Chủ Nhật, 29 tháng 11, 2020

Quyết định thiết thực, phù hợp với thực tế của Bộ Giáo dục

Gần đây, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ có buổi tiếp xúc cử tri tại thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định. Tại đây, Bộ trưởng đã thông tin về việc xóa bỏ chứng chỉ tin học và ngoại ngữ cho giáo viên và chứng chỉ ngoại ngữ 2 đối với giáo viên dạy Tiếng Anh. Thông tin này khiến giáo viên các cấp phấn khởi và bày tỏ đồng tình. Cô Mai Thị Ánh Nguyệt (giáo viên Trường THCS Nguyễn Công Trứ, Hà Nội) cho rằng đây là quyết định thiết thực và phù hợp với thực tế hiện nay. "Nhiều năm trở lại đây, sinh viên học tập tại các trường đại học, cao đẳng đều được đào tạo chương trình tin học và ngoại ngữ. Điều này đồng nghĩa với việc, khi tốt nghiệp họ được công nhận đạt chuẩn hai chương trình trên. Vì vậy, việc giáo viên học và thi để lấy chứng chỉ tin học, ngoại ngữ không thật sự cần thiết" - cô Ánh Nguyệt chia sẻ. "Trên thực tế, hiện tượng giáo viên bỏ tiền mua chứng chỉ tin học và ngoại ngữ không hiếm. Bởi nhiều giáo viên không có đủ thời gian, khả năng để học và thi lấy chứng chỉ nhiều lần. Đặc biệt, giáo viên dạy tiếng Anh còn phải có chứng chỉ ngoại ngữ 2. Mỗi lần thi rất tốn thời gian và kinh phí, nhưng kiến thức ứng dụng không mang lại hiệu quả cao. Vì vậy, việc xóa bỏ hai loại chứng chỉ này được xem là tin vui với giáo viên" - cô Lan Phương bày tỏ. Nêu quan điểm về việc xóa bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong thời gian tới, thầy Nguyễn Doãn Minh (giáo viên Trường THCS Tân Mai, Hà Nội) khẳng định, quyết định này giúp giáo viên giảm bớt gánh nặng về tâm lý và kinh tế. "Thực chất, nếu không tham gia học và thi, nhiều giáo viên sẽ có tâm lý không thoải mái, họ cho rằng mình chưa đủ bằng cấp, chưa đủ điều kiện để dạy học và phát triển cá nhân. Bên cạnh đó, nhiều giáo viên muốn học nhưng học phí và kinh phí khá cao so với lương của họ, nên gặp nhiều khó khăn" - thầy Minh chia sẻ. Giáo viên nên trau dồi kiến thức để nâng cao chất lượng giảng dạy "Loại bỏ chứng chỉ tin học và ngoại ngữ không đồng nghĩa với việc giáo viên ngừng học, ngừng trau dồi kiến thức, kỹ năng" - đó là ý kiến của cô Ánh Nguyệt. Cô cho rằng, trong thời điểm hiện nay việc sử dụng tốt ngoại ngữ và tin học là một lợi thế để khám phá tri thức nhân loại, nhất là đối với đội ngũ nhà giáo. "Trong xã hội hiện đại, để hoàn thành sứ mệnh trồng người, bản thân mỗi giáo viên phải tự học, tự bồi dưỡng hoặc tham gia các lớp bồi dưỡng của Phòng GDĐT, Sở GDĐT, Bộ GDĐT... Như vậy, giáo viên không chỉ nâng cao trình độ chuyên môn mà còn được lĩnh hội kiến thức và nâng cao trình độ tin học, ngoại ngữ" - cô Ánh Nguyệt khẳng định. Bên cạnh việc ủng hộ loại bỏ chứng chỉ tin học và ngoại ngữ, thầy Nguyễn Doãn Minh cũng hi vọng, Bộ GDĐT sẽ có hình thức mới phù hợp để thúc đẩy và giúp đỡ giáo viên về kiến thức tin học, ngoại ngữ. "Xã hội ngày càng phát triển, thế hệ trẻ ngày càng thông minh, vì vậy thầy cô cần nỗ lực trau dồi kiến thức và phát triển bản thân. Đặc biệt có kiến thức trong 2 mảng ngoại ngữ và tin học để phục vụ giảng dạy một cách tốt nhất" - thầy Minh nhấn mạnh. Theo Dân trí

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét