Thứ Năm, 26 tháng 11, 2020

Hoạt động chính danh, chính nghĩa, thực hiện thận trọng của lực lượng gìn giữ hòa bình của Việt nam

 


Có một số ý kiến thắc mắc: Tại sao Việt Nam lại tham gia lực lượng GGHB LHQ để gây tốn kém ngân sách, mệt nhọc, rủi ro cho lực lượng vũ trang ở nơi đất khách quê người, trong khi ngay trong nước, bên cạnh nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, bảo đảm quốc phòng, an ninh thì vẫn còn nhiều nhiệm vụ cần huy động LLVT nhân dân, ví dụ như bão lũ, thiên tai, dịch bệnh ngày càng khắc nghiệt, nhiều vùng tại nước ta vẫn còn bị ảnh hưởng nặng nề bởi di chứng chiến tranh như ô nhiễm bom mìn, chất độc dioxin... Cũng lại có ý kiến vu cáo rằng, việc Việt Nam đưa LLVT ra nước ngoài là tham gia liên minh quân sự, đi xâm lược nước khác. 

Đầu tiên, cần khẳng định rằng, tham gia lực lượng GGHB LHQ với quân phục có chiếc mũ nồi xanh-là tham gia vào nỗ lực toàn cầu, hoàn toàn chính danh, chính nghĩa trong việc bảo vệ hòa bình thế giới. Hoạt động GGHB LHQ ra đời từ năm 1948, là một cơ chế đặc biệt được LHQ giao cho Hội đồng Bảo an LHQ thành lập dưới hình thức các phái bộ nhằm giúp tạo điều kiện chấm dứt xung đột và GGHB, thông qua việc triển khai các lực lượng do các nước thành viên đóng góp đặt dưới sự chỉ huy của LHQ. Trong suốt 72 năm qua, lực lượng "mũ nồi xanh" đã giữ vai trò quan trọng trong việc giám sát các thỏa thuận hòa bình, góp phần ngăn chặn lửa chiến tranh ở nhiều điểm nóng trên thế giới. Đến nay, đã có 125 nước đóng góp quân cho lực lượng "mũ nồi xanh".

Khi tham gia lực lượng GGHB LHQ, Việt Nam vẫn luôn bảo đảm các nguyên tắc trong chiến lược quốc phòng là không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế. Vì vậy, ý kiến vu cáo rằng, Việt Nam tham gia lực lượng GGHB LHQ là tham gia liên minh quân sự để chiếm đóng nước khác là hoàn toàn sai về bản chất.

Việt Nam tham gia lực lượng GGHB LHQ theo từng giai đoạn, từng bước thực hiện rất thận trọng, theo khả năng đáp ứng về lực lượng, để hạn chế rủi ro, tiết kiệm tối đa kinh phí bảo đảm. Ngay từ năm 1993, Việt Nam đã lập tổ nghiên cứu các hoạt động GGHB của LHQ và cũng đã có những đóng góp về tài chính cho hoạt động này của LHQ. Hiến pháp năm 2013 đã quy định rằng Hội đồng Quốc phòng và An ninh quyết định việc LLVT nhân dân tham gia hoạt động góp phần bảo vệ hòa bình ở khu vực và trên thế giới. Như vậy, Nghị quyết về tham gia lực lượng GGHB LHQ có căn cứ từ Hiến pháp. Ngày 23-11-2012, Bộ Chính trị đã thông qua Đề án tổng thể về việc Việt Nam tham gia hoạt động GGHB LHQ (gọi tắt là Đề án tổng thể). Ngày 5-12-2013, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án QĐND Việt Nam tham gia hoạt động GGHB LHQ giai đoạn 2014-2020 và những năm tiếp theo. Ngày 30-10-2013, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Công an nhân dân Việt Nam tham gia hoạt động GGHB LHQ giai đoạn 2014-2020 và những năm tiếp theo. Đây là những chủ trương quan trọng để Bộ Quốc phòng và Bộ Công an chuẩn bị nguồn lực, đặc biệt là nhân sự để tham gia theo lộ trình đã được nêu trong Đề án tổng thể. Đến ngày 27-5-2014, Trung tâm GGHB Việt Nam chính thức được thành lập (năm 2018 trở thành Cục GGHB Việt Nam) trực thuộc Bộ Quốc phòng, đồng thời cử hai sĩ quan đầu tiên của QĐND Việt Nam tham gia lực lượng GGHB của LHQ tại Nam Sudan, trên cương vị là quan sát viên quân sự của LHQ.

Từ năm 2014 đến nay, Việt Nam đã tham gia lực lượng GGHB LHQ theo hình thức từ cá nhân đến đơn vị. Đối với hình thức cá nhân, Việt Nam đã cử 50 lượt sĩ quan tham gia tại hai phái bộ là Cộng hòa Trung Phi, Nam Sudan và trụ sở LHQ. Đối với hình thức đơn vị, Việt Nam đã cử hai lượt bệnh viện dã chiến cấp 2, với 126 sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp tham gia. Các lĩnh vực mà Việt Nam đã và đang tham gia trong lực lượng GGHB LHQ là: Tham mưu, hậu cần, quân y, quan sát viên quân sự. Hiện nay, LHQ đang tiếp tục đề nghị Việt Nam cử thêm lực lượng và mở rộng sang các lĩnh vực khác như: Công binh, cảnh sát, quan sát viên và giám sát bầu cử. Nghị quyết về việc tham gia lực lượng GGHB LHQ đã được Quốc hội thông qua quy định các lĩnh vực mà Việt Nam tham gia bao gồm: Tham mưu; hậu cần; kỹ thuật; thông tin, liên lạc; công binh; quân y; cảnh sát; kiểm soát quân sự; quan sát viên quân sự; quan sát viên và giám sát bầu cử; các lĩnh vực khác do Hội đồng Quốc phòng và An ninh quyết định. Đây là những lĩnh vực mà chúng ta hoàn toàn có đủ điều kiện, khả năng và nguồn lực để bảo đảm. Nghị quyết nêu rõ, về xây dựng lực lượng, Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Công an và các bộ, ngành liên quan lập kế hoạch trung hạn và dài hạn về xây dựng lực lượng Việt Nam tham gia hoạt động GGHB LHQ trình Thủ tướng Chính phủ quyết định. Chính phủ trình Hội đồng Quốc phòng và An ninh quyết định việc cử, điều chỉnh, rút lực lượng Việt Nam tham gia hoạt động GGHB LHQ.

Hiện nay, Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Quốc phòng chuẩn bị triển khai lực lượng công binh thuộc QĐND Việt Nam tham gia hoạt động GGHB LHQ (quân số khoảng 320 người). Bộ Công an cũng sẽ cử lực lượng tham gia hoạt động này trong thời gian tới.

Về tài chính, việc tham gia lực lượng GGHB LHQ không hề tạo ra gánh nặng đối với ngân sách nhà nước. Với nguồn tiền bồi hoàn của LHQ (hơn 4,8 triệu USD) và sự hỗ trợ của quốc tế (hơn 20 triệu USD) đã góp phần giảm đáng kể ngân sách nhà nước đầu tư cho việc tham gia hoạt động GGHB LHQ của Việt Nam. Có thể nói, đầu tư của Việt Nam cho hoạt động này không lớn, nhưng hiệu quả lại rất cao.

Nâng cao vai trò, vị thế, hình ảnh Việt Nam 

Có thể thấy rõ rằng, việc Việt Nam tham gia lực lượng GGHB của LHQ là một hoạt động đối ngoại quan trọng, thực hiện sứ mệnh quốc tế cao cả, thể hiện vai trò, trách nhiệm của Việt Nam đối với một lĩnh vực trọng yếu của cộng đồng quốc tế. Hoạt động này đã góp phần tăng thiện cảm của quốc tế đối với đất nước, con người Việt Nam.

Cùng với việc thực hiện tốt các hoạt động chuyên môn theo nhiệm vụ được giao, các sĩ quan "mũ nồi xanh" Việt Nam còn tích cực làm công tác dân vận như tham gia dạy học, hướng dẫn người dân bản xứ trồng rau xanh, hướng dẫn các bà mẹ chăm sóc trẻ nhỏ đúng cách, may khẩu trang phòng, chống dịch Covid-19 tặng đồng đội và người dân địa phương... đã tạo ấn tượng đẹp về Bộ đội Cụ Hồ, về đất nước và con người Việt Nam.

Các bệnh viện dã chiến của LHQ bình quân mỗi năm chỉ thu dung khoảng 200 bệnh nhân, thì hai bệnh viện dã chiến của Việt Nam mỗi năm đã thu dung gấp hơn 10 lần, với hơn 2.000 bệnh nhân/bệnh viện. Chính vì hiệu quả công việc và thiện cảm tạo ra mà tỷ lệ các sĩ quan "mũ nồi xanh" của Việt Nam được LHQ đánh giá xuất sắc lên tới 33,3% (10/30 đồng chí được đánh giá), gấp nhiều lần so với mức trung bình khoảng 1-2% sĩ quan "mũ nồi xanh" được LHQ đánh giá là xuất sắc hằng năm theo thông lệ. Hai bệnh viện dã chiến cấp 2 của Việt Nam là những đơn vị có tỷ lệ nữ cao hơn tỷ lệ khuyến khích 15% do LHQ đưa ra, được LHQ biểu dương. Chính từ những kết quả trên mà LHQ đã gửi lời cảm ơn, ca ngợi lực lượng GGHB LHQ của Việt Nam.

Bảo vệ Tổ quốc từ xa, từ sớm

Với khía cạnh quốc phòng-an ninh, việc tham gia lực lượng GGHB LHQ chính là trực tiếp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc từ xa, từ sớm. Hoạt động này giúp chúng ta tham gia trực tiếp cùng các lực lượng quân sự của nhiều nước khác, từ đó thông hiểu sâu sắc hơn về tư duy, quy trình chuẩn để xử lý các vấn đề tác chiến trong chiến tranh hiện đại. Điều này sẽ đóng góp tích cực trong quá trình hiện đại hóa và nâng cao năng lực tác chiến của Quân đội ta. Việc mở rộng giao lưu quốc tế cũng tạo ra nguồn kiến thức, kinh nghiệm phong phú bổ sung cho công tác hoạch định chính sách quốc phòng, công tác huấn luyện, đào tạo, giảng dạy trong nhà trường quân đội.

Hiện nay, lực lượng "mũ nồi xanh" của Việt Nam đã tiếp cận được các chương trình huấn luyện của LHQ. Năm 2018, LHQ đã công nhận Cục GGHB Việt Nam là một trong 4 trung tâm huấn luyện quốc tế ở khu vực để triển khai huấn luyện theo chương trình đối tác 3 bên (Việt Nam, LHQ và một nước đối tác). Trong các năm 2018-2020, Việt Nam đồng chủ trì với LHQ và Nhật Bản tổ chức 3 khóa huấn luyện vận hành trang bị công binh hạng nặng cho các lực lượng của Việt Nam và các nước trong khu vực. Đồng thời, LHQ đã chọn Việt Nam là địa điểm đăng cai tổ chức nhiều khóa tập huấn. Tháng 4-2019, Việt Nam đã nhận bàn giao cương vị Chủ tịch Hiệp hội các Trung tâm GGHB khu vực châu Á-Thái Bình Dương (AAPTC) năm 2020, trở thành thành viên chính thức của AAPTC. Điều này một lần nữa khẳng định LHQ đánh giá cao Việt Nam thực hiện tốt những cam kết và đạt kết quả cao khi tham gia nhiệm vụ GGHB LHQ.

Cùng với đó, đã có hai sĩ quan của Việt Nam trúng tuyển vào cơ quan tham mưu, hoạch định chính sách ở Tổng hành dinh của LHQ tại New York (Hoa Kỳ), đó là Trung tá Lương Trường Vinh và mới nhất là Thiếu tá Trần Đức Hưởng. Điều này giúp Việt Nam chủ động, tích cực hơn trong việc tham gia vào công tác hoạch định chính sách của LHQ.    

Việc tham gia lực lượng GGHB của LHQ đã và đang thúc đẩy, tăng cường mối quan hệ hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam với các nước. Việt Nam đã ký 9 bản ghi nhớ (MOU) về hợp tác GGHB LHQ với các nước đối tác gồm: Australia, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Pháp, New Zealand, Nga. Sự thành công của Việt Nam trong việc ứng cử vào vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020-2021 có phần đóng góp không nhỏ từ những hoạt động hiệu quả, để lại ấn tượng đẹp của lực lượng “mũ nồi xanh” Việt Nam.

Như thế, có thể khẳng định, việc tham gia lực lượng GGHB LHQ là một chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, thực hiện hội nhập quốc tế sâu rộng, nhất là về quốc phòng, mở ra kênh hợp tác với các đối tác. Những kết quả tốt đẹp của hoạt động này trong thời gian qua đã tiếp tục xây dựng hình ảnh về một Việt Nam là đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, từ đó góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Những kết quả hết sức rõ ràng đó đã bác bỏ những quan điểm sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch về vấn đề này./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét