Thứ Năm, 1 tháng 10, 2020

KỶ LUẬT CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN – BÀI HỌC RÚT RA CHO CÔNG TÁC TỔ CHỨC CÁN BỘ TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY

 Trong thời gian vừa qua, chúng ta thấy có rất nhiều vụ xử lý cán bộ cấp cao có sai phạm. Nhiệm kỳ này chúng ta đã xử lý gần 100 cán bộ có sai phạm thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.

Kể cả Uỷ viên Bộ Chính trị như ông Đinh La Thăng có sai phạm cũng đã bị xử lý, nhiều Uỷ viên Trung ương, nguyên Uỷ viên Trung ương, lãnh đạo các thành phố lớn như: Thành phố Hồ Chí Minh, TP.Đà Nẵng… và mới nhất là việc khởi tố, bắt tạm giam Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung.

        Điều đó càng khẳng định việc xử lý cán bộ có sai phạm không có vùng cấm, không có ngoại lệ dù bất kỳ người đó là ai. Việc xử lý nghiêm minh cán bộ có vi phạm góp phần cảnh tỉnh, răn đe, là bài học cho người khác nhìn thấy để tránh mắc phải sai lầm, tránh vấp ngã. Việc này cũng nhằm làm trong sạch đội ngũ, xây dựng đội ngũ cán bộ trong sạch, xây dựng Đảng vững mạnh. Không chỉ vậy, việc này còn mang lại niềm tin rất lớn của nhân dân vào quyết tâm xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.

          Tuy nhiên, mục đích cao nhất của việc thi hành kỷ luật Đảng chính là để mỗi cán bộ, đảng viên vi phạm nhận rõ khuyết điểm, quyết tâm sửa chữa, phấn đấu tiến bộ. Đó cũng là lời cảnh báo, cảnh tỉnh cho những cán bộ, đảng viên khác, đồng thời soi chiếu vào chất lượng lựa chọn, sử dụng cán bộ của cấp ủy các cấp.

          Hiện nay, các đơn vị, địa phương đang tích cực chuẩn bị đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng. Một trong những vấn đề được cán bộ, đảng viên và quần chúng đặc biệt quan tâm là công tác chuẩn bị nhân sự, làm sao để lựa chọn, giới thiệu và bầu được những đồng chí thật sự xứng đáng, đủ tiêu chuẩn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, tránh chọn “nhầm” cán bộ, dẫn tới những bài học đau xót về công tác cán bộ (CTCB), như đã từng xảy ra.

          Để làm được điều đó, trước hết, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, nhất là cán bộ chủ chốt, người đứng đầu cần thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, nêu gương, tự soi, tự sửa, tránh xa những cám dỗ vật chất, tham vọng, không đi vào “vết xe đổ”của những cán bộ có sai phạm, gây hậu quả, tổn thất khôn lường, nhất là làm tổn hại uy tín, thanh danh của Đảng, giảm sút niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước.

          Cần chú trọng đổi mới mạnh mẽ công tác đánh giá cán bộ theo hướng xuyên suốt, liên tục, đa chiều, bằng sản phẩm cụ thể, thông qua khảo sát, công khai kết quả; gắn đánh giá cá nhân với tập thể và kết quả thực hiện nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị. Coi trọng giám sát của nhân dân và các tổ chức quần chúng trong đánh giá cán bộ, quy hoạch, giới thiệu nhân sự khóa mới. Từng cấp ủy làm tốt công tác thẩm tra, kết luận đối với những vấn đề tổ chức và tập thể chưa thống nhất, hoặc có ý kiến khác nhau về các cá nhân liên quan trước khi giới thiệu bầu vào cấp ủy; tránh mọi biểu hiện vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ trong quá trình chuẩn bị nhân sự cấp ủy.

          Từng đảng viên, cấp ủy viên, người đứng đầu cấp ủy các cấp cần nêu cao tinh thần phê bình và tự phê bình, đề cao trách nhiệm trước Đảng, trước dân, kiên quyết không để lọt vào cấp ủy những cán bộ vi phạm, thoái hóa, biến chất. Bất cứ trường hợp nào vi phạm kỷ luật, phải xử lý nghiêm minh, làm nghiêm từ trên xuống dưới để giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng, củng cố niềm tin và sự quý trọng của nhân dân.

          Mỗi kỳ đại hội là dịp quan trọng để Đảng ta chỉnh đốn, nâng cao chất lượng đội ngũ, làm cho Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh hơn, như lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bản Di chúc: “Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”./.

THANH TRA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét