Chủ Nhật, 29 tháng 11, 2020

 

Bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học và cam kết của Bộ trưởng Nhạ

Tháng 12 là thời hạn mà Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ đưa ra để dứt điểm việc xoá chứng chỉ ngoại ngữ, tin học cho giáo viên. Đó là quy định “hành” giáo viên trong 12 năm trời.

Chứng chỉ từng là nỗi ám ảnh không chỉ của giáo viên. Tranh Đan

Năm ngoái, Báo Lao Động kể câu chuyện đầy nước mắt của cô giáo Hương- một giáo viên mầm non ở huyện miền núi Bắc Kạn đã phải chảy đôn chạy đáo kiếm cho được mấy chứng chỉ ngoại ngữ, tin học để có thể trụ lại với nghề.

Nó vô lý ở chỗ, giáo viên mầm non thì cần gì chứng chỉ ngoại ngữ, tin học. Có thì để làm gì và dạy ai? Không có câu trả lời, nhưng quy định là thế không có thì…trượt!

Cái sự vô lý rõ ràng tới mức là các quy định về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học tồn tại bao nhiêu lâu nay đã hình thành một thị trường ngầm nhưng đầy sôi động: thị trường cung cấp dịch vụ, mua bán chứng chỉ.

Chỉ cần gõ lên Google cụm từ dịch vụ chứng chỉ, trong vòng chưa đầy 1 phút cho ra … hơn 300 triệu kết quả với đầy đủ lời mời chào hấp dẫn.

Trở lại câu chuyện của Hương, cô không tin là sẽ có sự thay đổi. Cô nói với phóng viên Lao Động: "Có phản ánh thêm nhiều bài nữa thì tình trạng này cũng không thể chấm dứt được. “Luật nó quy định thế". Đa số không đáp ứng được thì phải gian lận, phải mua thôi. Không gian lận chỗ này thì chỗ khác tổ chức, còn tinh vi hơn, thu tiền "chống trượt" cao hơn và giáo viên lại khổ thêm”.

Hương đã sai và thật may mắn, những lời kêu cứu mà cô giáo Hương nói rằng “xót hơn muối” đại diện cho 1,2 triệu giáo viên đã có lời hồi đáp, dẫu rằng, lời hồi đáp ấy có muộn mằn.

Bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học không có nghĩa là không cần trang bị kiến thức. Ngược lại, vẫn có những kỳ kiểm tra năng lực sử dụng ngoại ngữ và tin học. Song, nó không còn là cái “gông”, là nỗi khiếp sợ của giáo viên nữa.

Xa hơn, việc thay đổi này sẽ tác động để Bộ Nội vụ sửa quy định về văn bằng chứng chỉ tin học, ngoại ngữ để không còn là gánh nặng với cán bộ công chức, viên chức.

Chỉ còn hơn một tháng nữa để Bộ trưởng Nhạ thực hiện cam kết của mình để khẳng định nỗ lực, cố gắng của ngành giáo dục và của cá nhân Bộ trưởng. Nỗ lực ấy cũng chứng minh một điều: Những bất cập đến mức vô lý bắt buộc sẽ phải thay đổi và sẽ thay đổi được nếu những “Tư lệnh ngành” hiểu và quyết tâm làm.

Cả triệu giáo viên đang chờ Bộ trưởng hoàn thành cam kết của mình!

Theo Linh Anh/Báo Lao động

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét