Tinh thần trách nhiệm là phẩm chất cao đẹp, CB, ĐV có tinh
thần trách nhiệm là người luôn nhận thức rõ vị trí, vai trò của mình, sẵn sàng
phấn đấu, hy sinh cho lý tưởng cách mạng, vì cuộc sống hạnh phúc của nhân dân
mà trước hết là thực hiện tốt nhiệm vụ được cơ quan, tổ chức phân công, thể hiện
tốt chức trách của mình với đồng chí, đồng nghiệp, cơ quan, đoàn thể. Tuy
nhiên, do thiếu tinh thần trách nhiệm nên dẫn đến một số CB, ĐV sợ sai, né
tránh trách nhiệm, không có bản lĩnh, sáng tạo, làm việc cầm chừng, dễ làm khó
bỏ, thành tích thì vơ cho mình, khuyết điểm thì tìm cách đổ lỗi cho người khác,
nhiều quyết sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước vì thế không đi vào cuộc sống.
Đây chính là “U nhọt” trong cơ thể Đảng cần phải loại bỏ.
Không có trách nhiệm sẽ nảy sinh nhiều hệ lụy xấu
Trong cuộc sống cũng như trong công việc
hằng ngày, không khó để nhận biết những CB, ĐV thiếu tinh thần trách nhiệm, nhất
là những CB, ĐV là cán bộ lãnh đạo, quản lý, chủ trì cơ quan, đơn vị, tổ chức.
Bởi vì, người cán bộ lãnh đạo, quản lý có trách nhiệm thường tích cực đi sâu,
đi sát, lắng nghe ý kiến, tâm tư,nguyện vọng của quần chúng để tháo gỡ kịp thời
những khó khăn, vướng mắc nảy sinh, giải quyết triệt để những hạn chế, tồn tại
của cơ quan, đơn vị mình.
Đồng thời, luôn tích cực kiểm tra, đôn đốc
cán bộ cấp dưới thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao. Ngược lại, nếu
thiếu tinh thần trách nhiệm, những CB, ĐV này thường làm việc cầm chừng, không
phân công, phân cấp rõ ràng, không tạo không gian, môi trường, điều kiện, cơ chế
dân chủ để cho đồng chí, đồng nghiệp, cấp dưới đề xuất kiến nghị đưa ra những
sáng kiến hoặc phát biểu trao đổi thảo luận đi đến tận cùng của vấn đề trước
khi quyết định, rồi cấp dưới chưa phát biểu thì đã phủ đầu. Họ không tích cực
chủ động, sáng tạo, dám thay đổi những điều chưa hợp lý, chỉ làm theo nếp cũ dần
dần dẫn tới bảo thủ, trì trệ. Nguy hiểm hơn khi thấy đơn vị mình có biểu hiện mất
đoàn kết cũng không nhắc nhở xử lý từ sớm từ xa, mà thậm chí còn kích động dùng
người này để kiểm soát người kia, “Tọa sơn quan hổ đấu”, các chú cứ mất đoàn kết
với nhau đi rồi lúc đấy anh xử lý kỷ luật.
Chúng ta đều biết, một trong những
phương thức lãnh đạo cơ bản của Đảng, là muốn lãnh đạo, chỉ đạo hiệu quả thì
đương nhiên đi cùng với đó là phải kiểm tra, kiểm soát. Người chủ trì, đứng đầu
các cơ quan, đơn vị, tổ chức cũng vậy, muốn công việc, nhiệm vụ của đơn vị mình
hoàn thành tốt, thì trong bất kỳ công việc gì dù lớn hay nhỏ, dễ hay khó, khi
giao việc cho cấp dưới đều phải định hướng, hướng dẫn, chỉ ra phương pháp tiếp
cận như thế nào và tạo điều kiện để cấp dưới hoàn thành nhiệm vụ.
Cùng với đó, là tăng cường kiểm tra,
giám sát, khi thấy cấp dưới gặp khó khăn, vướng mắc cần một niềm tin, cần một sự
động viên, cần một chỗ dựa tin cậy về mặt chính trị thì người chủ trì phải tỏ
rõ tinh thần trách nhiệm, cảm thông, đồng cảm, sẻ chia, cùng chung tay gánh
vác, tháo gỡ khó khăn cho cấp dưới, đó chính là phong cách lãnh đạo, là đạo đức,
văn hóa công vụ như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nhắc nhở CB, ĐV: “Phải thương
yêu đồng chí, hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”.
Tuy nhiên, đối với những CB, ĐV thiếu
tinh thần trách nhiệm, họ không quan tâm chia sẻ, luôn mang tư tưởng giao việc
cho cấp dưới là “xong nhiệm vụ”, né tránh trách nhiệm, tội vạ do cấp dưới chịu,
chỉ lo vun vén lợi ích cá nhân; không chấp hành kỷ luật, kỷ cương, quan liêu,
hách dịch, nhũng nhiễu khi giải quyết công việc liên quan đến tổ chức và nhân
dân, gây ra nhiều hệ lụy xấu, làm tổn hại nghiêm trọng cho nền đạo đức công vụ
là văn hóa phục vụ nhân dân của Đảng.
Và thực tế những năm qua, đã có hàng
trăm CB, ĐV thiếu tinh thần trách nhiệm, vi phạm phẩm chất đạo đức, lối sống đã
bị kỷ luật, trong đó, có cả những đảng viên giữ chức vụ lãnh đạo thiếu gương mẫu,
đạo đức, phẩm chất chưa ngang tầm nhiệm vụ, tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm,
cá nhân chủ nghĩa, không hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao và phải chịu
các hình thức kỷ luật đảng như cảnh cáo, cách chức, khai trừ ra khỏi Đảng; bị
pháp luật trừng trị, khởi tố, bắt giam.
Cụ thể từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của
Đảng đến nay, đã kỷ luật hơn 50 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 8 Ủy
viên, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, 20 sĩ quan cấp tướng trong
lực lượng vũ trang. Điều đó đặt ra yêu cầu phải tiếp tục bổ sung, hoàn thiện
chuẩn mực đạo đức của người CB, ĐV đối với công việc để chủ động phòng ngừa,
ngăn chặn các sai phạm của CB, ĐV ngay từ khi mới phát sinh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét