Chủ Nhật, 1 tháng 10, 2023

BIỂU TƯỢNG CHIM LẠC TRÊN TRỐNG ĐỒNG ĐÔNG SƠN

 Giờ đây, hình đàn chim mỏ dài bay quanh mặt trời trên mặt trống đồng Đông Sơn đã trở nên quen thuộc với nhiều Việt. Tuy nhiên, chúng vẫn là một điều gì đó bí ẩn.

Nhà hát Hồ Gươm mới khánh thành gần đây, đã được trang trí với các hoa văn truyền thống biểu trưng cho văn hóa Việt như: trống đồng, mặt trời, chim hạc …
Vậy đàn chim bay đó là loài chim gì? Vì sao chúng lại có mặt bền bỉ, thường xuyên trên trống đồng Đông Sơn như vậy? Chúng ta nên gọi chúng là chim gì, cò trắng hay hạc, chim Hồng hay chim Lạc?
Từ góc độ khảo cổ - sinh vật học - dân tộc học, nhiều học giả đã nhất trí xác định: trên trống đồng Đông Sơn, hình đàn chim bay quanh mặt trời gồm vài loài chim khác nhau nhưng phần lớn là cò trắng, một loài chim thuộc họ diệc.
Đó chính là loài chim vật tổ lâu đời nhất của người Lạc Việt, tộc chủ thể của các nước Văn Lang, Âu Lạc và là tổ tiên trực tiếp của người Việt Nam hiện nay.
Tín ngưỡng vật tổ là một tín ngưỡng phổ biến ở loài người thời nguyên thủy, thời con người sống chủ yếu bằng săn bắt hái lượm, hòa hợp nhưng phụ thuộc nhiều vào tự nhiên.
Theo tín ngưỡng đó, một cá nhân, một dòng họ, một tộc người tin rằng mình có quan hệ họ hàng thần bí và có tác động qua lại với một vật, cây, con mang những tính cách gần gũi với mình, có những phẩm chất mình mong muốn và từ đó là vị thần bảo vệ, là biểu tượng cho mình.
Thời Đông Sơn, tức thời Hùng Vương - An Dương Vương - Hai Bà Trưng, đó là tín ngưỡng cơ bản của người Đông Sơn và là hồn cốt của văn hóa Đông Sơn. Đó là một cách tạo ra tình cảm, niềm tin, sự cố kết giữa những người cùng dòng máu, tổ tiên, đất nước.
Truyền thuyết cội nguồn của người Việt có tên là Họ Hồng Bàng. Xét hai chữ Hồng Bàng, chữ Hồng gồm chữ giang (sông) chỉ âm đi cùng với chữ điểu (chim), chỉ nghĩa có ý chỉ một loài chim nước, người Việt gọi là giang, người Hoa gọi là hồng hay hồng hạc, là loài chim họ cò hay hạc, chị em với cò trắng, ngỗng trời, nhưng thường bay cao bay xa, từ đó người xưa coi là một biểu tượng cho người tài cao chí lớn… Chữ Bàng có chữ long dưới chữ quảng, chỉ rồng, con vật huyền thoại, biểu tượng cho sông nước.
Như vậy, họ Hồng Bàng là những người có vật tổ Chim - Rồng, tương ứng với Mẹ Âu Cơ - Bố Lạc Long. Mẹ Chim Âu Cơ hóa thành Thần - Tiên trên trời. Đó chính là gốc của việc người Việt sau này nhận mình là “dòng dõi Lạc Hồng” hay “con Rồng - cháu Tiên”.
Theo tâm thức đó, người Bách Việt thời Đông Sơn đều thờ Bà Tổ Chim - Ông Tổ Rồng, nhưng mỗi tộc người, nhóm địa phương, dòng họ thờ một loài chim cụ thể như: cò, cốc, hồng hoàng, hồng hạc, bồ nông, ngỗng trời, gà... cùng với một con vật nước cụ thể như: rùa, cá sấu, rái cá, ếch, rắn, cá... Tất cả các con vật tổ đó đều được thể hiện trên trống đồng và đồ đồng Đông Sơn.
Thời Hùng Vương - An Dương Vương là thời mẫu hệ, thời Hai Bà Trưng là thời mẫu quyền. Vì thế, trên trống đồng biểu tượng Bà Tổ Chim là biểu tượng chính chủ nổi bật nhất.
Trong các loài chim, cò trắng là loài chim vật tổ - biểu tượng lâu đời nhất của người Lạc Việt. Vào thời An Dương Vương, khi vua được đồng nhất với mặt trời, với vương quốc, cò trắng đương nhiên là Bà Tổ của hoàng tộc Âu Lạc, tức dòng họ An Dương Vương, vị vua đã cho đúc và ban phát những chiếc trống đồng Đông Sơn đầu tiên.
Vậy vì sao cò trắng là loài chim vật tổ?
Từ xa xưa, là những người thuần hóa cây lúa và trồng lúa nước sớm, người Lạc Việt đã có tục thờ mặt trời, coi mặt trời là Bà Tổ. Trong khi đó, cò trắng là một loài chim di cư có cuộc sống gắn với sự chuyển động của mặt trời. Hàng năm, vào cuối thu - đầu đông, sau vụ gặt cò bay đi trú rét, đến mùa xuân- mùa mưa- mùa lúa mới trở về.
Hàng ngày, khi mặt trời mọc, đàn cò bay đi, khi mặt trời lặn chúng bay về. Trước khi hạ cánh, từng tốp, từng tốp lượn vòng tròn trên trời giống hình mặt trời, cánh lấp lánh ánh sáng. Có màu lông trắng muốt như ánh sáng mặt trời, lại bay đến bay đi với đôi cánh nhịp nhàng, bền bỉ theo chu kỳ chuyển động của mặt trời, cò được tin là một hiện thân của mặt trời hay là chim - mặt trời…
Trong truyền thuyết Bách Việt, cò chính là loài chim thần đã mang những hạt lúa cho người để người có nghề trồng lúa. Từ đó, cò được coi là loài chim hạnh phúc gắn với sự no ấm của người, với vẻ đẹp thanh bình của làng quê, đặc biệt với tính nhẫn nại cần cù của người mẹ…
Còn nữa, cò là loài chim thông minh, đất lành mới đậu; là loài chim có tính cộng đồng cao, luôn thành đàn bay đi kiếm ăn, bay về tổ ngủ.
Cò là người bạn thân thiết với người trồng lúa. Cò bắt sâu bọ hại lúa. Cò bắt ruồi bọ, ve vắt cho trâu, con vật đầu cơ nghiệp nhà nông. Đó chính là những lý do người Lạc Việt bao đời tin cò là vật tổ, là biểu tượng cho mình.
Trống đồng là biểu tượng cao quý nhất cho vương quyền và thần quyền Bách Việt thời Đông Sơn. Hình đàn cò trắng trên mặt trống là biểu tượng cho thần quyền của tín ngưỡng thờ Bà Tổ Chim.
Trong đám ma, khi tiếng trống đồng vang lên, đàn cò thay Bà Tổ về đưa hồn người chết đi gặp tổ tiên. Trong lễ cầu mưa - cầu mùa: đàn cò lại là hiện thân của Thần Lúa - Mẹ Lúa về mang mưa nắng và mùa màng tươi tốt.
Học giả Đào Duy Anh (1904 - 1988) là người khởi xướng cách gọi loài chim bay quanh mặt trời trên trống đồng là chim Lạc bởi theo ông, Lạc là từ chỉ loài chim vật tổ của người Lạc Việt, và tên Lạc Việt bắt nguồn từ tên chim Lạc...
Tuy nhiên, một số người đã tìm mọi cách bác bỏ cách gọi đó. Người muốn gọi thẳng đó là cò, người cố chứng minh Lạc nghĩa là Nước nên chim Lạc chỉ là chim Nước.
Thực ra, tên Lạc Việt không có gốc từ tên chim Lạc. Lạc và Việt đều có nghĩa gốc là Người. Lạc Việt có nghĩa gốc là Người Việt. Ở nhiều nhóm Bách Việt, có hiện tượng đồng nhất tên tộc người có nghĩa Người có trước với tên vật tổ có âm gần gũi có sau. Ví dụ: sự đồng nhất tên gọi người Giao với tên vật tổ giao (giao long hay cá sấu) hay tên gọi người Klao với tên vật tổ tre klao...
Vậy chúng ta nên gọi loài chim bay trên mặt trống Đông Sơn là chim Hồng hay chim Lạc, là cò hay hạc? Về bản chất, đó là loài chim biểu tượng cho Bà Tổ Chim, nhưng tên chim Hồng gắn với truyền thuyết Họ Hồng Bàng, còn chim Lạc gắn với tên Lạc Việt. Về mặt khoa học, gọi cò trắng là đúng nhất. Nhưng về mặt lịch sử, tên chim Lạc gắn trực tiếp với tộc người và trống đồng Lạc Việt nên là tên gọi giàu ý nghĩa hơn cả.
Trong tâm thức người Việt hàng ngàn năm sau, khi tín ngưỡng vật tổ cò đã phôi pha thì biểu tượng cò trắng vẫn còn đó. Trong ca dao Việt, cò trắng vẫn là biểu tượng của đất nước Việt và đặc biệt, của người mẹ Việt.
Xưa, vẻ đẹp thanh bình của làng quê Việt và niềm hạnh phúc của người trồng lúa Việt vẫn luôn ẩn hiện trong những cánh cò:
“Con cò bay lả bay la/Bay từ cửa tổ bay ra cánh đồng/Chân trời thảm lúa mênh mông/ Cò bay mỏi cánh sao không thấy bờ?”.
“Một đàn cò trắng bay tung/Bên nam bên nữ ta cùng hát lên”.
“Một đàn cò trắng bay quanh/Cho loan nhớ phượng cho mình nhớ ta”.
Hình ảnh, đức tính của cò mẹ cũng đồng nhất với hình ảnh, đức tính của người mẹ Việt:
“Cái cò lặn lội bờ ao/Phất phơ đôi dải yếm đào gió bay”.
“Cái cò lặn lội bờ sông/Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non”.
“Con cò mày đi ăn đêm/Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao/Ông ơi ông vớt tôi vào/Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng/Có xáo thì xáo nước trong/Đừng xáo nước đục đau lòng cò con”.
Nay, hình ảnh đàn cò trắng bay lại là biểu tượng cho một đất nước có môi trường trong lành cùng với những con người có ý thức bảo vệ môi trường. Nhiều vườn cò xuất hiện từ Bắc chí Nam, ban đầu từ tình yêu cò, từ ý thức bảo vệ cò của người nông dân, sau đã trở thành những điểm du lịch sinh thái hấp dẫn.
Như vậy, cò trắng hay chim Lạc đã, đang và sẽ vẫn là một biểu tượng của văn hóa, con người, đất nước Việt Nam./.
St

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét