Công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, góp phần củng cố mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân. Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta luôn đặt công tác dân vận ở tầm chiến lược, đồng thời coi trọng các hình thức triển khai công tác dân vận thiết thực, cụ thể để tập hợp và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết của toàn dân tộc. Nghiên cứu về các hình thức dân vận theo tư tưởng Hồ Chí Minh là vấn đề có ý nghĩa rất thiết thực trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến công tác vận động quần chúng. Theo Người “Trong bầu trời, không gì quý bằng nhân dân”, dân là quý nhất, quan trọng nhất vì dân là gốc của nước, sức mạnh của quần chúng nhân dân sẽ được tăng lên gấp nhiều lần khi được tập hợp và cùng hướng tới một mục tiêu nhất định. Muốn vậy, Đảng cần phải làm thật tốt công tác dân vận, vì “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Công tác dân vận phải thông qua các hình thức cụ thể và thiết thực để vận động, thuyết phục, tổ chức Nhân dân, làm sao cho họ hiểu, đi theo cách mạng, tích cực và sẵn sàng xả thân vì nhiệm vụ cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng để công tác dân vận đạt hiệu quả cao phải có các hình thức tiến hành vừa phong phú, vừa thiết thực để tập hợp được tất cả lực lượng của toàn thể Nhân dân. Trong đó, Đảng vừa phải tiến hành tốt các hình thức tuyên truyền, giáo dục, giác ngộ Nhân dân nhưng cũng phải tổ chức có hiệu quả các công tác trong thực tế để hướng dẫn, kiểm tra, giúp đỡ nhân dân, thông qua các tổ chức và phong trào cách mạng để tập hợp, đoàn kết và phát huy sức mạnh của toàn dân vào thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ cách mạng. Cụ thể là:
Thứ nhất, tuyên truyền vận động giác ngộ, thuyết phục nhân dân.
Khi đưa ra quan niệm: “Tuyên truyền là đem một việc gì nói cho dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm. Nếu không đạt được mục đích đó, là tuyên truyền thất bại. Muốn thành công, phải biết cách tuyên truyền”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ, để vận động được Nhân dân phải sử dụng đa dạng các hình thức tuyên truyền. Tuy nhiên, Nhân dân có nhiều tầng lớp và nghề nghiệp, trình độ, năng lực cũng không giống nhau nên nhu cầu, nguyện vọng, lợi ích cũng khác nhau. Trong tuyên truyền, giác ngộ và vận động Nhân dân cần phải xem xét trình độ văn hóa, thói quen sinh hoạt, trình độ giác ngộ, nguyện vọng thiết thực của họ: “Bất cứ việc to việc nhỏ, chúng ta phải xét rõ và làm cho hợp trình độ văn hóa, thói quen sinh hoạt, trình độ giác ngộ, kinh nghiệm tranh đấu, lòng ham, ý muốn, tình hình thiết thực của quần chúng. Do đó mà định cách làm việc, cách tổ chức. Có như thế, mới có thể kéo được quần chúng”. Nếu công tác tuyên truyền, giác ngộ, vận động Nhân dân chỉ làm theo ý muốn chủ quan, rồi đem cột cho họ, thì chẳng khác nào “khoét chân cho vừa giầy”.
Sự đa dạng của tầng lớp dân cư, vùng miền, sự khác nhau về trình độ nhận thức, về giác ngộ cách mạng là yếu tố quyết định việc không thể chỉ sử dụng một hình thức tuyên truyền cho mọi đối tượng. Vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn yêu cầu phải nắm chắc đặc điểm của đối tượng tuyên truyền để quyết định sử dụng hình thức tuyên truyền phù hợp nhất. Thực tế cho thấy, Người đã căn cứ vào điều kiện cụ thể để vận dụng một cách linh hoạt, như sử dụng báo chí, sách vở, mít tinh, khẩu hiệu, truyền đơn, chỉ thị, viết sách, viết kịch, viết báo, tổ chức các buổi nói chuyện, xem phim... Bằng các hình thức đa dạng đó, Người đã truyền bá được chủ nghĩa Mác - Lênin, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước đến với Nhân dân, làm cho Nhân dân tin tưởng và hăng hái đi theo cách mạng.
Thứ hai, tập hợp quần chúng nhân dân vào các tổ chức cụ thể.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thấy rõ, để huy động cao độ tiềm năng, lực lượng của quần chúng nhân dân, tạo nên sức mạnh tổng hợp của đất nước thì phải giải quyết đúng đắn mối quan hệ về lợi ích của tất cả các thành phần trong xã hội, phải làm cho các bộ phận cư dân trong xã hội sắp xếp theo một hướng nhất định. Vì vậy, phải đưa Nhân dân vào các tổ chức, các hội, nhóm. Người nói: “Có hội hè rồi trước là có tình thân ái, sau thì khuyên nhau học hành. Chúng ta đã biết “cách mệnh” tinh thần, “cách mệnh” kinh tế, thì “cách mệnh” chính trị cũng không xa”. Người đã xây dựng các hình mẫu về cách thức đoàn kết, tập hợp, tổ chức quần chúng, như thành lập Đảng Cộng sản để lãnh đạo cách mạng; thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất để tập hợp, giáo dục quần chúng; xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt trong đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc; xây dựng chính quyền nhân dân để quản lý, điều hành xã hội.
Người yêu cầu đưa quần chúng nhân dân vào trong các tổ chức và đoàn thể cách mạng phù hợp với nghề nghiệp, lứa tuổi, giới tính… qua đó để giáo dục, giác ngộ quần chúng. Sau Hội nghị Trung ương lần thứ Tám (tháng 5/1941), Người kêu gọi: “Dân ta phải mau mau tổ chức lại. Nông dân phải vào “Nông dân Cứu quốc hội”. Thanh niên phải vào “Thanh niên Cứu quốc hội”. Phụ nữ vào “Phụ nữ Cứu quốc hội”. Trẻ con vào “Nhi đồng Cứu quốc hội”. Công nhân vào “Công nhân Cứu quốc hội”. Binh lính vào “Binh lính Cứu quốc hội”. Các bậc phú hào văn sĩ vào “Việt Nam Cứu quốc hội””. Đồng thời, phải sắp xếp thành hệ thống trình tự các công việc và phụ trách các bước công việc cụ thể, hợp lý, khoa học. Người chỉ rõ: “Việc chính, việc gấp thì làm trước. Không nên luộm thuộm, không có kế hoạch, gặp việc nào, làm việc ấy, thành thử việc nào cũng là việc chính, lộn xộn, không có ngăn nắp”.
Thứ ba, thông qua các hoạt động thực tiễn để tìm hiểu, hướng dẫn và giúp đỡ quần chúng nhân dân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, công tác dân vận là một nghệ thuật về tiếp cận và vận động con người nên không chỉ tuyên truyền suông bằng sách báo, mít tinh, khẩu hiệu mà phải bằng hành động cụ thể, thiết thực trong thực tiễn. Do vậy, Người luôn yêu cầu Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên phải làm việc một cách thật sự, phải cùng lao động, cùng hòa mình vào cuộc sống hàng ngày của Nhân dân, phải sâu sát cơ sở, am hiểu thực tiễn. Đến với Nhân dân để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân, hướng dẫn Nhân dân thực hiện tốt chủ trương, chính sách và giúp dân giải quyết các công việc cụ thể, đồng thời đề xuất hoặc điều chỉnh các chính sách cho phù hợp. Người cho rằng những cán bộ “chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh” thì không thể hiểu được Nhân dân, không thể hướng dẫn, giúp đỡ được Nhân dân và đó là một sai lầm rất to, rất có hại, vì vậy: “Cán bộ chính quyền và cán bộ đoàn thể địa phương phải cùng nhau bàn tính kỹ càng, cùng nhau chia công rõ rệt, rồi cùng nhau đi giải thích cho dân hiểu, cổ động dân, giúp dân đặt kế hoạch, tổ chức nhân công, sắp xếp việc làm, khuyến khích, đôn đốc, theo dõi, giúp đỡ dân giải quyết những điều khó khăn...”. Đối với cán bộ canh nông, phải hợp tác mật thiết với cán bộ địa phương, đi sát dân, thiết thực bày cho dân cách trồng trọt chăn nuôi. Những hội viên các đoàn thể phải xung phong thi đua, làm kiểu mẫu cho dân, giúp dân hiểu, dân mới làm được. Quá trình thực hiện, các lực lượng phải luôn theo dõi giúp đỡ, kiểm tra nhân dân thực hiện.
Trong thực tiễn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến với Nhân dân để vừa hòa vào dân, động viên phong trào, biểu dương thành tích và cố gắng của Nhân dân, vừa trực tiếp kiểm tra, nghiêm khắc phê bình những khuyết điểm để mỗi cán bộ, đảng viên và người dân thấy rõ mà sửa chữa, làm cho chất lượng, hiệu quả công việc vì thế mà tốt hơn.
Thứ tư, thông qua “nêu gương” để Nhân dân tin tưởng, noi theo.
“Nêu gương’ là một vấn đề luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm sâu sát. Theo Người, khi làm công tác vận động quần chúng không được dùng mệnh lệnh, áp đặt ý chí, phải biết khích lệ, biểu dương và lắng nghe kinh nghiệm trong dân, học hỏi trí tuệ của dân, bàn bạc cùng Nhân dân thực hiện nhiệm vụ. Cán bộ, đảng viên phải làm gương cho quần chúng nhân dân, để quần chúng nhân dân noi theo. Một việc làm tốt của cán bộ, đảng viên ở một địa phương, đơn vị chỉ ảnh hưởng, tác động đến địa phương, đơn vị đó, nhưng những cán bộ, đảng viên, người đứng đầu, có uy tín, có chức vụ thì càng cần phải nêu gương vì họ là những người được nhiều người biết đến, khi họ làm tấm gương thì sẽ có tác dụng khích lệ lớn. Trong tác phẩm “Đời sống mới” (tháng 3/1947), Người viết: “Nếu miệng thì tuyên truyền bảo người ta siêng làm, mà tự mình thì ăn trưa, ngủ trễ; bảo người ta tiết kiệm, mà tự mình thì xa xỉ, lung tung, thì tuyên truyền một trăm năm cũng vô ích” và cũng luôn nhấn mạnh: “một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”.
Đặc biệt, đối với cán bộ, đảng viên, Người yêu cầu: “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Khi cán bộ, đảng viên nêu gương thì Nhân dân sẽ tự giác làm theo thậm chí không cần nói. Do đó, khi làm công tác dân vận phải làm gương trong mọi công việc để dân tin theo. Người thường dạy bảo: “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”. Nhân dân sẽ mất niềm tin vào những cán bộ nói mà không làm, nói nhiều làm ít, nói hay làm dở, nói một đằng làm một nẻo. Vì thế, Người chủ trương: “Lấy gương người tốt, việc tốt để hàng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”. Người luôn viết thư khen ngợi, động viên, khuyến khích những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong học tập, lao động, sản xuất, chiến đấu và đề nghị có mục “gương người tốt, việc tốt” trên báo để cổ vũ, động viên, khích lệ mọi người học tập, noi theo.
Thứ năm, thông qua tổ chức các phong trào cách mạng để đoàn kết, tập hợp, phát huy sức mạnh của Nhân dân.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, công tác dân vận phải tổ chức nhiều phong trào rộng lớn để tập hợp, đoàn kết và phát huy mọi tiềm năng, trí tuệ, sự sáng tạo của Nhân dân, hướng vào thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ trong từng giai đoạn cách mạng. Với phương châm: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất”, Người chỉ rõ, công tác dân vận phải kịp thời biểu dương, khen thưởng những cá nhân, tập thể có cách làm hay, những giải pháp hiệu quả, thiết thực. Từ đó, nhân rộng ra thành phong trào chung của toàn xã hội.
Có thể nói Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương tiêu biểu về công tác dân vận khi vận dụng được tất cả các nhiệm vụ của dân tộc thành các phong trào quần chúng, phong trào của cả nước mà người dân đều được tham gia thi đua vì lợi ích của chính mình, như phong trào tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm; hũ gạo cứu đói; tuần lễ vàng; phong trào bổ túc văn hóa xóa nạn mù chữ; phong trào đời sống mới; phong trào thi đua ái quốc, phong trào thi đua giết giặc, phong trào trồng cây, phong trào rèn luyện sức khỏe, phong trào thi đua lao động, sản xuất mỗi người làm việc bằng hai vì đồng bào miền Nam ruột thịt... Đó thực sự là các phong trào thi đua yêu nước được phát triển rộng rãi trên mọi lĩnh vực, đã đoàn kết và động viên được tất cả các lực lượng, trí tuệ, sáng kiến của Nhân dân để thực hiện thành công các nhiệm vụ của cách mạng nước ta.
Bước vào thời kỳ đổi mới, dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh, các hình thức dân vận của Đảng ta càng được khẳng định đầy đủ hơn cả về lý luận và thực tiễn. Từ Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VI đến Đại hội Đảng lần thứ XIII, Đảng ta đều bổ sung, cụ thể hóa tư tưởng của Người thành quan điểm, đường lối về công tác dân vận, trong đó có các hình thức dân vận. Tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII, Đảng ta đã chỉ rõ cần thực hiện tốt phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Nghị quyết cũng nhấn mạnh: “Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở. Sâu sát cơ sở, tăng cường đối thoại, tiếp xúc với nhân dân, lắng nghe tâm tư, kịp thời giải quyết nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, thực hiện tốt phong trào thi đua “Dân vận khéo”, tuyên truyền, biểu dương, nhân rộng các mô hình, điển hình về công tác dân vận…”. Đồng thời, cần vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác dân vận phù hợp với nhiệm vụ cách mạng hiện nay nhằm huy động sức mạnh của toàn dân tộc, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác dân vận có giá trị lý luận và thực tiễn vô cùng to lớn trong sự nghiệp cách mạng do Đảng ta lãnh đạo. Từ đây, phong trào quần chúng được khởi phát, làm nên những thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Công tác dân vận cần làm cho mỗi người dân, nhất là thế hệ trẻ, nhận rõ những thuận lợi và khó khăn, đoàn kết phấn đấu vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Hơn lúc nào hết, hệ thống chính trị và toàn dân ta cần quán triệt sâu sắc trong nhận thức và hành động về hình thức dân vận theo tư tưởng Hồ Chí Minh, với truyền thống cách mạng của Nhân dân ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sẽ có nhiều hình thức dân vận đa dạng và phong phú góp phần nâng cao hiệu quả công tác dân vận, phát huy cao độ sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đưa sự nghiệp đổi mới của Nhân dân ta giành nhiều thắng lợi mới./.
St
bài rất hấp dẫn
Trả lờiXóa