Thứ Năm, 9 tháng 5, 2019

GIÁ TRỊ VÀ SỨC SỐNG CỦA CHỦ NGHĨA MÁC-LÊNIN LÀ KHÔNG THỂ PHỦ NHẬN




Trong những năm qua, lợi dụng sự sụp đổ của Liên xô và các nước XHCN ở Đông Âu, những khó khăn, hạn chế, yếu kém trong công tác quản lý, các vụ án tham nhũng, lãng phí chưa được giải quyết triệt để, các thế lực thù địch cho rằng Việt Nam đi theo con đường của chủ nghĩa Mác là không phù hợp, là cản trở sự phát triển của đất nước, do chủ nghĩa Mác không còn giá trị. Tuy nhiên, từ thực tiễn thế giới và cách mạng Việt Nam, có thể khẳng định rằng, những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin vẫn có giá trị bền vững; chủ nghĩa Mác - Lênin vẫn là học thuyết khoa học, cách mạng duy nhất đáp ứng được nhiệm vụ lịch sử mà không một học thuyết nào có thể thay thế được. Bởi các lý do chủ yếu sau:

1. Chủ nghĩa Mác ra đời vào những năm 40 của thế kỷ XIX, ban đầu, chỉ là “bóng ma ám ảnh châu Âu”, song đến những năm 70 của thế kỷ XIX, nó đã trở thành hệ tư tưởng chủ đạo của phong trào công nhân quốc tế, là cương lĩnh và nền tảng tư tưởng của các Đảng cộng sản. Đến năm 1917, Cách mạng tháng Mười Nga thắng lợi, và sau chiến tranh Thế giới thứ hai, hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa ra đời và từ đó, chủ nghĩa Mác- Lênin đã lan rộng sang cả châu Á, châu Mỹ La tinh và toàn thế giới. Mở ra một thời đại mới, thời đại quá độ từ chủ nghĩa Tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên toàn thế giới. Điều đó chứng tỏ chủ nghĩa Mác là một học thuyết khoa học và cách mạng, đưa chủ nghĩa xã hội từ “không tưởng” trở thành hiện thực. Nhân dân lao động cần lao, bị áp bức, bóc lột của chế độ tư bản, thực dân trên toàn thế giới đã được sự soi sáng, dẫn đường, cổ vũ của một học thuyết, một hệ tư tưởng tiên tiến đã sát cánh cùng giai cấp công nhân đứng lên đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ và tự do, độc lập cho dân tộc, trong đó có Việt Nam và các nước Đông Dương.
2. Sự sụp đổ của chế độ XHCN ở Liên Xô là sự sụp đổ của một mô hình CNXH, chứ không phải là sự sụp đổ của CNXH nói chung. Sự sụp đổ của nó có nguyên nhân khách quan và chủ quan, bên trong và bên ngoài, nguyên nhân sâu xa và nguyên nhân trực tiếp. Những khuyết tật của mô hình CNXH đó không được phát hiện và khắc phục kịp thời, tồn tại kéo dài, tích tụ lại. Sự sai lầm về đường lối cải tổ của lãnh đạo Đảng và Nhà nước Liên Xô, sự phản bội lý tưởng XHCN của những người lãnh đạo cao nhất trong Đảng và Nhà nước cộng với sự chống phá, âm mưu và hoạt động “diễn biến hòa bình” của chủ nghĩa đế quốc.
3. Trong thời đại ngày nay, chủ nghĩa Mác - Lênin vẫn là học thuyết khoa học và cách mạng duy nhất đáp ứng được nhiệm vụ lịch sử mà không một học thuyết nào có thể thay thế được, nó soi sáng các nhiệm vụ lịch sử của nhân loại, đó là giải phóng con người khỏi mọi hình thức áp bức, bóc lột, bất công, tha hóa. Khắc phục những khuyết tật cố hữu, bẩm sinh của chủ nghĩa tư bản, kể cả của các nước tư bản phát triển và đã có nhiều điều chỉnh để tồn tại. Nó vẫn đã và đang là lý luận và phương pháp luận khoa học để nhận thức và cải tạo thế giới, còn những hạn chế lịch sử trong một số luận điểm cụ thể nào đó của các ông thì lại đặt ra yêu cầu phải bổ sung, phát triển cho phù hợp với điều kiện lịch sử mới.Có một thực tế là trong khi có những người xuyên tạc, phủ nhận chủ nghĩa Mác thì cũng tại các nước tư bản phát triển, nhiều học giả tư sản vẫn thừa nhận chủ nghĩa Mác, đề cao C.Mác, kêu gọi nhân loại hãy “trở về với Mác”, “nhân loại không thể thiếu Mác”, “không có tương lai nếu không có Mác, nếu không có các di sản của Mác”.
Trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế - tài chính những năm 2008 - 2009 ở các nước tư bản phát triển, bộ “Tư bản” của C.Mác đã được in và tái bản với số lượng tăng vọt, trở thành sách bán chạy ở các nước tư bản như Anh, Đức, Pháp, Italia, Nhật Bản... Vì người ta muốn tìm câu trả lời từ trong tác phẩm vĩ đại của C.Mác về những vấn đề của xã hội tư bản hiện đại. Nhà sử học người Anh Êrích Hôxbon nhận xét rằng “việc quay trở lại đọc Mác có nghĩa là thế giới cần phải nghiên cứu học thuyết của ông về CNTB và về vị trí của học thuyết đó trong sự phát triển của xã hội loài người”.
4. Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời cho đến nay, chủ nghĩa Mác - Lênin đã được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp thu, vận dụng và phát triển sáng tạo phù hợp với điều kiện thực tiễn Việt Nam và thời đại. Chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh đã trở thành nền tảng tư tưởng của Đảng, kim chỉ nam cho cách mạng. Thắng lợi của hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, giải phóng đất nước, thống nhất Tổ quốc, những thành tựu trong công cuộc đổi mới, xây dựng CNXH hơn 30 năm qua đã khẳng định sức sống, ý nghĩa thời đại của chủ nghĩa Mác - Lênin đối với cách mạng Việt Nam. Những thành tựu về lý luận và thực tiễn của Việt Nam qua hơn 30 năm đổi mới đã khẳng định đường lối đổi mới của Đảng là đúng đắn, hợp lòng dân, con đường đi lên CNXH là phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại, phù hợp với chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã coi chủ nghĩa Mác - Lênin là “Chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mạng nhất”. Người coi chủ nghĩa Mác - Lênin là “cái cẩm nang thần kỳ”, “mặt trời chói lọi” soi sáng con đường cách mạng Việt Nam. Vì vậy, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn yêu cầu “phải nắm vững, vận dụng sáng tạo, góp phần phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh”. Chỉ có như vậy, mới hoàn thành trọng trách mà nhân dân, dân tộc đã giao phó cho Đảng, thực hiện mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh.
Từ những điều trình bày trên cho thấy, chủ nghĩa Mác – Lênin vẫn là học thuyết cách mạng và khoa học mà không thể có học thuyết nào có thể thay thế và làm tròn vai trò dẫn dắt giai cấp công nhân, nhân dân lao động và các đảng cộng sản trong sự nghiệp đấu tranh với giai cấp tư sản, xây dựng xã hội mới trong thời kỳ mới. Mọi ý kiến phủ nhận chủ nghĩa Mác đều là những trò phục vụ mưu đồ xóa bỏ các nước XHCN còn lại trên thế giới của các thế lực thù địch mà thôi.
Chủ lực

1 nhận xét: