Các nước tư bản chủ nghĩa với chế độ đa đảng vẫn luôn coi luật biểu tình là thước đo của nền dân chủ, bảo đảm về quyền con người. Song thực tế phần lớn các cuộc biểu tình diễn ra trên thế giới trong thời gian qua đều nhuốm màu sắc của bạo lực, bạo loạn và có yếu tố vai trò của các đảng phái, tổ chức các cuộc biểu tình, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang hoành hành khắp thế giới, có lẽ các nước cũng cần nhìn nhận, đánh giá lại luật biểu tình của họ. Gần đây thường xuyên xảy ra các cuộc biểu tình ở Mỹ, Pháp, Đức, Belarus, Thái Lan, Hồng Kông… nhằm phản đối chính quyền về quyền lợi chính trị, xung đột sắc tộc hay các chính sách, luật pháp không làm thỏa mãn quyền lợi của một số người dân. Các cuộc biểu tình khởi đầu có thể là biểu tình ôn hòa, song chỉ cần một mối bất hòa nhỏ giữa người biểu tình và lực lượng cảnh sát là đã có thể biến cuộc biểu tình thành cuộc xô xát, va chạm và có thể dẫn tới bạo loạn. Có những cuộc biểu tình trong đó người biểu tình còn tổ chức đốt phá cơ sở vật chất hạ tầng, nhiều kẻ lợi dụng biểu tình để cướp phá các cửa hàng, siêu thị, có những phần tử bất mãn xã hội, những tổ chức đảng phái cũng lợi dụng biểu tình để chống phá chính quyền, gây rối loạn xã hội nhằm tạo cơ hội để thay đổi thế cờ chính trị. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang hoành hành ác liệt, các cuộc biểu tình trở thành một mối nguy cơ để lan truyền virus một cách nhanh chóng và rộng khắp.
Cần hiểu rằng, biểu tình là hình thức đấu tranh bằng cách tụ họp đông đảo để bày tỏ ý chí, nguyện vọng và biểu dương lực lượng chung. Hiểu rộng ra, biểu tình là một hình thức hành động bất bạo động nhằm thể hiện mục đích, bày tỏ quan điểm ủng hộ hoặc phản đối về một vấn đề công cộng nào đấy. Nhưng thực tế, một khi đã xảy ra biểu tình thì tinh thần bất bạo động khó mà giữ được khi mà mỗi người tham gia biểu tình là mỗi cá thể với tính cách khác nhau hoặc có mục đích hay mưu đồ khác nhau. Các nước khi ban hành Luật biểu tình thì đã xây dựng hành lang pháp lý cho vấn đề biểu tình nhưng thường xuyên có sự biến tướng ngược lại, biểu tình thường trở thành bạo loạn, gây ra mất trật tự, không quản lý được tạo nên sự rối ren, bất ổn, trong đó nhiều người dân vô can lại trở thành nạn nhân của các cuộc biểu tình.
Trong lịch sử Việt Nam, như
thời thực dân Pháp đô hộ hay thời đế quốc Mỹ chiếm đóng miền Nam, không cần có
Luật biểu tình nhưng vẫn đã diễn ra nhiều cuộc biểu tình đòi tự do, dân chủ,
chống lại chính quyền… khi mà nhân dân không chịu được sự áp bức bóc lột, không
chịu cảnh mất nước rơi vào tay kẻ địch ngoại xâm.
Còn Việt Nam ngày nay đã
được cả thế giới biết đến là một quốc gia có nền chính trị ổn định, đất nước hòa
bình yên ổn. Với một cơ chế hoạt động rất dân chủ, các chế độ, chính sách nào
chưa hợp lý đều được cả xã hội đánh giá, góp ý để kịp thời sửa đổi hoặc thậm
chí không thông qua.
Trong thời gian gần đây, Việt Nam cũng có một số cuộc biểu tình xảy ra, trong đó đều có yếu tố lợi dụng biểu tình của các thế lực phản động, thù địch để phá hoại, chống phá chính quyền, gây rối loạn trật tự an toàn xã hội. Chẳng hạn, như vụ biểu tình đòi Trung Quốc rút dàn khoan HD981, hoạt động biểu tình ban đầu là mục đích hòa bình, nhưng sau đó là các hành động đập phá, bạo loạn, gây rối trật tự. Có cuộc biểu tình do các tổ chức, đảng phái phản động bên ngoài bỏ tiền ra thuê người dân đi biểu tình, khi biểu tình thì đập phá trụ sở chính quyền, phá hoại cơ sở vật chất hạ tầng, đóng giả cảnh sát trấn áp dân rồi quay phim chụp ảnh để kích động dân chúng.
Do đó, việc ban hành một Luật biểu tình không hề đơn giản nhất là trong bối cảnh các thế lực phản động, thù địch đang ngày càng gia tăng các hoạt động chống phá sự bình yên của đất nước. Hiện nay, các Bộ, ban, ngành đang tiếp tục nghiên cứu lý luận, cơ sở pháp lý và tổ chức khảo sát thực tế tại các đơn vị, địa phương để nghiên cứu, xây dựng dự án luật bảo đảm thực thi quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, tránh các thế lực thù địch lợi dụng biểu tình để gây rối mất trật tự, chống phá Đảng, Nhà nước ta.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét