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Người luôn
dành tình cảm đặc biệt cho thanh niên, quan tâm bồi dưỡng, giáo dục, rèn luyện
thế hệ cách mạng cho đời sau. Trong thư gửi thanh niên và nhi đồng toàn quốc
nhân dịp Tết sắp đến (tháng 01-1946), Người viết: “Một năm khởi đầu từ mùa
Xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”(6). Trong
bài nói chuyện tại hội nghị chuyên đề sinh viên quốc tế họp tại Việt Nam (ngày
01.9.1961), Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Thời đại này là thời đại vẻ vang của
thanh niên. Mà thanh niên phải là những đội xung phong trên các mặt trận chính
trị, kinh tế, khoa học, kỹ thuật. Thanh niên đã thực hiện những điều mơ ước của
loài người từ bao thế kỷ”. Trung tuần tháng 9 năm 1950, trên đường đi Chiến
dịch Biên giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh ghé thăm một đơn vị thanh niên xung phong
đang làm đường phục vụ chiến dịch, Người khẳng định: Không có việc gì khó. Chỉ
sợ lòng không bền. Đào núi và lấp biển. Quyết chí ắt làm nên.
Chủ
tịch Hồ Chí Minh khen ngợi, biểu dương, kỳ vọng vào thanh niên. Đồng thời,
Người thẳng thắn phê bình, nhắc nhở số thanh niên không biết quý trọng công lao
của các thế hệ đi trước, vì thế, Người yêu cầu các thế hệ đi trước cần tích cực
giáo dục, dìu dắt thanh niên: Có số thanh niên không biết sự gian nan, cực khổ
cũ. Các đồng chí già phải kể lại cho họ nghe. Đó là một cách giáo dục thanh
niên. Cố gắng dìu dắt thanh niên; không nên công thần, không nên tiêu cực.
Người chỉ rõ: Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng
và rất cần thiết và nhắc nhở: Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng
cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng”,
vừa “chuyên”; cần “giáo dục thanh niên ta rèn luyện một chí khí kiên quyết quật
cường, một tâm lý quả cảm xung phong, tin tưởng vào tương lai của Tổ quốc, vào
lực lượng của nhân dân, hy sinh lợi ích riêng cho lợi ích chung của dân tộc”.
Một
cách cụ thể, trong “Bài nói chuyện với những cán bộ, đảng viên ở Nghệ An hoạt
động lâu năm”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập nhiều đến công tác đào tạo, bồi
dưỡng cán bộ của Đảng, xác định trách nhiệm của lớp cán bộ già:
“Nay
chúng ta có hai nhiệm vụ:
1.
Bất kỳ Đảng giao cho việc gì, nhân dân giao cho việc gì, phải cố gắng làm tròn
nhiệm vụ.
2.
Đào tạo thanh niên cho họ làm việc hơn mình, không nên nạnh kẹ”.
Vì
công việc ngày càng nhiều, càng mới. Một mặt, Đảng phải đào tạo, dìu dắt đồng
chí trẻ. Một mặt, đảng viên già phải cố gắng mà học. Mặt khác, thanh niên phải
biết công lao của các đồng chí già, thấy các đồng chí già đã trải qua phong ba
bão táp, có kinh nghiệm, thanh niên phải học tập. Có số thanh niên tưởng xây
dựng chủ nghĩa xã hội ngày nay là trên trời rơi xuống, không biết sự gian nan,
cực khổ. Các đồng chí già phải kể lại cho họ nghe. Đó là một cách giáo dục
thanh niên. Cố gắng mà dìu dắt thanh niên. Không nên công thần, không nên tiêu
cực. Đó là hai tư tưởng xấu. Một người cách mạng hoạt động và học tập cho đến phút
cuối cùng, không bao giờ tiêu cực.
Hai
là, Người yêu cầu thanh niên phải không ngừng học tập nâng cao trình độ về mọi
mặt để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình. Thanh niên sẽ làm chủ nước nhà, phải
học tập mãi, tiến bộ mãi, mới thật là thanh niên. Trong bài nói chuyện với nam,
nữ thanh niên, học sinh các trường trung học Nguyễn Trãi, Chu Văn An và Trưng
Vương (Hà Nội), Bác nói: “Ngày nay, ta đã được độc lập, tự do, thanh niên mới
thật là người chủ tương lai của nước nhà. Muốn xứng đáng vai trò người chủ, thì
phải học tập”. Bác yêu cầu thanh niên cần phải mạnh dạn chuyển hướng trong việc
học tập, luôn tự cải tạo để tiến bộ, tích cực tự học tập, tự bồi dưỡng, tự rèn
luyện mình trở thành những người có đức, có tài để hoàn thành mọi nhiệm vụ được
giao. Người chỉ rõ: Thanh niên bây giờ là một thế hệ vẻ vang, vì vậy, phải tự
giác, tự nguyện mà tự động cải tạo tư tưởng của mình để xứng đáng với nhiệm vụ
của mình. Tức là thanh niên phải có đức, có tài. Có tài mà không có đức ví như
một anh làm kinh tế tài chính rất giỏi nhưng lại đi thụt két thì chẳng những
không làm được gì ích lợi cho xã hội, mà còn có hại cho xã hội nữa.
Để
thực sự là thế hệ tương lai của nước nhà, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu: Thanh
niên cần phải có tinh thần và gan dạ sáng tạo, cần phải có chí khí hăng hái và
tinh thần tiến lên, vượt mọi khó khăn, gian khổ để tiến mãi không ngừng. Cần
phải trung thành, thật thà, chính trực. Đồng thời, Người cũng căn dặn những
điều thanh niên nên chống: Thanh niên cần phải chống tâm lý tư lợi, chỉ lo lợi
ích riêng và sinh hoạt riêng của mình. Chống tâm lý ham sung sướng và tránh khó
nhọc. Chống thói xem khinh lao động, nhất là lao động chân tay. Chống lười
biếng, xa xỉ. Chống cách sinh hoạt ủy mị. Chống kiêu ngạo, giả dối, khoe
khoang.
Ba
là, Người cho rằng giáo dục thanh niên không thể tách rời mà phải liên hệ chặt
chẽ với những phong trào hoạt động của xã hội. Những kiến thức được trang bị ở
trường, ở lớp, thanh niên phải vận dụng ngay vào thực tiễn: “Khi ở nhà, phải
thương yêu cha mẹ, giúp đỡ cha mẹ về công việc, giúp đỡ về tinh thần (học được
điều gì về tình hình trong nước và thế giới thì nói lại cho cha mẹ nghe). Ở
trường thì phải đoàn kết, giúp đỡ anh chị em, thi đua học tập. Phải đoàn kết
giữa thầy và trò, làm cho trường mình luôn luôn tiến bộ. Ở xã hội: các cháu có
thể giúp được nhiều việc có ích. Thí dụ: tuyên truyền vệ sinh, giúp đỡ các em
nhi đồng, xung phong dạy bình dân học vụ...”.
Chủ
tịch Hồ Chí Minh yêu cầu phải kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và xã
hội trong việc giáo dục thanh niên. Tại buổi khai mạc Trường Đại học nhân dân
Việt Nam (ngày 19.01.1955), Người chỉ rõ: Trường học, gia đình và đoàn thể
thanh niên cần phải chú ý đến giáo dục tư tưởng, thái độ, hoạt động và sinh
hoạt hằng ngày của thanh niên để kịp thời khuyến khích, uốn nắn, sửa chữa.
Thấm
nhuần tư tưởng của Người, từ khi ra đời đến nay, trong mọi giai đoạn cách mạng,
Đảng ta luôn đánh giá cao vai trò của thế hệ trẻ Việt Nam trong thực hiện sứ
mệnh lịch sử của giai cấp công nhân và toàn thể dân tộc: xây dựng một nước Việt
Nam xã hội chủ nghĩa.
Đảng
ta luôn coi thanh niên là lực lượng cách mạng quan trọng trong thực hiện nhiệm
vụ chính trị của Đảng trước dân tộc. Trước đây cũng như ngày nay, trong sự
nghiệp đổi mới đất nước do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, thế hệ trẻ được đặc biệt
quan tâm chăm sóc, đào tạo và bồi dưỡng. Nghị quyết số 04/NQ-TW, ngày
14.01.1993, của Ban Chấp hành Trung ương khóa VII về công tác thanh niên trong
thời kỳ mới khẳng định: Sự nghiệp đổi mới có thành công hay không,…, cách mạng
Việt Nam có vững bước theo con đường xã hội chủ nghĩa hay không phần lớn tùy
thuộc vào lực lượng thanh niên, vào việc bồi dưỡng, rèn luyện thế hệ thanh
niên. Điều đó cho thấy, Đảng ta luôn quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh và
Di chúc của Người.
Nghị
quyết số 25/NQ-TW, ngày 25.7.2008, của Ban Chấp hành Trung ương khóa X, về tăng
cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công
nghiệp hóa, hiện đại hóa, xác định: Thanh niên là rường cột của nước nhà, chủ
nhân tương lai của đất nước, là lực lượng xung kích trong xây dựng và bảo vệ Tổ
quốc, một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của sự nghiệp công nghiệp
hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế và xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét