Thứ Tư, 25 tháng 11, 2020
BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG, ĐẤU TRANH PHẢN BÁC CÁC QUAN ĐIỂM SAI TRÁI, THÙ ĐỊCH
Đại hội XII của Đảng (1-2016) khẳng định: Tư tưởng Hồ Chí Minh cùng với chủ nghĩa Mác - Lênin là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng và cách mạng Việt Nam, là tài sản tinh thần vô cùng to lớn và quý giá của Đảng và dân tộc ta, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là một trong những nhiệm vụ trọng yếu, quyết định sự tồn vong của Đảng, của chế độ. Đảng luôn kiên trì lãnh đạo đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng,giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng.
1. Quan điểm của Đảng
Ngày 22-10-2018, Bộ Chính trị khoá XII ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW “Về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”. Trong đó, Bộ Chính trị nêu rõ: Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là bảo vệ Đảng, Cương lĩnh chính trị, đường lối của Đảng; bảo vệ nhân dân, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; giữ gìn môi trường hoà bình, ổn định để phát triển đất nước; đồng thời, Nghị quyết nhấn mạnh: Bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch là một nội dung cơ bản, hệ trọng, sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Thực tế lịch sử cho thấy, không phải đến khi ban hành Nghị quyết 35, mà ngay từ khi Đảng ra đời và trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, xuất phát từ yêu cầu khách quan, Đảng luôn coi trọng công tác bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, bảo vệ cương lĩnh, đường lối của Đảng và bảo vệ nhân dân, đồng thời kiên quyết đấu tranh phản bác, ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch.
Trong thời kỳ lãnh đạo cách mạng giải phóng dân tộc (1930-1945), Đảng hoạt động giữa vòng vây của kẻ thù, nhiều thế lực phản cách mạng tập trung đánh phá quyết liệt, Đảng còn non trẻ nhưng đã thể hiện bản lĩnh của một đảng cách mạng có bản lĩnh chính trị vững vàng. Đảng đã đấu tranh không khoan nhượng với những phần tử theo Trotskyt. Tổng Bí thư Hà Huy Tập (bút danh Thanh Hương) viết tác phẩm Trotskyt và phản cách mạng; Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ viết Tự chỉ trích nhằm đấu tranh phê phán các quan điểm sai trái của phái Trotskyt, tạo sự thống nhất về nhận thức về tư tưởng, chính trị và hành động trong toàn Đảng. Qua cuộc đấu tranh về tư tưởng, Đảng được xây dựng, trưởng thành, giữ vững vai trò lãnh đạo, phát động toàn dân tộc làm nên thắng lợi Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Trong thời kỳ xây dựng CNXH và kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), Đại hội III (1960) của Đảng đề ra nhiệm vụ lãnh đạo toàn dân tộc tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược (đó là xây dựng CNXH ở miền Bắc và tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ở miền Nam). Trong bối cảnh chủ nghĩa cơ hội, xét lại ra sức chống lại chủ nghĩa Mác, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kiên quyết và kiên trì đấu tranh để bảo vệ nền tảng tư tưởng chủ nghĩa Mác. Tháng 12-1963, Đảng ban hành Nghị quyết Trung ương 9 “về tình hình thế giới và nhiệm vụ quốc tế của Đảng”. Nghị quyết khẳng định lập trường kiên định của Đảng; kiên quyết đấu tranh bảo vệ sự đúng đắn của chủ nghĩa Mác - Lênin, củng cố vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng. Vì vậy, trước những sóng gió cuộc đấu tranh tư tưởng chống lại sự chống phá của các phần tử phản động, cơ hội, Đảng luôn giữ vững đoàn kết, thống nhất về tư tưởng, lý luận, lãnh đạo nhân dân đẩy mạnh cách mạng XHCN ở miền Bắc, hoàn thành giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cả nước đi lên xây dựng CNXH.
Những năm cuối thập kỷ 80, đầu thập kỷ 90 thế kỷ XX, các nước XHCN ở Đông Âu và Liên Xô từng bước rơi vào khủng hoảng và sụp đổ. Tổng thống Nga V.Putin trong “Thông điệp Liên bang năm 2005” gọi đó là “một chấn động chính trị khủng khiếp nhất thế kỷ XX”. Sự đổ vỡ này xảy ra ngay tại Liên Xô - quê hương của Cách mạng Tháng Mười, nơi khai sinh ra nhà nước vô sản đầu tiên trên thế giới, nơi được coi thành trì của CNXH hiện thực, khiến cho các học giả tư sản phương Tây được dịp lên tiếng phê phán, bác bỏ chủ nghĩa Mác -Lênin.
Kể từ sau sự kiện gây chấn động lịch sử toàn thế giới đến nay đã gần 30 năm, các thế lực thù địch vẫn luôn ra sức lợi dụng xuyên tạc, công kích và phủ định chủ nghĩa Mác - Lênin. Họ cho rằng sự sụp đổ của CNXH ở Liên Xô và Đông Âu là một tất yếu lịch sử vì nó bắt nguồn từ “sự lạc hậu, lỗi thời của bản thân chủ nghĩa Mác - Lênin”; và bởi, “chủ nghĩa xã hội mà Mác nêu ra chỉ là một lý tưởng, một chủ nghĩa xã hội “không tưởng”, không bao giờ thực hiện được”.v.v.
Là Đảng cầm quyền, lãnh đạo sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN, Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhận thấy những tác động tiêu cực từ sự khủng hoảng của các đảng và các nước XHCN trên thế giới, nên đã chủ động phòng ngừa sự chống phá của các thế lực thù địch; cảnh giác, không sa vào các cuộc “cách mạng màu” mà nhiều đảng, nhiều nước đã rơi vào dẫn đến kết cục thất bại, để mất quyền lãnh đạo. Đảng Cộng sản Việt Nam tích cực tìm đường đổi mới, dựa chắc trên cơ sở nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, kiên định con đường đi lên CNXH. Sự chủ động và quyết tâm của Đảng được thể hiện rõ trong NQTW 6 khóa VI (29-3-1989) “Về kiểm điểm hai năm thực hiện Nghị quyết Đại hội VI và phương hướng, nhiệm vụ ba năm tới”, khi đề ra những nguyên tắc chỉ đạo công cuộc đổi mới, bảo đảm cho đổi mới đúng hướng, đúng mục tiêu và có hiệu quả. Trong Nghị quyết, Đảng khẳng định rõ: tính chất của công cuộc đổi mới ở Việt Nam không phải là thay đổi mục tiêu XHCN mà là làm cho mục tiêu ấy được thực hiện có hiệu quả bằng những quan niệm đúng đắn về CNXH, những hình thức, bước đi và biện pháp thích hợp. Đảng nhấn mạnh: “Chủ nghĩa Mác - Lênin luôn luôn là nền tảng tư tưởng của Đảng ta, chỉ đạo toàn bộ sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta”. Sự khẳng định này cho thấy bản lĩnh và quyết tâm rất lớn của Đảng trong bảo vệ nền tảng tư tưởng, kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, dù các thế lực thù địch ra sức chống phá.
Tiếp đó, tháng 8-1989, HNTW 7 khóa VI của Đảng ban hành Nghị quyết “Một số vấn đề cấp bách về công tác tư tưởng trước tình hình trong nước và quốc tế hiện nay”. Trung ương Đảng nhận định 6 biểu hiện sai lầm trong cải tổ, cải cách của một số đảng về thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng, dân chủ hóa không giới hạn, hạ thấp sự lãnh đạo của đảng cộng sản, phủ nhận thành tựu của lịch sử, của CNXH. Sự buông lỏng lãnh đạo đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản ở Liên Xô và các nước CNXH ở Đông Âu khiến đảng viên và nhân dân mất niềm tin vào lý tưởng XHCN, vào chế độ mà họ đang xây dựng. Nghị quyết HNTW 7 nhấn mạnh: “Giáo dục trong Đảng và trong nhân dân kiên trì mục tiêu, lý tưởng xã hội chủ nghĩa, trên cơ sở quán triệt năm nguyên tắc và những chính sách đổi mới của Đảng”.
Một trong những điểm nhấn quan trọng về lãnh đạo đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng được thể hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (năm 1991). Lúc này, mặc dù sự sụp đổ của CNXH ở Đông Âu đang tạo một sức ép lớn trên thế giới, song Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn kiên trì con đường đi lên CNXH. Đảng xác định dứt khoát, Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động. Đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, lý luận của Đảng hướng vào làm sáng tỏ và sâu sắc bản chất cách mạng, khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, khẳng định tính tất yếu của con đường XHCN; đồng thời kiên quyết đấu tranh chống những luận điệu sai trái, thù địch. Cương lĩnh khẳng định rõ sự kiên trì, quyết tâm của Đảng trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong thời kỳ đổi mới.
Căn cứ vào Cương lĩnh, vào yêu cầu thực tiễn và nhiệm vụ cụ thể mỗi giai đoạn cách mạng, Đảng tiếp tục chỉ đạo cụ thể về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Đảng ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TW “Về công tác lý luận trong giai đoạn hiện nay” (tháng 3-1992); Nghị quyết số 09-NQ/TW “Về một số định hướng lớn trong công tác tư tưởng hiện nay” (tháng 2-1995); đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI (năm 2012) và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII (năm 2016) về xây dựng Đảng. Trong Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, Đảng thẳng thắn vạch rõ những âm mưu thâm độc của các lực lượng thù địch khi thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” ở Việt Nam. chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực phản động đã được nhiều chuyên gia và chính khách phương Tây coi là phương pháp “chuyển hóa hòa bình”, “biến đổi hòa bình”, “cách mạng hòa bình” và gần đây là “cách mạng nhung”, “cách mạng màu”, “cách mạng đường phố... Trong chiến lược này, hoạt động văn hóa - tư tưởng được coi là “mũi đột phá”, là “cây cầu dẫn vào trận địa”, là lĩnh vực hàng đầu làm tan rã niềm tin, gây hỗn loạn về lý luận và tư tưởng, tạo ra khoảng trống để dần dần đưa hệ tư tưởng tư sản vào, rồi cuối cùng xóa bỏ hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa” (5). Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, tại HNTW 4 khóa XII, Đảng chỉ rõ, có một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên “nhận thức sai lệch về ý nghĩa, tầm quan trọng của lý luận và học tập lý luận chính trị; lười học tập chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước” khiến cho các thế lực thù địch có cơ hội chống phá, xuyên tạc nền tảng tư tưởng của Đảng.
Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng đối với cấp ủy, tổ chức đảng, của cả hệ thống chính trị và mọi cán bộ, đảng viên.
Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị (ngày 22-10-2018) “Về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” nêu rõ: Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng là bảo vệ Ðảng, bảo vệ Cương lĩnh chính trị, đường lối lãnh đạo của Ðảng; bảo vệ nhân dân, Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam; bảo vệ công cuộc đổi mới, CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Ðó là nội dung cơ bản, hệ trọng, sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng; là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Ðảng, toàn quân, toàn dân, trong đó cơ quan báo chí các cấp là nòng cốt; là công việc tự giác, thường xuyên của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đoàn thể chính trị - xã hội các cấp; của từng địa phương, cơ quan, đơn vị, của cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét