An ninh con người và
quyền con người có mối quan hệ mật thiết tác động và hỗ trợ lẫn nhau. Việc bảo
đảm an ninh con người, về bản chất cũng chính là bảo đảm các quyền con người
tương ứng. Ngược lại, bảo vệ và thúc đẩy các quyền con người cũng chính là nhằm
thực hiện an ninh con người. Vì vậy, phân tích, làm rõ vấn đề an ninh con người
để có cái nhìn khách quan, toàn diện đối với vấn đề quyền con người ở Việt Nam.
An ninh kinh tế
Khái niệm an ninh con người do Chương trình phát triển Liên hợp
quốc (UNDP) đưa ra đầu tiên vào năm 1994 trong Báo cáo hàng năm về sự phát
triển của con người. UNDP cho rằng: An ninh con người “là sự an toàn của con
người trước những mối đe dọa kinh niên như nghèo đói, bệnh tật, đàn áp và những
biến cố bất ngờ, bất lợi trong cuộc sống hằng ngày”.
Theo UNDP, bảo đảm an ninh con người được thể hiện trên bảy phương
diện: An ninh kinh tế, an ninh lương thực, an ninh sức khỏe, an ninh môi
trường, an ninh cá nhân, an ninh cộng đồng và an ninh chính trị. Như vậy, an
ninh con người được đặt ra trong sự hòa quyện và tương hỗ với những nội dung an
ninh khác, an ninh con người có mối quan hệ với thời đại, xã hội và môi trường
tự nhiên. Đến lượt mình, an ninh con người trở thành một nhân tố, điều kiện
quan trọng để thực hiện cũng như bảo đảm an ninh xã hội, an ninh toàn cầu, hòa
bình thế giới.
An ninh kinh tế, theo tài liệu của Liên hợp quốc, được hiểu theo
nghĩa hẹp, tức là bảo đảm mức thu nhập cơ bản của con người, trong đó, vấn đề
việc làm đóng vai trò quan trọng. Thực trạng dân số thế giới tăng mạnh, trong
khi sự tiến bộ nhanh chóng của khoa học-công nghệ đã cho ra đời nhiều ngành sản
xuất mới đòi hỏi trình độ và tay nghề của người lao động cao hơn rất nhiều mà
người lao động bình thường không dễ tiếp cận công việc. Đặc biệt, Cuộc cách
mạng Công nghiệp lần thứ tư với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo sẽ tạo ra sự
thay đổi căn bản về sử dụng lao động. Các ngành sản xuất sử dụng nhiều lao động
ngày càng bị thu hẹp khiến cho sức ép cạnh tranh việc làm ngày càng gia tăng,
đe dọa trực tiếp tới an ninh kinh tế của mỗi con người cụ thể.
Việt Nam có phải điều thần kỳ mới?
“Is Vietnam the Next Asian Miracle?” (tạm dịch: Liệu Việt Nam có
phải điều thần kỳ mới của châu Á?) là nhan đề bài viết của Ruchir Sharma
đăng trên tờ New York Times ngày 13-10-2020. Trong bài báo, tác giả cho rằng,
sau Thế chiến II, “những điều thần kỳ châu Á”, đầu tiên là Nhật Bản, sau đó là
vùng lãnh thổ Đài Loan, Hàn Quốc và gần đây nhất là Trung Quốc đã vươn lên
thoát nghèo bằng cách mở cửa cho thương mại và đầu tư và trở thành các cường
quốc sản xuất để xuất khẩu. Hiện nay, Việt Nam cũng đang làm những điều tương
tự. Ngay cả khi thương mại toàn cầu sụt giảm trong những năm đầu tiên của thế
kỷ XXI, xuất khẩu của Việt Nam cũng đã tăng trưởng 16% mỗi năm. Cho đến nay,
đây là tốc độ nhanh nhất trên thế giới và gấp ba lần mức trung bình của các nền
kinh tế mới nổi. Tác giả cũng khẳng định, Việt Nam đã trở thành một điểm đến ưa
thích đối với các nhà sản xuất xuất khẩu. Thu nhập bình quân đầu người hằng năm
ở Việt Nam đã tăng gấp 5 lần kể từ cuối những năm 1980 lên mức gần 3.000
USD/người, nhưng chi phí lao động vẫn chỉ bằng một nửa so với Trung Quốc.
Còn theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 9 tháng năm 2020, tổng số
người trong độ tuổi lao động (từ 15 tuổi trở lên) khoảng 54,4 triệu người,
trong đó, số người đang làm việc khoảng 53,1 triệu người. Tỷ lệ thiếu việc làm
của lực lượng lao động trong độ tuổi là 2,69%; tỷ lệ thất nghiệp là 2,48%. Nhìn
chung, những năm qua, lao động có việc làm tiếp tục tăng, cơ cấu lao động
chuyển dịch nhanh theo hướng giảm tỷ trọng lao động trong khu vực nông, lâm
nghiệp và thủy sản, tăng tỷ trọng trong công nghiệp và dịch vụ. Tỷ lệ thất
nghiệp duy trì ở mức thấp, lao động thiếu việc làm và lao động phi chính thức
có chiều hướng giảm so với giai đoạn trước. Với sự chuyển dịch tích cực của nền
kinh tế trong và ngoài nước, cùng sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, thị
trường lao động cũng có sự chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm dần sử dụng
lao động giản đơn sang sử dụng nhóm lao động có kỹ năng và trình độ cao, chất
lượng lao động được nâng cao; thu nhập của người lao động được đảm bảo.
Thách thức còn ở phía trước
Mặc dù đạt được những thành tựu quan trọng trong lĩnh vực lao
động, việc làm và nâng cao thu nhập của người dân nhưng Việt Nam cũng đang đối
mặt với nhiều thách thức. Trước hết là hiệu suất lao động của Việt Nam đang ở
mức thấp so với khu vực và thế giới. Tỷ lệ lao động có kỹ năng, được đào tạo
còn thấp. Lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản vẫn còn chiếm tỷ
lệ tương đối cao. Đặc biệt, từ đầu năm đến nay, đại dịch Covid-19 đã tác động
sâu sắc đến vấn đề lao động và việc làm. Theo Tổng cục Thống kê, tính đến tháng
9 năm 2020, cả nước có 31,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu
cực bởi dịch Covid-19 bao gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc, nghỉ
luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập. Thu nhập bình quân tháng của người lao
động trong 9 tháng năm 2020 giảm 1,5% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó là vấn đề phân hóa giàu nghèo ngày càng phức tạp. Sự
phân hóa giàu nghèo có thể nhận thấy rõ nét giữa thành thị và nông thôn, giữa
các nhóm dân tộc chiếm đa số và thiểu số, hay giữa các vùng kinh tế. Chênh lệch
giàu nghèo ngày càng tăng sẽ tạo ra nhiều tác động tiêu cực trong xã hội, mà hệ
quả trực tiếp là gia tăng bất bình đẳng, nhất là bất bình đẳng cơ hội, từ đó
ảnh hưởng tới khả năng dịch chuyển xã hội của người dân lên các thang bậc kinh
tế cao hơn, tạo nên vòng luẩn quẩn của đói nghèo, cũng như gây tác động không
tốt tới sự phát triển chung của toàn xã hội. Đó là những thách thức mà chúng ta
cần phải có những giải pháp chiến lược nhằm bảo đảm an ninh kinh tế nói riêng,
an ninh con người nói chung.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét