Thứ Hai, 30 tháng 11, 2020

Nhìn lại quá trình phát triển đường lối đổi mới- những vấn đề cần suy ngẫm

 


Để đi đến đường lối đổi mới toàn diện tại Đại hội VI, Đảng ta, qua thực tiễn lãnh đạo sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, đã trải qua nhiều bước tìm tòi và thử nghiệm.

Bước đột phá thứ nhất

- Hội nghị Trung ương 6 khoá IV (8-1979), với chủ trương bằng mọi cách “làm cho sản xuất bung ra”, là bước đột phá đầu tiên của quá trình tìm tòi và thử nghiệm đó.

Hội nghị chủ trương ổn định nghĩa vụ lương thực trong 5 năm, phần dôi ra được bán cho Nhà nước hoặc trao đổi tự do; khuyến khích mọi người tận dụng ao hồ, ruộng đất hoang hoá; đẩy mạnh chăn nuôi gia súc dưới mọi hình thức; sửa lại thuế lương thực và giá lương thực để khuyến khích sản xuất; sửa lại chế độ phân phối theo định suất, định lượng,...

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 nhanh chóng được nhân dân cả nước đón nhận và biến thành hành động cụ thể trong thực tiễn nền kinh tế. Chỉ một thời gian ngắn, trong cả nước xuất hiện rất nhiều điển hình về cách làm ăn mới. Long An từ giữa năm 1980 đã thí điểm mô hình “mua cao, bán cao”, “bù giá vào lương” thay cho cơ chế “mua cung, bán cấp”. Hải Phòng, Vĩnh Phú, Nghệ Tĩnh thí điểm hình thức khoán.

- Ngày 13-1-1981, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị 100-CT/TW về cải tiến công tác khoán, mở rộng khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động trong hợp tác xã nông nghiệp.

Tiếp đó, trong công nghiệp, bước đầu xác định quyền tự chủ của các cơ sở trong sản xuất kinh doanh, tự chủ về tài chính của các xí nghiệp theo các Quyết định 25/CP và 26/CP của Hội đồng Chính phủ. Nghị quyết Trung ương 6, Chỉ thị 100 của Ban Bí thư và các Quyết định 25/CP và 26/CP của Chính phủ cho thấy những ý tưởng ban đầu của đổi mới, tuy còn sơ khai, chưa cơ bản và toàn diện, nhưng đó là bước đầu có ý nghĩa, đặt những cơ sở đầu tiên cho quá trình đổi mới sau này.

- Đại hội toàn quốc lần thứ V của Đảng (3-1982):

+  Đưa ra khái niệm về “chặng đường trước mắt” của thời kỳ quá độ và xác định trong chặng đường này, nội dung chính của công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa là “coi nông nghiệp là mặt trận hàng đầu, kết hợp nông nghiệp, công nghiệp hàng tiêu dùng và công nghiệp nặng trong một cơ cấu hợp lý”.

+ Khẳng định sự tồn tại năm thành phần kinh tế trong một thời gian nhất định ở miền Nam.

+ Hội nghị Trung ương 5 khoá V (12-1983) lại cho rằng sự chậm chạp trong cải tạo xã hội chủ nghĩa là một trong những nguyên nhân của tình trạng khó khăn về kinh tế, xã hội, từ đó, chủ trương để ổn định tình hình, phải đẩy mạnh hơn nữa cải tạo xã hội chủ nghĩa; Nhà nước phải nắm hàng, nắm tiền, xoá bỏ thị trường tự do về lương thực và các nông hải sản quan trọng, thống nhất quản lý giá...

 Bước đột phá thứ hai

- Hội nghị Trung ương 8 khoá V (6-1985) là bước đột phá thứ hai với chủ trương dứt khoát xoá bỏ cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp, thực hiện cơ chế một giá; xoá bỏ chế độ cung cấp hiện vật theo giá thấp, chuyển mọi hoạt động sản xuất kinh doanh sang cơ chế hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa...

- Tháng 9-1985, cuộc tổng điều chỉnh giá - lương - tiền được bắt đầu bằng việc đổi tiền, xoá bỏ hoàn toàn chế độ tem phiếu.

- Do tư tưởng nóng vội, cuộc tổng điều chỉnh này đã dẫn tới tình trạng giá cả thị trường có nhiều diễn biến phức tạp; lạm phát bị đẩy lên tốc độ phi mã. Đầu năm 1986, lại phải lùi một bước, quay trở lại thực hiện chính sách hai giá...

 Bước đột phá thứ ba

 Hội nghị Bộ Chính trị khoá V (8-1986) là bước đột phá thứ ba với kết luận về một số vấn đề thuộc quan điểm kinh tế.

 - Về cơ cấu kinh tế, cơ cấu đầu tư, phải lấy nông nghiệp làm mặt trận hàng đầu; ra sức phát triển công nghiệp nhẹ, phát triển có chọn lọc công nghiệp nặng;

- Về cải tạo xã hội chủ nghĩa và củng cố quan hệ sản xuất mới, phải xác định cơ cấu kinh tế nhiều thành phần là một đặc trưng của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta;

- Về cơ chế quản lý kinh tế, lấy kế hoạch làm trung tâm, đồng thời phải sử dụng đúng quan hệ hàng hoá tiền tệ, dứt khoát xoá bỏ cơ chế tập trung, bao cấp; chính sách giá phải vận dụng quy luật giá trị, tiến tới thực hiện cơ chế một giá.

Từ những vấn đề trên có thể nói, nhận thức và thực hành đổi mới ở Việt Nam đã xuất hiện rất sớm, chính vì vậy nó là cơ sở rất vững chắc cho những thập niên vừa qua, quá trình đổi mới chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét