Sự chống phá điên cuồng, xuyên tạc sự thật của các thế lực cơ hội, thù địch về đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị ở Việt Nam là sự tiếp nối của cuộc đấu tranh ý thức hệ trong điều kiện mới nhằm phá hoại, làm mất ổn định, phát triển đất nước. Những luận điểm này tuy không có ý nghĩa gì về tri thức, lý luận, nhưng chúng ta không được coi nhẹ, phải kiên quyết, kiên trì đấu tranh, phê phán.
Vấn đề đổi mới kinh tế, đổi mới chính trị và mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị ở Việt Nam luôn bị các thế lực cơ hội, thù địch quan tâm, chống phá. Bởi đây là vấn đề hệ trọng, liên quan đến sự ổn định và phát triển đất nước, đặc biệt là vào những thời điểm khó khăn. Mục tiêu sâu xa của chúng là xoá bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, xoá bỏ chủ nghĩa xã hội, thành quả cách mạng của đất nước, nhân dân ta dày công xây dựng dưới sự lãnh đạo của Đảng; thông qua việc chống phá, gây mất ổn định, mất lòng tin, làm cho kinh tế không phát triển, xã hội tất yếu dẫn tới rối loạn, khủng hoảng và sụp đổ; hoặc làm cho chính trị rối loạn, đất nước không ổn định, kinh tế không phát triển, tất yếu cũng dẫn tới xoá bỏ chế độ chính trị.
Về đổi mới kinh tế, chúng tấn công thẳng vào những vấn đề mang tính ý thức hệ, như quy luật quan hệ sản xuất phải phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất. Chúng phủ định quy luật này, “lớn tiếng” rằng, các nước tư bản chủ nghĩa không thừa nhận quy luật này nhưng vẫn phát triển, hay quy luật này chỉ đúng thời của Mác-Lênin, khi khoa học và công nghệ chưa phát triển; ngày nay người lao động gắn bó với tư bản, có cổ phần trong các doanh nghiệp tư bản, không bị bóc lột như trước đây, được quan tâm nhiều đến lợi ích, chủ nghĩa tư bản đã có nhiều điều chỉnh, do đó không còn mâu thuẫn đối kháng giữa giai cấp công nhân và giai cấp tư sản. Từ đó, chúng cho rằng, sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân là lỗi thời.
Vấn đề sở hữu công cộng dưới hai hình thức toàn dân và tập thể vẫn là một trong những nội dung các thế lực xuyên tạc, chống phá. Lợi dụng một số yếu kém trong quản lý kinh tế ở một số nước đi lên chủ nghĩa xã hội; tình trạng tham nhũng, suy thoái đạo đức lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên; tình hình một số doanh nghiệp nhà nước làm ăn kém hiệu quả, thất thoát tài sản, tình trạng khiếu kiện đông người vẫn diễn biến phức tạp liên quan đến đất đai; đất nơi thờ tự, đất tôn giáo, đất quốc phòng, an ninh sử dụng lãng phí, tiêu cực…, các thế lực thù địch đưa ra luận điệu rằng, còn duy trì sở hữu công cộng, nguồn lực đất nước còn lãng phí, sẽ không chống được tham nhũng, lãng phí, kinh tế tiếp tục chậm phát triển.
Về các thành phần kinh tế, chúng nhấn mạnh rằng, cho dù đến nay, chế độ cộng sản đã có những đổi mới về kinh tế, các thành phần kinh tế, nhưng không căn bản, không thực chất, do vẫn giữ kinh tế nhà nước có vị trí chủ đạo. Lập luận của chúng là các thành phần kinh tế bình đẳng trước pháp luật, nhưng trên thực tế, các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh vẫn bị phân biệt đối xử, không công bằng trong môi trường kinh doanh, trong tiếp cận nguồn lực. Cơ chế phân chia lợi ích chưa rõ ràng ngay trong doanh nghiệp nhà nước, trong việc thực hiện nghĩa vụ đóng góp đối với xã hội của các thành phần kinh tế. Tuy coi kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất, nhưng kinh tế tư nhân vẫn bị phân biệt đối xử, chưa minh bạch trong chính sách, vẫn còn tình trạng “vỗ béo để thịt”, bị sách nhiễu, kiểm tra, vòi vĩnh vô lý.
Về chính trị và đổi mới chính trị, đây là vấn đề các thế lực thù địch thường xuyên chống phá, “một mất, một còn”. Ở Việt Nam, sự chống phá của các thế lực thù địch bên trong, bên ngoài vẫn tập trung vào phê phán chế độ một đảng, coi đó là “đảng trị”, mất dân chủ, đòi phải đa nguyên, đa đảng. Hệ thống tổ chức, bộ máy cồng kềnh, chính phủ, quốc hội, các tổ chức chính trị- xã hội chỉ là hình thức, theo đuôi đảng. Đảng đứng trên luật pháp, quyền lực xã hội tập trung vào một số ít người. Rằng chỉ có tam quyền phân lập mới giám sát được quyền lực, hoạt động của Nhà nước mới hiệu quả, mới chống được tham nhũng. Nói là xây dựng Nhà nước pháp quyền, nhưng trên thực tế, luật pháp không được tôn trọng, nhiều vụ việc thực hiện theo sự chỉ đạo của đảng, “ đảng cử dân bầu”, “quân xanh quân đỏ”, “án bỏ túi”, đã có sự chỉ đạo từ trước.
Cho rằng, chủ nghĩa xã hội là mất dân chủ, tình trạng khiếu kiện, điểm nóng xảy ra thường xuyên; các tôn giáo, người dân tộc bị đàn áp; các tổ chức chính trị do đảng thành lập ra, hoạt động kém hiệu quả, là “sân sau” của quan chức, không có vai trò đại diện cho quần chúng, làm cho bộ máy cồng kềnh, tốn tiền thuế của người dân. Chúng bóp méo sự thật khi cho rằng có tình trạng bưng bít thông tin tràn lan, báo chí bị kiểm duyệt, không có báo tư nhân; những người bất đồng chính kiến thì bị bắt, bị tra tấn, đánh đập; vẫn còn phân biệt đối xử theo lý lịch, miền Bắc, miền Nam, trong và ngoài nước. Tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị đều do đảng chi phối, do vậy mất đi sự sáng tạo.
Bên cạnh đó, việc giải quyết mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị trong quá trình phát triển đất nước cũng đặt ra nhiều vấn đề các thế lực thù địch, cơ hội chống phá. Quá trình nhận thức về sự phù hợp giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị ở Việt Nam không phải đã có tiền lệ, nhiều vấn đề mới phải qua thực tiễn kiểm nghiệm; không ít những hạn chế, yếu kém do nhận thức và thực hiện của bộ máy hành chính trong quá trình chuyển đổi, dẫn đến sự trì trệ ở một số lĩnh vực, thiếu sáng tạo, khách quan, đôi khi có biểu hiện chính trị hoá một số vấn đề kinh tế cụ thể. Bởi vậy, các thế lực cơ hội, thù địch cho rằng, đó là sự nửa vời, đổi mới kinh tế mà không đổi mới chính trị tương ứng, kinh tế nhiều thành phần nhưng chính trị lại độc đảng, đó là sự pha trộn giữa “nước với lửa”, chắc chắn sẽ kém hiệu quả. Rằng, phải từ bỏ chủ nghĩa Mác-Lênin, sử dụng các lý thuyết, trường phái kinh tế học mới tránh được sự can thiệp quá sâu của Nhà nước vào vận hành của nền kinh tế thị trường, tránh được sự can thiệp của chính trị vào kinh tế. Rằng, không có khái niệm dân chủ xã hội chủ nghĩa, dân chủ là giống nhau, chỉ khác là cách thực hiện, vận dụng; dân chủ là phi chính trị, phi giai cấp, không đảng phái, là tự do tranh cử..
Chúng lập luận rằng, việc chấp nhận kinh tế thị trường đối với các nước đi lên chủ nghĩa xã hội vẫn còn khiên cưỡng, nửa vời. Đã chấp nhận kinh tế thị trường, tuân thủ theo quy luật thị trường lại còn “ định hướng xã hội chủ nghĩa”, trên thực tế chưa rõ về mô hình, hoặc chỉ danh nghĩa, thực chất đã chuyển sang theo mô hình chủ nghĩa tư bản. Một số nước xã hội chủ nghĩa còn lại, kinh tế gặp nhiều khó khăn, nhìn chung đó là sự mâu thuẫn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét