Thứ Hai, 20 tháng 5, 2019


THỰC HÀNH NÊU GƯƠNG ĐỂ CHỐNG “TỰ DIỄN BIẾN”, “TỰ CHUYỂN HOÁ”
TRONG NỘI BỘ VÀ PHẢN BÁC CÁC QUAN ĐIỂM SAI TRÁI THÙ ĐỊCH

Việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ và Quy định số 08-QĐi/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương (gọi tắt là Quy định số 08) đang từng bước đi vào cuộc sống.
Chúng ta đều biết, phẩm chất nêu gương của cán bộ, đảng viên không phải là sự hô hào chung chung mà được thể hiện thông qua suy nghĩ, việc làm cụ thể, có tác động đến tập thể, tổ chức đảng, cộng đồng và xã hội. Đứng trước những cám dỗ, tham gia vào các mối quan hệ xã hội, nhất là quan hệ kinh tế với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, mỗi cán bộ, đảng viên phải có hành vi ứng xử đúng mực, đúng quy định. Bài học từ những vụ án kinh tế lớn bị đưa ra xét xử và những sai phạm của một bộ phận cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng ở một số địa phương trên cả nước vừa qua cho thấy, những nguyên nhân dẫn đến sai phạm đều có dấu hiệu đồng lõa, bao che, thiếu trách nhiệm nêu gương của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Những trường hợp địa phương bị doanh nghiệp thao túng, lấn chiếm, sử dụng đất công sai quy định, sản xuất kinh doanh trái pháp luật nhưng không bị xử lý hoặc xử lý không đến nơi đến chốn… đều xuất phát từ sự buông lỏng quản lý, bao che của một bộ phận cán bộ ở địa phương. Nhiều vụ việc sai phạm, khiếu kiện kéo dài ở cơ sở, khi cơ quan chức năng của Trung ương vào kiểm tra, xử lý, kết luận đã cho thấy rõ hơn vấn đề này. Nguyên nhân của thực trạng này đã được chỉ rõ trong Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII: “… Do bản thân những cán bộ, đảng viên đó thiếu tu dưỡng, rèn luyện; lập trường tư tưởng không vững vàng, hoang mang, dao động trước những tác động từ bên ngoài; sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, hẹp hòi, bị cám dỗ bởi các lợi ích vật chất, không làm tròn trách nhiệm, bổn phận của mình trước Đảng, trước dân”.
Đi từ căn nguyên của vấn đề, chúng ta thấy tất cả đều bắt nguồn từ các mối quan hệ “với động cơ không trong sáng” giữa cán bộ, đảng viên với doanh nghiệp hoặc cá nhân, tổ chức có ý đồ làm trái. Bắt đầu là những lời mời, những món quà tặng kiểu “tình cảm”, tiếp đến là đút lót, hối lộ, là “lợi ích nhóm”… và con đường tất yếu sẽ dẫn đến suy thoái về đạo đức, lối sống. Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII đã chỉ rõ biểu hiện của sự suy thoái này là: “Tham ô, tham nhũng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn cấu kết với doanh nghiệp, với đối tượng khác để trục lợi. Lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn được giao để dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực...”. Trả lời phỏng vấn báo chí đầu năm mới, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng dẫn lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đã nhấn mạnh về tính hiệu quả và thực chất của các chương trình hành động trong năm 2019, nhằm thực hiện thắng lợi phương châm “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả” của Chính phủ. Rõ ràng, để hiện thực hóa các chủ trương, chính sách, quy định… của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, đòi hỏi phải có sự chuyển động thực chất từ cơ sở. Trách nhiệm nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt ở các cấp, các ngành, các địa phương phải được đặt lên hàng đầu, nhằm tạo sự chuyển biến thực chất. Muốn vậy, hành động nêu gương phải đi vào thực chất, cụ thể, không nói chung chung, không làm qua loa, đại khái.
Những hiện tượng, cảm ơn, tặng quà, biếu xén...đây là cách tiếp cận để tạo dựng, củng cố các mối quan hệ “vì động cơ không trong sáng” nhằm “chạy” dự án hoặc tìm kiếm sự ưu tiên, ưu đãi khác trong quan hệ kinh tế. Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII trong mục “Cơ chế, chính sách” để thực hiện các nhóm giải pháp chống suy thoái phẩm chất đạo đức, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đã quy định rất cụ thể đối với cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng: “Khắc phục ngay tình trạng ăn uống, chè chén, "liên hoan", "gặp mặt" không lành mạnh, với động cơ không trong sáng…”. Điều 3 của Quy định số 08 cũng đã quy định rất cụ thể những biểu hiện cần phải kiên quyết chống, đó là: “Tham nhũng, hối lộ dưới mọi hình thức; tặng quà, nhận quà vì vụ lợi… Lợi dụng doanh nghiệp hoặc để doanh nghiệp lợi dụng nhằm vụ lợi. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, uy tín để sử dụng, vay, mượn tiền, tài sản, phương tiện của tổ chức, cá nhân trái quy định. Để vợ (chồng), bố, mẹ, con, anh chị em ruột lợi dụng chức vụ, quyền hạn, uy tín của mình để vụ lợi…”.
Từ Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII đến Quy định số 08 cho thấy, Đảng ta đã “bắt đúng bệnh”, “kê đúng thuốc” đối với những biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên trong giải quyết các mối quan hệ về kinh tế và liên quan đến kinh tế theo chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Tính nêu gương của cán bộ, đảng viên không còn là giáo dục, vận động, mà là yêu cầu bắt buộc. Chỉ có như vậy mới ngăn chặn, phòng ngừa suy thoái có hiệu quả. Để có sự nêu gương thực chất, đòi hỏi cán bộ, đảng viên phải luôn trau dồi văn hóa ứng xử. Trong các mối quan hệ xã hội, những mối quan hệ về kinh tế và liên quan đến lợi ích kinh tế là quan hệ nhạy cảm nhất, dễ bị lợi dụng và dễ sa ngã nhất. Ranh giới giữa mối quan hệ “tình cảm” với “động cơ không trong sáng” là rất mong manh. Trách nhiệm và bổn phận nêu gương của cán bộ, đảng viên là phải có tâm và dũng khí để xác định, phân biệt được lằn ranh mong manh ấy. Trong thực tiễn cuộc sống, nó đòi hỏi mỗi cá nhân chúng ta phải có hành vi ứng xử theo những chuẩn mực văn hóa của cán bộ, đảng viên trên cơ sở nhận thức và quán triệt sâu sắc những nội dung trong các nghị quyết, quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét