Việt Nam là quốc gia đa dân tộc và đa tôn giáo. Theo số liệu mới nhất từ Liên hợp quốc, dân số Việt Nam tính đến năm 2019 là 97.336.788 người, chiếm 1,27% dân số thế giới, đứng thứ 14 trên thế giới trong bảng xếp hạng dân số các nước và vùng lãnh thổ.
Việt Nam có 54 dân tộc. Hiện nay, số người có đạo lên tới 18.661.437. Nhiều nhất là Phật giáo có 6.812.318 người, sau đến Công giáo có 5.677.086 người. Trong đó, Công giáo tại Việt Nam là một bộ phận của Giáo hội Công giáo Rôma. Tất cả tôn giáo khác có nguồn gốc ngoại nhập hoặc nội sinh hoạt động theo những nghi thức quốc nội. Đời sống văn hóa tâm linh của người Việt có nội dung, nghi thức phong phú. Nghi thức văn hóa tâm linh của người Việt thường là cúng bái, giỗ chạp vào ngày sinh, ngày mất của người đã khuất; thắp hương cúng vào các ngày tết, mồng một, ngày rằm. Văn hóa tâm linh cho rằng: “Ở hiền thì gặp lành”; làm việc ác thì sẽ gặp “quả báo”. Điều cơ bản nhất đối với văn hóa tâm linh của người Việt là khuyến khích mọi người sống khoan dung, hướng thiện.
Trái lại, mê tín dị đoan cho rằng người ta sống như thế nào không quan trọng, chỉ cần cầu khẩn với “lễ cao”, “mâm đầy”, đặt nhiều tiền bạc thì người ta có thể “cầu gì được nấy”. Làm điều ác có thể hóa giải bằng lễ “dâng sao giải hạn”, không sợ “quả báo”...
Chương trình "Đại lộ di sản” trong khuôn khổ Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2019. Ảnh: qdnd.vn.
|
Những vụ việc tại một số lễ hội gần đây cho thấy hai mặt tích cực và tiêu cực của lễ hội văn hóa tâm linh. Chẳng hạn, Lễ hội chùa Tam Chúc ở Hà Nam, ngày 16-2 (tức ngày 12 tháng Giêng năm Kỷ Hợi) do Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức là một nét đẹp trong văn hóa tâm linh của dân tộc. Lễ hội chùa Tam Chúc nằm trong chuỗi lễ hội được phục dựng lại cách đây 1.000 năm trên tuyến đường hành hương kết nối nhiều di sản văn hóa gắn với lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc: Từ Chùa Vàng-Tràng An-cố đô Hoa Lư-chùa Bái Đính-Vân Long (Ninh Bình)-chùa Đồng Tâm (Hòa Bình)-chùa Tam Chúc (Hà Nam)-chùa Hương Sơn đến Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội). Theo các nguồn tin chính thức, đến dự lễ hội năm nay có hàng vạn phật tử và khách thập phương. Cũng tại chùa Tam Chúc, Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc Vesak 2019 khai mạc ngày 12-5 có Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cùng Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó chủ tịch Thường trực Giáo hội Phật giáo Việt Nam đến dự và thỉnh chuông, đánh trống khai hội, tổ chức lễ dâng hương cầu quốc thái dân an.
Trái lại, “thỉnh vong oan gia trái chủ” tại chùa Ba Vàng (Quảng Ninh) đã bị người dân lên án. Ngay sau khi nắm bắt được dư luận xã hội qua báo chí, Ban Tôn giáo Chính phủ, Cục An ninh nội địa (Bộ Công an) và Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh, Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam khu vực phía Bắc đã tổ chức phiên họp bất thường xem xét vụ việc và đi đến những kết luận: Hoạt động, lễ “thỉnh vong oan gia trái chủ” chữa bệnh cho người dân và phật tử, trong đó có việc "gọi vong", "phán số kiếp", quy định người đăng ký pháp "thỉnh oan gia trái chủ" phải trả nợ cho "vong" bằng tiền thông qua hình thức công đức vào chùa Ba Vàng, hoặc làm công quả lao động tại chùa là trái với nghi lễ Phật giáo và vi phạm pháp luật. Đây là hành vi vi phạm Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, làm tổn thương đến thanh danh giáo hội, đến tăng đoàn.
Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 7 (khóa IX) của Đảng đã xác định: “Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đồng bào các tôn giáo là bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào, quyền sinh hoạt tôn giáo bình thường theo đúng pháp luật. Các tôn giáo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, bình đẳng trước pháp luật".
Thực hiện Hiến pháp 2013 về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo (2016) quy định: Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người; bảo đảm quyền bình đẳng giữa các tôn giáo trước pháp luật; Nhà nước bảo hộ cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo và tài sản hợp pháp của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo; nghiêm cấm phân biệt đối xử, kỳ thị vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo; ép buộc, mua chuộc hoặc cản trở người khác theo hoặc không theo tín ngưỡng, tôn giáo; xâm phạm quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, môi trường; xâm hại đạo đức xã hội; xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng, tài sản; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác…
Một công việc hết sức quan trọng trước khi nghĩ tới việc đấu tranh ngăn chặn, loại bỏ tệ nạn mê tín dị đoan ra khỏi đời sống xã hội, đó là phải loại bỏ tệ nạn này ra khỏi đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Mặt khác, để bài trừ tệ nạn này cần phải tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục để toàn dân, trước hết là cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và lớp trẻ nhận thức đúng đắn về tín ngưỡng, tôn giáo và mê tín dị đoan, phân biệt rõ những hiện tượng mê tín dị đoan với các tín ngưỡng, tôn giáo chân chính. Nhà nước đã ban hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Thiết nghĩ, nếu luật này được quán triệt, phổ biến sâu rộng trong hệ thống chính trị các cấp, nhất là ở cấp cơ sở, trong đó có hội cựu chiến binh, đoàn thanh niên, hội phụ nữ… sẽ hạn chế được những vụ việc đáng tiếc như vừa qua. Hoạt động của các tổ chức đoàn thể có thể là định kỳ rà soát các tổ chức tôn giáo ở địa phương; chấn chỉnh những hoạt động “lệch chuẩn”… và nhất là người dân phát hiện những hoạt động khác lạ thì cần thông báo cho các cơ quan, tổ chức, cơ quan an ninh có biện pháp xử lý.
Giá trị của một dân tộc nói chung, của dân tộc Việt Nam nói riêng, trong đó có văn hóa tâm linh là một trong những nét đẹp, điểm khác lạ của dân tộc. Bởi vậy, chúng ta không ngạc nhiên khi đến Việt Nam, khách quốc tế thường đến thăm các di tích văn hóa, các cơ sở vật chất của các tôn giáo. Không ít du khách còn muốn trực tiếp tham dự các lễ hội.
Ngày nay, đồng thời với duy trì, tôn tạo các cơ sở tôn giáo, chúng ta cần duy trì những mặt tích cực, những nét đẹp trong văn hóa tâm linh của người Việt. Sự quan tâm của gia đình, nhà trường đến những hoạt động của con em, học sinh là rất quan trọng. Gia đình và nhà trường là môi trường giáo dục ban đầu và rộng rãi nhất của xã hội, góp phần duy trì bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Ở nhà trường, giáo dục văn hóa tâm linh có thể dựa trên giáo dục công dân và giáo dục quyền con người. Trong giảng dạy cần giúp các em nhận thức và phân biệt rõ văn hóa tâm linh với mê tín dị đoan nhằm gia tăng "sức đề kháng”, khả năng “miễn dịch tinh thần” khi tiếp cận với đạo giáo “khác lạ”...
Mai Năm Mới (ST)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét