Thứ Hai, 4 tháng 5, 2020

CẢNH GIÁC VỚI HÀNH ĐỘNG NGANG NGƯỢC CỦA TRUNG QUỐC Ở BIỂN ĐÔNG TRONG ĐẠI DỊCH COVIT-19


         Ngày 18/4/2020, Chính phủ Trung Quốc đã quyết định thành lập “quận Tây Sa” (tức quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) và “quận Nam Sa” (tức quần đảo Trường Sa của Việt Nam) tại “thành phố Tam Sa”. Theo đó, trụ sở của “quận Tây Sa” đặt tại đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, còn trụ sở của “quận Nam Sa” đặt tại đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
          Chưa dừng lại ở đó, chỉ một ngày sau, Trung Quốc lại tiếp tục vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam khi công bố danh xưng tiêu chuẩn của 25 đảo và rạn san hô cùng 55 thực thể ở Biển Đông vào ngày 19/4/2020. Kinh độ và vĩ độ của phần lớn những đảo, rạn san hô và thực thể này nằm trong hai quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền hợp pháp của Việt Nam.
          Những hành vi vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế và làm căng thẳng thêm tình hình trên Biển Đông của Trung Quốc liên tiếp diễn ra trong bối cảnh Việt Nam và cả thế giới đang tập trung chống đại dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (Covid-19). Mà đại dịch này bùng phát đầu tiên tại Vũ Hán Trung Quốc, đã khiến gần 3,5 triệu người mắc bệnh và hơn 244.801 người tử vong tính tới hết ngày 03/5/2020.
          Những hành động ngang ngược và nguy hiểm mới nhất của Trung Quốc trên Biển Đông nhằm hiện thực hóa tham vọng độc chiếm Biển Đông theo yêu sách “đường lưỡi bò” (còn gọi là “đường lưỡi bò 9 đoạn” hay “đường 9 đoạn”) hoàn toàn không có giá trị pháp lý, hoàn toàn không thể phủ nhận chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trung Quốc đang bất chấp luật pháp quốc tế, bất chấp chủ quyền hợp pháp của các quốc gia liên quan ở Biển Đông để ngang ngược có những hành vi phi pháp, gây căng thẳng trong bối cảnh cả khu vực và thế giới đều đang căng sức, gồng mình chống chọi với đại dịch Covid-19.
          Việt Nam đã nhiều lần khẳng định về chủ quyền lâu đời đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và thực hiện chủ quyền của mình trên thực tế đối với hai quần đảo này. Trong công hàm gửi lên Liên hợp quốc ngày 30/3/2020 vừa qua, Chính phủ Việt Nam một lần nữa khẳng định: “Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế. Việt Nam khẳng định Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 82) là cơ sở pháp lý duy nhất, quy định toàn diện và triệt để về phạm vi quyền được hưởng vùng biển giữa Việt Nam và Trung Quốc”.
          Chính vì thế, dư luận cho rằng hành động ngang ngược của Trung Quốc làm suy yếu lòng tin giữa Trung Quốc với Việt Nam cũng như Trung Quốc với các nước trong khu vực. Rõ ràng Trung Quốc đang lợi dụng Covi-19 để thực hiện tham vọng của mình ở Biển Đông bất chấp luật pháp quốc tế./. LK

1 nhận xét:

  1. Trung Quốc liên tục có hành động phi pháp, xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam trên Biển Đông; Việt Nam lên án mạnh mẽ các hành động của Trung Quốc và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt các hành động trên

    Trả lờiXóa