Chủ Nhật, 19 tháng 5, 2019

SỰ XUYÊN TẠC, THIẾU KHÁCH QUAN CỦA HAI VĂN BẢN PHẢN ÁNH VỀ TÌNH HÌNH NHÂN QUYỀN VÀ TỰ DO TÔN GIÁO NĂM 2019 CỦA BỘ NGOẠI GIAO MỸ

Ở việt nam, quyền con người nói chung, quyền tự do tín ngưỡng nói riêng là một mục tiêu nhất quán, xuyên suốt trong đường lối, chính sách của Đảng, hiến pháp và pháp luật của Nhà nước Việt Nam. Quyền con người được xác định từ Luận cương chính trị năm 1930, các cương lĩnh tiếp theo cho đến Cương lĩnh 2011. Ngay sau khi giành được độc lập, xây dựng Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩaViệt Nam), các hiến pháp Việt Nam, từ Hiến pháp đầu tiên năm 1946 đến Hiến pháp 2013 đều nhất quán quy định Nhà nước Việt Nam tôn trọng và bảo đảm quyền con người, quyền công dân, trong đó có việc cụ thể hóa các giới hạn của quyền tín ngưỡng, tôn giáo và nâng cao trách nhiệm bảo đảm thực thi quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người.

Có thể nói hai bản phúc trình về tình hình nhân quyền và tự do tôn giáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vẫn bám giữ những quan điểm cổ hủ, lỗi thời theo kiểu kỳ thị và thiếu trung thực, xuyên tạc, bóp méo tình hình dân chủ nhân quyền nói chung và tình hình tôn giáo ở Việt Nam nói riêng. Hơn nữa, những thông tin mà hai bản phúc trình đưa ra chỉ là sự cóp nhặt, sao chép từ thông tin trên mạng và không được kiểm chứng của tổ chức Human Rights Watch (HRW). Tổ chức HRW là một tổ chức phi chính phủ nghiên cứu về và cổ vũ cho nhân quyền, có trụ sở tại Thành phố New York, Hoa Kỳ…và nguồn tài trợ (theo số liệu năm 2009 tổ chức ra thông báo là 75% mức đóng góp đến từ Bắc Mỹ, 25% đến từ Tây Âu và ít hơn 1% từ các nơi khác). Tổ chức này đã bị cấm ở Việt Nam và nhiều quốc gia khác.
Ngay khi phúc trình được lưu hành, nhiều quốc gia đã bày tỏ bất bình đối với Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và rằng phúc trình nhân quyền, tự do tín ngưỡng năm 2019 đã can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia, tác động xấu đến tình hình chính trị quốc tế và trong mỗi nước.
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: “Tuy đã ghi nhận những thành tựu bảo vệ quyền con người của Việt Nam, Báo cáo nhân quyền thường niên năm 2018 của Bộ Ngoại giao Mỹ vẫn chứa đựng một số nhận định thiếu khách quan, dựa trên những thông tin không chính xác, không phản ánh đúng tình hình thực tế của Việt Nam. Những quyền tự do cơ bản của công dân Việt Nam được quy định rõ trong Hiến pháp và pháp luật Việt Nam, phù hợp với các Công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên, được tôn trọng và bảo đảm trên thực tế. Nỗ lực của Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng, được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.
Về kinh tế xã hội, trong năm 2018, tổng thu nhập quốc nội (GDP) bình quân đầu người/năm tiếp tục tăng; tỷ lệ hộ nghèo còn 5,35% (giảm 1,35% so với năm 2017); 87,7% người dân được bảo hiểm y tế (tăng 2,31% so với năm 2017); năm học 2018-2019, cả nước có hơn 23,5 triệu học sinh, sinh viên tăng hơn 1 triệu so với năm học trước; gần 70% dân số sử dụng Internet với trung bình 7 tiếng truy cập mỗi ngày/người; hàng năm có khoảng 8.500 lễ hội tôn giáo được tổ chức”.
Trong hiến pháp 2013, đã dành Chương II quy định về “quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân”. Chương này không chỉ quy định đầy đủ các quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân mà còn quy định những nguyên tắc cơ bản về quyền con người. Những nguyên tắc đó bao gồm: 1) Nguyên tắc về mối quan hệ giữa Nhà nước với người dân, trong đó Nhà nước có nghĩa vụ, người dân là chủ thể của quyền; 2) Nguyên tắc hạn chế quyền (chẳng hạn quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo… (Điều 24); quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, quyền tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình…”.
Cũng trong Nghị quyết Trung ương 7, khóa IX đã xác định: “Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đồng bào các tôn giáo là bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc”.Đại hội XII của Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục khẳng định những cam kết quốc tế của Nhà nước Việt Nam với cộng đồng quốc tế về quyền con người. Báo cáo chính trị Đại hội XII của Đảng Cộng sản Việt Nam viết: “Coi trọng chăm lo hạnh phúc và sự phát triển toàn diện của con người, bảo vệ và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của con người, tôn trọng và thực hiện các điều ước quốc tế về quyền con người mà nước ta ký kết”.
Chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam là: Thực hiện nhất quán tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào, quyền sinh hoạt tôn giáo bình thường theo đúng pháp luật. Các tôn giáo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, bình đẳng trước pháp luật. Đồng thời, nghị quyết xác định “nghiêm cấm sự phân biệt đối xử với công dân vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo; nghiêm cấm lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để hoạt động mê tín dị đoan, hoạt động trái pháp luật và chính sách của Nhà nước, kích động chia rẽ nhân dân, chia rẽ các dân tộc, gây rối, xâm phạm an ninh quốc gia”.
Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, Việt Nam đã không ngừng nỗ lực hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về tín ngưỡng, tôn giáo, đặc biệt là việc thông qua Luật tín ngưỡng, tôn giáo và các Nghị định hướng dẫn thi hành đạo luật này. Sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của người dân được bảo đảm với hàng nghìn lễ hội, hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo hàng năm. Các tôn giáo ở Việt Nam chung sống hòa hợp trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Hiện có 42 tổ chức thuộc 15 tôn giáo được công nhận tư cách pháp nhân. Năm 2016, Ban đại diện Giáo hội các thánh hữu ngày sau của Chúa Giê-su Kitô (Mormon) đã được công nhận và Phật giáo Hiếu nghĩa Tà Lơn đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo.
Tháng 8/2018, Hội thánh Phúc âm Toàn vẹn Việt Nam được cấp đăng ký hoạt động. Hai tổ chức Tin lành đang được hướng dẫn làm hồ sơ đăng ký. Ngoài ra, hàng ngàn điểm nhóm Tin lành được bảo đảm sinh hoạt tôn giáo tại các địa điểm hợp pháp.
Trên lĩnh vực quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, theo số liệu của cơ quan chức năng, cho đến nay cả nước có 857 cơ quan báo chí, trong đó có 199 cơ quan báo chí in (86 báo Trung ương, 113 báo địa phương), 658 tạp chí (521 tạp chí Trung ương, 137 tạp chí địa phương), 1 hãng thông tấn quốc gia. Có 105 báo, tạp chí điện tử (tăng 7 báo so với năm 2014). Các Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam; Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC đã phủ sóng 99,5% diện tích lãnh thổ, qua vệ tinh tới nhiều nước trên thế giới. Hiện hơn 90% hộ gia đình Việt Nam đã sử dụng sóng truyền hình của Ðài Truyền hình Việt Nam.
Hiện nay quyền tự do trên Internet, mạng xã hội đã được bảo đảm thể hiện ở số lượng lớn các báo, trang điện tử và mạng xã hội. Theo thống kê chưa đầy đủ hiện có tới 74 báo và tạp chí điện tử, 336 mạng xã hội, 1.174 trang thông tin điện tử được cấp phép hoạt động. Giá cả dịch vụ internet ở Việt Nam rẻ nhất khu vực. Ngày nay người dân Việt Nam có thể tiếp cận tin tức của các cơ quan thông tấn, báo chí trên thế giới như AFP, AP, BBC, Reuters, Kyodo, Economist, Financial Times…Với những số liệu như trên, không thể nói quyền con người, quyền tự do tín ngưỡng ở Việt Nam bị vi phạm nghiêm trọng như hai phúc trình công bố.
Trên một góc độ khác, quyền bình đẳng của tất cả mọi người được bảo đảm. Những ai vi phạm pháp luật đều bị xử lý cho dù đó là cán bộ của Đảng, Nhà nước hay công dân. Năm 2018, không ít cán bộ cấp cao của Nhà nước vi phạm pháp luật đã bị khởi tố bắt tam giam.
Việt Nam có 60 cơ sở đào tạo tôn giáo, thuộc Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo. Từ năm 2015-2017, Việt Nam đã cho thành lập mới năm cơ sở đào tạo tôn giáo gồm: Học viện Công giáo, Đại Chủng viện Đức Mẹ Vô nhiễm Bùi Chu, Học viện Truyền giáo Cao Đài, Trung cấp Phật giáo Hòa Hảo, Trường Thánh kinh Thần học Cơ đốc.
Tính đến năm 2017, tổng diện tích đất do các cơ sở tôn giáo sử dụng là 14.850ha, thuộc 7.102 tổ chức, cơ sở tôn giáo. Thành phố Hồ Chí Minh đã giao 7.500m2 cho Tổng Liên hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Nam) xây dựng Viện Thánh kinh thần học, tỉnh Thừa Thiên-Huế giao 20ha đất cho Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế sử dụng... Các tổ chức tôn giáo tích cực tham gia các hoạt động xã hội, thành lập trên 450 cơ sở y tế, 270 trường mầm non, 1000 nhóm, lớp mầm non; hỗ trợ chăm sóc 11.800 đối tượng bảo trợ xã hội.
Nhà nước tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo in ấn, phát hành kinh sách và đồ dùng việc đạo. Từ lần rà soát trước đến nay, hơn 3.000 đầu ấn phẩm tôn giáo đã được xuất bản với hơn 10 triệu bản in và hàng triệu đĩa CD, DVD bằng nhiều ngôn ngữ, 12 báo, tạp chí liên quan đến tôn giáo. Phần lớn các tổ chức tôn giáo đều có website riêng. Hoạt động giao lưu, hợp tác quốc tế của các cá nhân, tổ chức tôn giáo ngày càng phát triển. Nhiều hoạt động tôn giáo quốc tế lớn được tổ chức ở Việt Nam như Đại lễ Phật đản VESAK 2014 và 500 năm Cải chánh đạo Tin lành 2017.
Tự do tôn giáo tín ngưỡng của các dân tộc thiểu số được bảo đảm. Với sự hỗ trợ của Nhà nước, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã triển khai xây dựng Học viện Phật giáo Nam tông Khmer tại thành phố Cần Thơ ( năm 2017).
Tại các tỉnh Tây Nguyên và Bình Phước, 33 tổ chức, hệ phái, nhóm Tin lành đang sinh hoạt tại 304 chi hội và hơn 1.300 điểm nhóm. Tính đến hết ngày 30/6/2018, tại Tây Bắc, 693 điểm nhóm Tin lành và tám Hội thánh cơ sở đã được thành lập. Ngoài ra, các địa phương còn có nhiều điểm nhóm đăng ký sinh hoạt tập trung của người dân tộc thiểu số như Hội Liên hữu Baptist Việt Nam, Hội thánh Lutheran, Liên đoàn Truyền giáo Phúc âm Việt Nam và Hội thánh Truyền giảng Phúc âm Việt Nam... Nhà nước cũng hỗ trợ, trùng tu cơ sở tôn giáo cho người Chăm.
Vừa qua tại khu Du lịch văn hóa tâm linh Tam Chúc, Hà Nam, Việt Nam đăng cai Đại lễ Vesak năm 2019 với sự tham gia của trên 3000 đại biểu đến từ 106 quốc gia và vùng lãnh thổ cùng hàng chục nghìn tăng, ni, phật tử và những người có tín ngưỡng Phật giáo khắp nơi đã thành công viên mãn. Đại lễ được tổ chức trọng thể, trang nghiêm và được bạn bè quốc tế đánh giá cao.
Có thể khẳng định rằng các quốc gia đều có luật pháp riêng, trên cơ sở luật pháp quốc tế và các quốc gia đều cam kết tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc, trong đó có quyền con người. Đồng thời các quốc gia còn khẳng định tôn trọng độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia và thể chế chính trị của nhau trong đó có hệ thống pháp luật. Việc hai văn bản phúc trình thường niên về quyền con người và quyền tự do tôn ngưỡng do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ soạn thảo và công bố là thiếu trung thực và xuyên tạc sự thật đối với Việt Nam nói riêng và các quốc gia khác nói chung, trái với quan hệ quốc tế trong thời đại ngày nay./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét