Chủ Nhật, 5 tháng 5, 2019


XỬ LÝ NGHIÊM VỚI CÁC LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC CỦA CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH TRÊN INTERNET VÀ MẠNG XÃ HỘI

Thời gian qua, trên một số trang mạng xã hội xuất hiện không ít thông tin sai trái, bịa đặt, nói xấu Đảng, Nhà nước ta; xúc phạm đến danh dự các đồng chí cán bộ, đảng viên đã và đang giữ các trọng trách cao trong hệ thống chính trị, trong lực lượng vũ trang. Đó là những hành động vi phạm nghiêm trọng pháp luật của Nhà nước, đi ngược lại đạo lý, thuần phong mỹ tục của dân tộc ta.
Để thu hút dư luận của xã hội, các phần tử phản động trong và ngoài nước cùng những người cơ hội chính trị, thoái hóa, biến chất đã và đang triệt để lợi dụng internet và mạng xã hội đăng tải những thông tin sai trái, bịa đặt. Họ lập ra các website, blog, sử dụng nhiều tài khoản facebook để thu thập, nhào nặn, pha trộn thông tin thật – giả, cắt ghép hình ảnh, tán phát, nhằm thu hút sự quan tâm của người đọc, nhất là thanh, thiếu niên. Mục đích của họ nhằm bịa đặt, nói xấu, bôi nhọ thanh danh của Đảng, Nhà nước; đặc biệt nhằm vào các đồng chí lãnh đạo cấp cao có nhiều công lao đóng góp cho sự nghiệp cách mạng; chọn thời điểm diễn ra các sự kiện chính trị trọng đại của Đảng, của đất nước để tuyên truyền xuyên tạc, bôi nhọ; đồng thời tổ chức lực lượng chia sẻ bình luận với mục đích hạ thấp uy tín, làm hoen ố hình ảnh cao đẹp của Đảng, Nhà nước ta và các đồng chí lãnh đạo cấp cao trong hệ thống chính trị.
Đặc biệt gần đây, các phần tử phản động, cơ hội tiếp tục tán phát những thông tin xuyên tạc, bịa đặt về tình hình sức khỏe của TBT, CTN Nguyễn Phú Trọng, điều đáng nói là những kẻ “ném đá giấu tay” còn tán phát những phân tích, bình luận suy diễn hết sức phản động, đánh vào sự hiếu kỳ của người đọc ở những thời điểm có chủ đích. Thế nhưng qua các sự việc lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội ta bị xuyên tạc một cách trắng trợn mới thấy rằng: Những phương tiện truyền thông ấy không thực sự khách quan, tôn trọng sự thật như họ tự nhận. Họ làm vậy vì thủ đoạn chính trị, thể hiện sự không thân thiện đối với Việt Nam. Thủ đoạn này nhằm gây hoang mang trong dư luận, chia rẽ nội bộ Đảng ta, hòng gây mất niềm tin của nhân dân... Vì vậy, mọi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân cần hết sức cảnh giác, tỉnh táo phân biệt rõ đúng – sai với những loại thông tin bịa đặt từ đài, báo phương Tây và các trang mạng xã hội... nhất là thông tin từ những phần tử cơ hội, thành phần bất mãn và các thế lực thự địch.

Thiết nghĩ, chúng ta đã có hệ thống pháp luật tương đối chặt chẽ; xác định cụ thể khung hình phạt đối với các loại hình tội phạm tung tin xuyên tạc, bịa đặt, bôi xấu, gây ảnh hưởng tới danh dự, uy tín của tập thể, cá nhân. Để xử lý nghiêm những đối tượng này, cơ quan chức năng cần xác định hành vi xuyên tạc, bôi nhọ, vu khống rồi tùy thuộc vào nội dung thông tin, tính chất, mức độ, động cơ của hành vi, hậu quả của việc tung thông tin lên mạng tác động đến xã hội như thế nào để áp dụng mức xử lý theo quy định của pháp luật về xử phạt hành chính, dân sự hoặc hành vi gây ảnh hưởng nghiêm trọng cần được xử lý theo tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” quy định tại Điều 331, Bộ Luật hình sự năm 2015. Đồng thời, những thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác cũng là hành vi bị cấm và bị xử lý theo quy định của Luật An ninh mạng 2018.
Hiện nay, Luật An ninh mạng đã có hiệu lực thi hành, các cơ quan chức năng cần nghiêm trị những hành vi lợi dụng internet và mạng xã hội thông tin xuyên tạc, bịa đặt với mục đích xấu của các đối tượng. Cùng với đó, kịp thời sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật theo hướng cụ thể hóa các hành vi vi phạm, tăng cường chế tài xử phạt. Đối với những đối tượng có hành vi tung tin đồn thất thiệt, gây thiệt hại cho cộng đồng, phải xử lý nghiêm minh trước pháp luật.
Để miễn nhiễm trước những “nấm độc thông tin”, đội ngũ cán bộ, đảng viên cần đề cao cảnh giác, tỉnh táo suy nghĩ, không a dua, bình luận, chia sẻ những thông tin thất thiệt; tích cực tuyên truyền cho nhân dân về âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch, phần tử cơ hội, chống đối. Mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương cần phát huy vai trò của các tổ chức chính trị xã hội, Mặt trận Tổ quốc, hội cựu chiến binh, đoàn thanh niên… phối hợp tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân và hướng dẫn kỹ năng phân biệt thông tin thật, giả. Đoàn thanh niên các cấp cần chủ động trang bị cho đoàn viên, thanh niên kỹ năng sống, kỹ năng thu nhận và xử lý thông tin; giáo dục lý tưởng, bồi đắp niềm tin giúp thế hệ trẻ có đủ bản lĩnh, trình độ nhận thức để không bị tác động trước những thông tin xấu độc.
VĂN DŨNG

 
 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét