Trong việc đưa các chỉ thị, nghị quyết của Đảng vào cuộc sống,
thì một công việc hệ trọng và thiết thực hiện nay là cán bộ, đảng viên (CB, ĐV)
phải thường xuyên học tập phong cách “Nói phải đi đôi với làm” của Chủ tịch Hồ
Chí Minh, để từ đó luôn đề cao tinh thần tích cực hành động cách mạng vì nước,
vì dân, vì lợi ích chung. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận CB, ĐV hiện nay mắc phải
căn bệnh “tự kiêu, tự đại” nên dẫn đến nói và làm không nhất quán, nói không đi
đôi với làm, hứa nhiều làm ít, mà nguy hại hơn là nói một đằng, làm một nẻo.
Đây là biểu hiện của sự “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” cần phải nhận diện,
kiên quyết đấu tranh loại bỏ.
Nguy hại từ vỏ bọc trá hình
Bàn về vấn đề này, ông cha ta đã đúc kết
“Nói chín thì nên làm mười/Nói mười làm chín kẻ cười người chê” nhằm để răn dạy
thế hệ con cháu sau này biết được, tác hại của việc nói nhiều làm ít sẽ gây ra
hệ lụy xấu.
Thực tiễn cuộc sống hàng ngày cho thấy,
những người giỏi giang sẽ không cần tự chứng minh vì mọi người đều hiểu, giống
như “Cỏ dại ngẩng cao, lúa chín cúi đầu”, luôn thích hành động hơn là lời nói,
âm thầm làm việc khi đại sự hoàn thành, người khác tự khắc công nhận. Đó chính
là kiểu “Nói chín thì làm nên mười”. Tuy nhiên, nói đi đôi với làm không phải
ai cũng có thể thực hiện trọn vẹn mọi nơi, mọi lúc cái điều mình đã nói.
Bởi vì xuất phát từ đạo lý hảo tâm, thiện
chí, có lúc chúng ta muốn làm hoặc hứa làm một điều tốt đẹp nào đó, nhưng rồi
do điều kiện khách quan, chúng ta bỏ lỡ nên day dứt, ân hận vì không thực hiện
được. Đây chính cũng chính là “Hành nan, ngôn dị” một tổng kết sâu sắc của ông
cha ta nói về cái khó trong đạt tới sự nhất quán giữa nói và làm. Còn trong xã
hội phong kiến xưa kia, các bậc quân tử luôn coi trọng ngũ thường là “nhân, lễ,
nghĩa, trí, tín”. Trong đó, biểu hiện cốt lõi của chữ “tín” là “quân tử nhất
ngôn; tứ mã nan truy”. Nghĩa là người quân tử chỉ nói một lời và khi đã nói, đã
hứa thì không bao giờ thay đổi, đã nói là làm.
Nhắc lại điều đó để thấy rằng, thời nào
cũng vậy, nói và làm đều là biểu tượng, hình ảnh, uy tín, danh dự tốt đẹp của mỗi
chúng ta trong xã hội, do vậy phải đề cao, coi trọng và có trách nhiệm giữ gìn,
bảo đảm thống nhất giữa lời nói và hành động. Nhất là trong bối cảnh xã hội
bùng nổ thông tin hiện nay, bất cứ lời nói, phát ngôn nào của CB, ĐV khi đã được
đăng tải công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, thì những “lời hay
ý đẹp” đều trở thành tiêu điểm của dư luận, đồng thời cũng là bằng chứng để người
dân theo dõi, giám sát lời nói và việc làm xem có phù hợp, nhất quán với nhau
hay không.
Và ngược lại, nếu CB, ĐV chỉ nói suông
và phô trương hình thức, thì sẽ để lại hậu quả, tác hại vô cùng nghiêm trọng,
đó là làm phai nhạt niềm tin, bào mòn mối quan hệ máu thịt của quần chúng nhân
dân với Đảng. Bài học đắt giá được dư luận nhắc tới nhiều như trường hợp ông
Nguyễn Xuân Anh, cựu Bí thư Thành ủy Đà Nẵng. Khi mới nhậm chức ông Nguyễn Xuân
Anh đã có những phát ngôn làm nức lòng nhiều CB, ĐV, nhân dân địa phương và thu
hút sự quan tâm của dư luận xã hội, như: “Không có quyền lực ngoài pháp luật”;
“Tiết kiệm là vinh dự, lãng phí là xúc phạm đến lòng tin của dân, tham nhũng là
có tội với nhân dân”…
Thế nhưng ông Nguyễn Xuân Anh lại nói một
đằng, làm một nẻo, để lại nhiều hệ lụy, tai tiếng cho cá nhân, gia đình ông và
gây ra nhiều phiền toái cho cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và nhân dân địa
phương. Trường hợp khác cũng được dư luận nhắc đến là ông Trương Minh Tuấn, cựu
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông. Từng chủ biên cuốn sách “Phòng, chống
“tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” về tư tưởng trong CB, ĐV hiện nay”, nhưng chính
ông lại có những hành vi vi phạm nghiêm trọng những điều đảng viên không được
làm, vi phạm pháp luật Nhà nước.
Qua thực tiễn cho thấy, tổ chức, cá nhân
nào mà mắc căn bệnh nói suông, phô trương hình thức sẽ gây ra hậu quả rất nguy
hại. Cụ thể là thời gian qua báo chí đã phản ánh, nào là từ lễ hội, họp hành,
đón tiếp khách, gặp mặt, liên hoan rầm rộ, tốn kém cả tiền bạc lẫn thời gian,
ví như việc chia tay nguyên giám đốc CDC ở Quảng Ninh về nghỉ hưu gây xôn sao
dư luận về sự xa hoa, tốn kém là một ví dụ điển hình; hay cho đến xây dựng trụ
sở cơ quan hoành tráng, mua sắm xe công đắt tiền ở một huyện miền núi mà truyền
thông đã đề cập. Ở phạm vi nhỏ hơn, trong một số gia đình CB, ĐV mắc căn bệnh
phô trương, các công việc như ma chay, cưới hỏi, mừng thọ, mừng sinh nhật thường
được tổ chức rình rang, linh đình gây bức xúc cho dư luận. Do đó, nói mà không
đi đôi với làm, phô trương hình thức là nguyên nhân sinh ra bệnh tự kiêu, tự đại,
dẫn đến suy thoái về phẩm chất đạo đức ở CB, ĐV.
Cách khắc phục thiết thực là tích cực học tập và
làm theo Bác
Không phải sau này, mà ngay từ khi còn
theo học lớp dự bị (préparatoire) Trường tiểu học Pháp ở thành phố Vinh, cậu bé
Nguyễn Tất Thành đã thắc mắc tại sao thực dân Pháp rêu rao khẩu hiệu “Tự do -
Bình đẳng - Bác ái” mà lại đàn áp, bóc lột tàn nhẫn nhân dân Việt Nam? Người đã
nung nấu ý tưởng được làm quen với nền văn minh Pháp để tìm hiểu xem đằng sau
khẩu hiệu ấy ẩn giấu những gì? Vì thế, nước Pháp là điểm dừng chân đầu tiên
trong hành trình tìm đường cứu nước của Người.
Khi trực tiếp chứng kiến cuộc sống ở nước
Pháp, Bác đã vô cùng thất vọng với một nền văn minh mà ở đó “Tự do-Bình đẳng-Bác
ái” chỉ dành cho giai cấp tư sản, còn các tầng lớp nhân dân lao động Pháp cũng
bị bóc lột nặng nề, nghĩa là giữa khẩu hiệu và thực tế không thống nhất với
nhau. Qua đó, Người đã lấy hình ảnh “con đỉa hai vòi” để gán cho chủ nghĩa thực
dân, đế quốc. Trong “Thư gửi các đồng chí Bắc bộ”, ngày 1/3/1947, Bác nêu rõ những
khuyết điểm mà mỗi CB, ĐV phải kiên quyết tẩy sạch, đó là bệnh nói suông, “ham
chuộng hình thức”.
Bác thường xuyên phê phán nghiêm khắc
căn bệnh tai hại này: “Chỉ biết nói là nói, nói giờ này qua giờ khác, ngày này
qua ngày khác. Nhưng một việc gì thiết thực cũng không làm được; nghĩa là chỉ
quen chỉ thị, quen đề xuất, nói rồi quên, nói cao giọng mà không tính đến các
điều kiện thực tế, đến khả năng hành động, thực thi của chính mình. Hình như họ
nói cốt để cho người khác làm, còn chính mình lại không quyết tâm theo đuổi, chỉ
đạo thực hiện đến cùng một công việc nào đó.
Thành ra, có nhiều chủ trương không đi
vào cuộc sống, không đem lại chuyển biến đáng kể trong thực tế...”, đồng thời
Bác nhắc nhở CB, ĐV phải thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư và giữ
vững “tính Đảng”. Muốn làm được điều đó, Bác cho rằng: “Bất kỳ ở từng lớp nào,
giữ địa vị nào, làm nghề nghiệp gì, sự hoạt động của một người trong xã hội có
thể chia làm 3 mặt: 1. Mình đối với mình. 2. Mình đối với người. 3. Mình đối với
công việc”. Vì thế, thực hành “nói đi đôi với làm” cần phải được tiến hành
nghiêm túc trong tất cả các quan hệ đó. Trong cuốn sách “Tổ quốc ta, nhân dân
ta, sự nghiệp ta và người nghệ sĩ”, xuất bản năm 1973 cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng
đã viết: “Bình sinh, Hồ Chủ tịch không thích hình thức, chống nói suông, và rất
coi trọng việc làm thiết thực”.
Thế nên, để khắc phục tình trạng này, cần
đẩy mạnh phong trào tự giác học tập và làm theo Bác về “nói đi đôi với làm”
trong mỗi tổ chức Đảng và CB, ĐV là hết sức cần thiết, mà trước hết phải thực
hiện từ tổ chức Đảng, từ người lãnh đạo đến CB, ĐV, phải đề cao tinh thần đấu
tranh phê bình và tự phê bình, xây dựng cho mình tác phong công tác sâu sát, gần
gũi với nhân dân. Khi phát ngôn, nói năng phải cụ thể, dễ hiểu, thiết thực, bắt
đầu từ nhỏ đến lớn, từ thấp đến cao, từ dễ đến khó.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét