Chủ nghĩa Mác-Lênin là nguồn gốc lý luận trực tiếp quyết định bước phát triển mới về chất trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Nếu không có Chủ nghĩa Mác-Lênin, Hồ Chí Minh cũng chỉ là một nhà yêu nước như bao nhà yêu nước khác ở Việt Nam đầu thế kỷ 20: Chung một khát vọng giải phóng dân tộc, mong muốn giành lấy tự do, độc lập nhờ vào sự giúp đỡ của nước ngoài.
Nếu không đọc Luận cương của Lê-nin, chưa đến được với Chủ nghĩa Lê-nin, chưa trở thành người cộng sản chân chính thì quan điểm, tư tưởng cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chưa thể tạo ra bước ngoặt cách mạng, không có điều kiện để truyền bá Chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam và do đó, Người không thể đặt nền móng cho tư tưởng mác-xít đâm chồi, nảy lộc, đơm hoa kết trái trên quê hương Tổ quốc Việt Nam.
Chính Chủ nghĩa Mác-Lênin đã trang bị cho lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc thế giới quan, nhân sinh quan và phương pháp luận khoa học, cách mạng để Người tìm ra con đường cứu nước mới, đưa Người vượt lên phía trước mọi thiên kiến hẹp hòi, khắc phục căn bản sự khủng hoảng về chính trị, sự bế tắc về đường lối đấu tranh giải phóng dân tộc, “gieo mầm cộng sản” trên quê hương Việt Nam.
Sự phát triển tư tưởng mác-xít ở Việt Nam vào đầu thế kỷ 20 là kết quả tất yếu của quá trình xâm nhập, thẩm thấu Chủ nghĩa Mác-Lênin ở Việt Nam, gắn liền với công lao to lớn của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc; nhờ đó mà tư tưởng yêu nước gắn liền với tư tưởng quốc tế vô sản. Mục Tiêu cứu nước, cứu dân ở Việt Nam đầu thế kỷ 20 được dẫn dắt bởi một lý luận khoa học, cách mạng soi sáng, dẫn đường. Vì lẽ đó, Chủ nghĩa Mác-Lênin đóng vai trò là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hành động của Đảng, vũ trang lý luận cho con đường đấu tranh cách mạng của quần chúng nhân dân, giúp họ thực hiện khát vọng giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc. Rõ ràng, với việc trang bị thế giới quan, nhân sinh quan, phương pháp luận khoa học, cách mạng của Chủ nghĩa Mác-Lênin cho đội ngũ cán bộ cốt cán ở Việt Nam vào đầu thế kỷ 20, Hồ Chí Minh đã giúp họ hòa nhập vào cách mạng thế giới, sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam-Đảng mácxít-lêninnít kiểu mới, đội tiên phong của giai cấp công nhân, bộ tham mưu chiến đấu có tổ chức và là tổ chức cao nhất của giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam.
Từ đây, tinh thần “biện chứng pháp” của Chủ nghĩa Mác-Lênin đã thể hiện sâu sắc trong các văn kiện, nghị quyết, chủ trương, chính sách của Đảng. Các văn kiện thành lập Đảng như Chính cương vắn tắt của Đảng, Điều lệ tóm tắt của Đảng Cộng sản Việt Nam do Hồ Chí Minh khởi thảo và các nghị quyết của Đảng ta soạn thảo từ năm 1930 đến nay đều thể hiện tinh thần sống động của Chủ nghĩa Mác-Lênin, thấm nhuần sâu sắc giá trị khoa học của chủ nghĩa duy vật biện chứng, chủ nghĩa duy vật lịch sử và chủ nghĩa xã hội khoa học.
Những điều nêu trên đã giải nghĩa sâu sắc lý do vì sao Đảng Cộng sản Việt Nam trước sau như một, nhất quán với lập trường, quan điểm lấy Chủ nghĩa Mác-Lênin làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hành động; vì sao chúng ta phải kiên định, trung thành và phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin trong bối cảnh mới; không được mắc sai lầm trong nhận thức, vận dụng Chủ nghĩa Mác-Lênin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam sao cho phù hợp.
Đó cũng là điều giải thích rõ ràng vì sao bên cạnh Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đã trở thành nội dung đặc biệt quan trọng trong nền tảng tư tưởng của Đảng và cách mạng Việt Nam. Vì sao Bộ Chính trị khóa XII lại ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, với mục tiêu và ý nghĩa là phải bảo vệ bằng được thành trì lý luận chính trị của Đảng, bảo đảm cho kim chỉ nam của Đảng luôn chỉ đúng hướng và ngày càng chi phối, thấm sâu vào tư tưởng của mọi cán bộ, đảng viên và đời sống tinh thần xã hội.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét