Thứ Năm, 26 tháng 11, 2020

LỢI ÍCH QUỐC GIA VIỆT NAM

Trong xử lý các vấn đề mang tính chiến lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy cần phải thực hiện “dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Như vậy, trước tiên phải đánh giá chính xác những yếu tố “bất biến” liên quan đến lợi ích quốc gia hiện nay là gì. Từ đường lối lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và nguyện vọng của Nhân dân Việt Nam, có thể nói trong thời điểm hiện nay nước ta có ít nhất ba lợi ích quốc gia cốt lõi như sau:

Thứ nhất, và quan trọng nhất, là đảm bảo được an ninh quốc gia. Ở đây an ninh quốc gia được hiểu là bảo vệ được chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ cùng sự bình an của các công dân Việt Nam. Trên thực tế, điều này cũng có nghĩa là chúng ta không bị quân đội nước khác tấn công xâm lược và chính quyền Việt Nam không bị thao túng bởi bất kì thế lực nào từ bên ngoài. Đây là lợi ích quốc gia cao nhất, nền tảng nhất vì nếu không đảm bảo được hai điều này thì đất nước và dân tộc Việt Nam không còn là chính mình và không còn khả năng tự quyết định vận mệnh của mình nữa.

Thực tế cho thấy, không có đạo quân xâm lược nào quan tâm, chăm lo cho cuộc của người dân nước họ chiếm đóng. Mọi cường quốc dù dưới bất kì hình thức hay màu cờ nào cũng đều chỉ muốn làm lợi cho riêng mình trên lưng nhân dân Việt Nam. Lịch sử ngàn năm Bắc thuộc cho thấy nếu chúng ta muốn một cuộc sống ấm no, hạnh phúc thì nhất định người Việt Nam phải làm chủ đất nước của mình và phải đảm bảo chiến tranh không xảy ra. Chỉ cần có chiến tranh nổ ra thì dù kết quả thế nào đi chăng nữa, người dân Việt Nam cũng sẽ luôn phải chịu vô cùng nhiều đau thương và mất mát. Một đất nước xảy ra chiến tranh triền miên sẽ không thể nào phát triển kinh tế và đảm bảo cuộc sống ấm no hạnh phúc cho người dân được. Chính vì vậy mục tiêu số một luôn phải là đảm bảo an ninh quốc gia.

Thứ hai, là duy trì thể chế chính trị hiện nay và đảm bảo ổn định chính trị trong nước. Từ thực tiễn của cách mạng Việt Nam cho thấy, việc duy trì thể chế chính trị hiện nay có ảnh hưởng trực tiếp đến sự ổn định chính trị trong nước, bởi nếu có bất kì sự thay đổi đột ngột nào, bạo loạn gần như chắc chắn sẽ xảy ra. Tuy nội chiến không nhất thiết sẽ nổ ra nhưng nó sẽ là một nguy cơ chúng ta không thể loại trừ.

Lịch sử ngàn năm của Việt Nam cho thấy khi đất nước bị chia rẽ, các cường quốc ở bên ngoài sẽ luôn chớp lấy thời cơ thao túng nước ta để trục lợi. Nhìn vào lịch sử chúng ta thấy rõ, khi chính quyền trung ương suy yếu, các thế lực trong nước nổi dậy xưng hùng tranh bá, đồng thời các thế lực bên ngoài lập tức nhảy vào xâu xé, chia chác lợi ích là điều chắc chắn. Do đó, có thể nói rằng việc duy trì ổn định chính trị quốc nội và chính quyền vững mạnh là yếu tố mang tính then chốt để đảm bảo an ninh quốc gia.

Thứ ba, là đảm bảo môi trường hòa bình trong khu vực, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Khu vực càng ít biến động, các cường quốc càng hạn chế tranh giành quyền lực thì Việt Nam càng có thể tập trung nguồn lực phát triển kinh tế và đầu tư cho giáo dục, an sinh xã hội. Khi nền kinh tế phát triển bền vững, ổn định chính trị sẽ đi theo.

Rất nhiều công trình nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học chính trị đã cho thấy rằng sự thay đổi chế độ sẽ ít xảy ra hơn ở các quốc gia có nền kinh tế phát triển ổn định.  Khi người dân cảm thấy nhu cầu vật chất và tinh thần của mình được đáp ứng, họ sẽ sẵn lòng ủng hộ chính quyền hơn. Vì vậy nhiều học giả từ lâu đã nhận định rằng, tính chính danh của nhà cầm quyền chủ yếu dựa vào hai trụ cột chính là chủ nghĩa dân tộc và phát triển kinh tế. Nếu những nhà lãnh đạo muốn giành được sự ủng hộ của nhân dân, họ sẽ phải chứng minh được rằng chính phủ hiện nay có thể bảo vệ an ninh – chủ quyền quốc gia, không để các thế lực ngoại bang xâm phạm lợi ích và đảm bảo rằng kinh tế phát triển vững mạnh, bởi đây là yếu tố tiên quyết để nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Những điều này hoàn toàn đúng với trường hợp của Việt Nam.

Mặc dù vậy, cần nói thêm rằng bên cạnh ba lợi ích cốt lõi trên, Việt Nam cũng muốn theo đuổi các mục tiêu khác, ví dụ như xây dựng sức mạnh mềm cho Việt Nam, tham gia vào nỗ lực bảo vệ Hòa bình của Liên hợp quốc, chống biến đổi khí hậu toàn cầu, phối hợp với các nước trong và ngoài khu vực Đông Nam Á xây dựng các cơ chế hợp tác đa phương, nâng cao vị thế của đất nước trong mắt bạn bè quốc tế, v.v… Tuy nhiên rõ ràng ba lợi ích trên là ba lợi ích cốt yếu nhất với Việt Nam bởi chúng là nền tảng để Việt Nam có thể theo đuổi các mục tiêu khác của mình.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét