An ninh con người và quyền con người
An ninh con người được cấu thành trên 7 phương diện: An ninh kinh
tế, an ninh lương thực, an ninh sức khỏe, an ninh môi trường, an ninh cá nhân,
an ninh cộng đồng và an ninh chính trị. Như vậy, an ninh con người và quyền con
người là hai khái niệm có phạm trù, nội hàm khác nhau, không đồng nhất, song
đều có mục tiêu chung là vì con người, lấy con người là trung tâm. Về bản chất,
việc bảo đảm bảy dạng an ninh con người cũng chính là bảo đảm các quyền con
người tương ứng. Ngược lại, bảo vệ và thúc đẩy các quyền con người tương ứng
cũng chính là nhằm thực hiện, bảo đảm bảy dạng an ninh con người. Thêm vào đó,
cả an ninh con người và quyền con người đều hướng vào việc thúc đẩy các nguyên
tắc dân chủ và sự phát triển về thể chế trong các xã hội như là những điều kiện
để bảo đảm an ninh và các quyền của con người một cách bền vững.
Chẳng hạn như, bảo đảm an ninh kinh tế là điều kiện để thực hiện
những quyền cơ bản của con người như quyền sống, quyền có việc làm, quyền được
bảo trợ xã hội… Nếu như an ninh kinh tế không được bảo đảm, mất việc làm, thu
nhập cá nhân giảm và hậu quả tất yếu là tình trạng đói nghèo tăng. Còn ở nghĩa
rộng, để hiện thực hóa các quyền con người, đặc biệt là các quyền kinh tế, xã
hội, văn hóa, các nhà nước và cộng đồng quốc tế cần có những nguồn lực vật chất
mà chỉ có thể có được nhờ sự tăng trưởng kinh tế. Theo nghĩa này, tăng trưởng
kinh tế có thể coi là một phương tiện quan trọng để hiện thực hóa các quyền con
người. Đổi lại, quyền con người cũng góp phần thúc đẩy và duy trì sự tăng
trưởng kinh tế bền vững, bởi lẽ, quyền con người giúp kiến tạo và duy trì sự
quản lý tốt-yếu tố nền tảng cho sự phát triển kinh tế.
Còn bảo đảm an ninh lương thực, an ninh sức khỏe cũng là điều kiện
tiên quyết để thực hiện quyền sống, quyền được chăm sóc y tế…, những quyền cơ
bản và quan trọng nhất của con người. An ninh lương thực không bảo đảm là tác
nhân đầu tiên và quan trọng nhất dẫn đến đói nghèo, lạc hậu. Mà khi đói nghèo
sẽ ngăn cản khả năng nhận biết và hưởng thụ các quyền con người. Đơn cử, những
người mù chữ hoặc nghèo khổ, phải vật lộn hàng ngày với miếng cơm manh áo thì
không thể có điều kiện để thực hiện một cách đầy đủ và hiệu quả các quyền được
giáo dục, quyền được tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội… mà họ được ghi
nhận.
Con người sống và mưu cầu hạnh phúc thường gắn với xã hội, thể chế
chính trị-xã hội nhất định. Sự ổn định chính trị-xã hội là yếu tố cơ bản, là
tiền đề để xã hội phát triển. Sự ổn định chính trị-xã hội cũng đồng nghĩa với
an ninh chính trị-xã hội được giữ vững. Đó là tiền đề bảo đảm thực thi quyền
con người, con người được an toàn, tự do, phát triển cả về thể chất và tinh
thần.
An ninh con người ở Việt Nam
Vấn đề an ninh con người đã được Liên hợp quốc và nhiều nước trên
thế giới tiếp nhận như một tư duy mới có sức thuyết phục và có giá trị thực
tiễn cao. Con người đặt ở vị trí trung tâm của thời cuộc, của xã hội là hoàn
toàn đúng. Xã hội suy cho cùng là xã hội của con người và vì con người. Thực
hiện an ninh con người sẽ bổ sung và làm phong phú cho an ninh quốc gia và an
ninh toàn cầu.
So với quyền con người, vấn đề an ninh con người còn khá mới mẻ
đối với Việt Nam. Tuy nhiên, đối với từng thành tố cấu thành an ninh con người
đã được đề cập nhiều trong các văn bản lãnh đạo của Đảng, hệ thống chính sách,
pháp luật của Nhà nước. Thành tựu, kết quả và những thách thức trong bảo đảm an
ninh con người (7 phương diện an ninh) đã được đề cập, phân tích trong các bài
trước.
Trong văn kiện Đại hội XII, Đảng ta lần đầu tiên nêu ra quan điểm
về bảo đảm an ninh con người với mức ưu tiên cao nhất, phù hợp với điều kiện
chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa của đất nước. Trong Dự thảo Báo cáo Chính
trị Đại hội XIII, một lần nữa, vấn đề an ninh con người lại được đề cập tới sâu
sắc hơn. Dự thảo Báo cáo nêu rõ: “Quản lý phát triển xã hội có hiệu quả, nghiêm
minh, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người; thực hiện tiến bộ và công bằng
xã hội; xây dựng môi trường văn hóa, đạo đức xã hội lành mạnh, văn minh; chú
trọng nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, chất lượng dân số, gắn dân số với phát
triển; quan tâm đến mọi người dân, bảo đảm chính sách lao động, việc làm, thu
nhập, thực hiện tốt phúc lợi xã hội, an sinh xã hội. Không ngừng cải thiện toàn
diện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân”.
Cùng với đó, Dự thảo văn kiện Đại hội XIII đưa ra phương hướng và
những giải pháp nhằm bảo đảm an ninh con người. Đó là, giải quyết vấn đề lao
động, việc làm và thu nhập, trong đó trọng tâm là “cải cách chính sách tiền
lương”; “phát triển thị trường lao động, hướng đến việc làm bền vững”; đồng
thời, đổi mới chính sách bảo hiểm thất nghiệp.
Phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện, tiến tới bao phủ
toàn dân với các chính sách phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục rủi ro cho
người dân, bảo đảm trợ giúp cho các nhóm đối tượng yếu thế. Cải cách hệ thống
bảo hiểm xã hội đa tầng dựa trên nguyên tắc đóng-hưởng, chia sẻ-bền vững. Điều
chỉnh chuẩn nghèo đa chiều, bảo đảm mức sống tối thiểu và các dịch vụ cơ bản.
Bảo đảm tốt an ninh sức khỏe, trọng tâm là chăm sóc sức khỏe nhân
dân. Xây dựng và thực hiện các chính sách về dinh dưỡng, an toàn thực phẩm, bảo
vệ, chăm sóc, nâng cao sức khoẻ và tầm vóc người Việt Nam, bảo đảm toàn dân đều
được quản lý, bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ. Nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc
sức khoẻ, bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ bà mẹ, trẻ em. Đổi mới cơ chế tài chính y
tế, hệ thống quản lý và cung cấp dịch vụ y tế. Phát triển nguồn nhân lực, khoa
học và công nghệ y tế.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét