Thứ Bảy, 4 tháng 5, 2019

Chiến thắng 30/4/1975: Nhìn lại sự sụp đổ tất yếu của Việt Nam cộng hòa và bài học lịch sử

Chính phủ Việt Nam Cộng hòa (VNCH) do Ngô Đình Diệm đứng đầu, được hậu thuẫn bởi Hoa Kỳ, thành lập năm 1955 ở miền Nam Việt Nam, với quân đội Quân lực Việt Nam Cộng được trang bị hùng hậu với sự hỗ trợ rất lớn của Mỹ và các đồng minh. Tuy nhiên, với một đội quân đông đảo được trang bị vũ khí, khí tài hiện đại nhưng đã hoàn toàn thất bại chỉ sau 55 ngày đêm Chiến dịch Mùa Xuân 1975 của Quân đội Nhân dân Việt Nam và Quân Giải phóng miền Nam, lực lượng quân đội với hơn 1 triệu quân này đã hoàn toàn tan rã.
Những nguyên nhân thất bại của VNCH đã nhìn thấy từ trước...
Bản chất của chính thể VNCH ngay từ khi thành lập đã đi ngược với xu hướng chung của thời đại là phong trào giải phóng dân tộc, lòng yêu nước của người dân Việt Nam sau 100 năm chịu sự đô hộ của thực dân Pháp, dân tộc Việt Nam mới đứng lên đánh đuổi được thực dân Pháp, thỏa mãn khát vọng và truyền thống yêu nước giành độc lập dân tộc của mỗi người dân Việt Nam. Vậy mà một nhóm người do Ngô Đình Diệm đứng đầu chỉ vì lợi ích nhóm đã cầu cạnh Mỹ để mưu toan thành lập chính phủ riêng tiếp tục gây chia rẽ đoàn kết dân tộc, chia cắt đất nước để tiếp tục đưa đất nước vào một cuộc chiến tranh tàn bạo, khốc liệt. Thực tế cho thấy những năm tồn tại của chính phủ VNCH đều hoạt động chỉ vì lợi ích nhóm mà đi ngược lại với lợi ích dân tộc, đàn áp đẫm máu nhân dân lao động miền Nam Việt Nam, phá hoại miền Bắc bằng những cuộc ném bom đẫm máu.
Sự tồn tại của Việt Nam Cộng hòa hoàn toàn phụ thuộc của vào viện trợ của Hoa Kỳ ngày càng lớn, cả về tài chính cũng như về quân sự. Sự can thiệp của Tòa đại sứ Mỹ vào công việc nội bộ về chính trị và quân sự của Việt Nam Cộng hòa ngày càng lên cao. Chính trường VNCH chỉ có nạn tham nhũng và tranh giành đấu đá nhau để giành quyền lực, Quân lực Việt nam Cộng hòa nhiều lần tham gia các biến cố chính trị, mà cao điểm là cuộc Đảo chính năm 1963 lật đổ Tổng thống Ngô Đình Diệm, và sau đó các tướng lĩnh của quân đội nắm quyền chi phối chính phủ Việt Nam Cộng hòa cho đến ngày chính phủ này sụp đổ.
Quân lực VNCH chỉ tồn tại với mục đích bảo vệ quyền lợi cho một nhóm quan chức chính phủ bù nhìn để đổi lấy những đồng đô-la viện trợ, hoàn toàn không đếm xỉa gì đến cuộc sống của toàn nhân dân lao động miền Nam Việt Nam, thường xuyên mở những cuộc càn quét trấn áp, giết người, cướp của một cách tàn bạo, hung tàn. Binh sỹ Quân lực VNCH phần lớn đều bị ép buộc nhập ngũ, không có lý tưởng chiến đấu hoặc phần lớn họ đã nhìn thấy rõ mình bị ép buộc đứng về phía tham gia cuộc chiến phi nghĩa, hoàn toàn trái ngược với tâm lý của những người chiến sỹ bên phía Quân Giải phóng miền Nam luôn duy trì một lợi thế tâm lý mạnh mẽ, với những người lính tràn đầy tinh thần sẵn sàng hy sinh mục đích cá nhân để cống hiến cho nỗ lực chiến tranh của tập thể. Có chăng thì cũng chỉ có một bộ phận số ít các quan chức trong chính phủ và Quân lực VNCH trung thành với chế độ chẳng qua vì họ được hưởng quá nhiều lợi lộc từ chính phủ Mỹ tài trợ.
Chế độ VNCH tồn tại chỉ biết lợi ích nhóm thể hiện rõ qua nạn tham nhũng không có giới hạn của các quan chức chính phủ và Quân lực VNCH. Cả guồng máy của Việt Nam Cộng hòa giống một thứ siêu thị, có thể mua bán bất cứ thứ gì có thể sinh lợi, từ chức tước tới tấm giấy miễn quân dịch, từ hồ sơ mật an ninh quốc phòng tới đạn dược, thuốc men, vật tư chiến tranh, từ góc phố tới nha sở, dinh thự.
Sự phụ thuộc hoàn toàn của VNCH không chỉ từ viện trợ khổng lồ hàng năm của Hoa Kỳ mà cả mọi vấn đề về chính sự, quyết sách đều do phía Mỹ quyết định. Khi Mỹ rút khỏi Việt Nam từ năm 1972, các chỉ huy Việt Nam Cộng hòa không còn đủ khả năng để tự đưa ra các quyết sách trên chiến trường. Chỉ sau gần 2 tháng của Tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, Quân lực Việt Nam Cộng hòa với hơn 1,2 triệu quân bị đánh bại và tan rã hoàn toàn.
Vẫn còn những tiếng nói lạc nhịp...
Chiến thắng 30-4-1975 đã đi vào lịch sử dân tộc cũng như lịch sử thế giới, đã trở thành một móc son chói lòa trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Thế nhưng, kể từ sau ngày 30/4/1975, cho đến gần đây, vẫn còn những luận điệu lạc lõng, xuyên tạc… với những luận điệu cũ rích: thất bại “do quân lực Việt Nam Cộng hòa đã quá suy yếu”, “miền Bắc xâm lược miền Nam”, thậm chí, một số kẻ còn coi ngày 30/4/1975 là “Ngày chia rẽ dân tộc”... Đó là những kẻ đã có một thời “vàng son” sống dựa vào đồng đô la của Mỹ, những kẻ bất mãn chế độ, những phần tử thích "nổi tiếng" nói bằng lấy được, thiếu trái tim và lý trí, những phần tử cơ hội thậm chí với mục đích kiếm tiền từ các tổ chức phản động nước ngoài, những kẻ cố tình xuyên tạc gây chia rẽ đoàn kết dân tộc để thu lợi cho bản thân. Thật đáng buồn cho những kẻ ngông cuồng, tự cho mình là "nhân sĩ" yêu nước mà lại quay lưng lại với truyền thống yêu nước, đoàn kết của dân tộc, xuyên tạc giá trị lịch sử.
Bài học lịch sử và giá trị lịch sử trường tồn...
Chiến thắng của cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 là kết quả tất yếu của người chiến thắng là bên chính nghĩa, kẻ thất bại là kẻ gây chiến tranh phi nghĩa. Chiến thắng 30/4/1975 đã đi vào lịch sử dân tộc như một trong những mốc son chói lọi nhất của lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, một biểu tượng về sự đoàn kết, anh dũng chiến đấu để gìn giữ non sông, biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, đỉnh cao của khí phách và trí tuệ của con người Việt Nam.
Hơn 90 triệu người dân Việt Nam không ai mong muốn có chiến tranh, nhưng một khi bị ngoại bang xâm lược (dù viện bất cứ cớ gì), giết hại bà con, tàn phá xóm làng… thì đều nhất quyết đứng lên chống lại kẻ thù xâm lược, “xẻ dọc Trường Sơn” đi cứu nước, cứu bà con mình, cứu dân tộc mình. Người Việt Nam không có ai muốn cầm súng cả... nhưng cái cao hơn tất cả là độc lập tự do của một dân tộc, quyền tự do của một con người, thống nhất của cả nước. Đó là điều thiêng liêng nhất, đúng như lời chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét