KHÔNG THỂ ĐÁNH ĐỒNG HIỆN TƯỢNG
VỚI BẢN CHẤT, CÁ NHÂN VỚI TẬP THỂ
Lợi dụng vi phạm của một số cán bộ, đảng viên,
các thế lực phản động, thù địch tìm mọi cách hạ thấp uy tín nhằm phủ nhận tiến
tới xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng; gây chia rẽ nội bộ Đảng và làm suy giảm
lòng tin của nhân dân. Đây là thủ đoạn chống phá nguy hiểm cần sớm nhận diện và
đấu tranh loại bỏ.
Thời gian vừa qua, cán bộ lãnh đạo của một số
địa phương đã bị cơ quan chức năng khởi tố, tạm giam do có hành vi vi phạm quy
định của pháp luật. Vi phạm của các cá nhân này đã gây hậu quả rất nghiêm
trọng, thiệt hại lớn cho ngân sách nhà nước, người dân và xã hội; gây dư luận
xấu, làm mất uy tín của tổ chức đảng, chính quyền địa phương.
Việc khởi tố, bắt tạm giam những cá nhân nêu
trên đã thể hiện tinh thần đấu tranh không khoan nhượng của Đảng ta đối với
tham nhũng, tiêu cực và đã nhận được sự đồng tình của dư luận. Tuy nhiên, với
động cơ thiếu trong sáng và góc nhìn phiến diện, các thế lực thù địch, phản
động đã đưa ra những luận điệu sai trái, gây “nhiễu” dư luận. Trên nhiều trang
mạng xã hội xuất hiện luận điệu cho rằng vụ việc bị xử lý là do “đấu đá nội
bộ”. Đặc biệt, một số ý kiến còn lợi dụng vụ việc để bôi nhọ Đảng theo kiểu
“đến người đứng đầu tỉnh còn vi phạm”; từ đó “liên hệ” “gợi mở” nhiều vấn đề
theo hướng đổ lỗi vi phạm của cán bộ, đảng viên là do thể chế, do “Đảng Cộng
sản Việt Nam độc quyền lãnh đạo”… nhằm phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng; kêu
gọi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng.
Trước hết cần khẳng định, việc khởi tố, bắt
tạm giam những cá nhân nói trên là các vụ việc cụ thể được thực hiện sau quá
trình điều tra, xác minh của cơ quan chức năng và phù hợp với các quy định hiện
hành. Vi phạm của họ xuất phát từ việc thiếu tu dưỡng, rèn luyện. Và việc họ bị
xử lý theo các quy định của Đảng, của pháp luật là hệ quả tất yếu. Đây là vi
phạm của cá nhân đảng viên; hoàn toàn không thể đồng nhất với bản chất của Đảng
như các thế lực phản động, thù địch đang cố gắng tuyên truyền, xuyên tạc.
Thực tế cũng cho thấy, công cuộc xây dựng đất
nước thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội là quá trình lâu dài, gian khó,
chưa có trong tiền lệ. Vì vậy, quá trình đó khó có thể tránh khỏi những thiếu
sót, vấp váp, nhất là trong công tác lãnh đạo, quản lý. Trong đội ngũ đông đảo
cán bộ, đảng viên cũng sẽ khó tránh khỏi việc có những người mắc phải những
khuyết điểm, thiết sót, sai lầm. Để hạn chế điều đó, Đảng, Nhà nước ta đã có
những “hàng rào” quy định, luật pháp với những chế tài mạnh mẽ để quản lý, giáo
dục, răn đe, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên vi phạm. Mỗi cán bộ, đảng viên ai
cũng đều phải trải qua quá trình phấn đấu rèn luyện để đạt được những tiêu chí,
tiêu chuẩn về phẩm chất đạo đức, trình độ, năng lực nhất định. Ngay cả khi cán
bộ, đảng viên ở vị trí lãnh đạo có vi phạm thì vẫn bị xử lý nghiêm minh theo
quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Đặc biệt, những biểu hiện cụ thể
của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” được Đảng ta thẳng thắn chỉ ra ở Nghị quyết
Trung ương 4 (khóa XII); các quy định cụ thể về trách nhiệm nêu gương của cán
bộ, đảng viên; Quy định số 37-QĐ/TW, ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung
ương (khóa XIII) về những điều đảng viên không được làm… Đó là những nỗ lực của
Đảng, Nhà nước nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến
chất.
Theo thống kê, chỉ trong 10 năm (giai đoạn
2012-2022), với sự nghiêm khắc trong xử lý kỷ luật đảng, cấp ủy, ủy ban kiểm
tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 2.700 tổ chức đảng, gần 168.000 đảng viên,
trong đó có 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng hoặc liên quan đến tham
nhũng. Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra T.Ư đã kỷ luật hơn
170 cán bộ thuộc diện T.Ư quản lý, trong đó có 33 Ủy viên và nguyên Ủy viên T.Ư
Đảng, hơn 50 sĩ quan cấp tướng. Đặc biệt, tính riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội
XIII của Đảng tới nay, 50 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý đã bị xử lý kỷ
luật, trong đó có 8 Ủy viên, nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, 20 sĩ quan cấp tướng
trong lực lượng vũ trang (1). Song, đây chỉ là những “con sâu làm rầu nồi
canh”; không thể đánh đồng cá nhân với tập thể, không thể đồng nhất những hiện
tượng vi phạm đó với bản chất của Đảng, của chế độ. Sự trong sạch, tinh thần
làm việc hết mình vì dân, vì nước của đại bộ phận cán bộ, đảng viên, của lãnh
đạo Đảng, Nhà nước là cơ sở quan trọng đưa đến những bước phát triển mạnh mẽ của
đất nước ta trong hơn 35 năm qua, kể từ khi công cuộc Đổi mới được Đảng khởi
xướng. Điều đó cũng đã được nhân dân ghi nhận, trân trọng.
Mặt khác, mưu đồ nham hiểm của các thế lực thù
địch, phản động không thể che đậy được khi lợi dụng vi phạm của một số cá nhân,
đảng viên, chúng ra sức tuyên truyền các luận điệu nhằm hạ thấp uy tín nhằm phủ
nhận tiến tới xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng; gây chia rẽ nội bộ Đảng và làm
suy giảm lòng tin của nhân dân. Rõ ràng, mục đích sâu xa của các thế lực thù
địch, phản động là xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, xóa bỏ
chế độ chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Vì vậy, mỗi cán bộ, đảng viên và quần chúng
cần tỉnh táo, đề cao cảnh giác trước các luận điệu phản động, sai trái nói
trên./.
LỢI DỤNG TÔN GIÁO ĐỂ CHỐNG PHÁ
CỦA CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH
Trong giai đoạn hiện nay, thủ đoạn của các thế
lực thù địch chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân ta ngày càng tinh vi, xảo
quyệt. Chúng lợi dụng con đường công khai, hợp pháp để triển khai các hoạt động
xâm phạm lợi ích quốc gia – dân tộc; chúng tìm mọi “mưu ma chước quỷ” hòng xóa
bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, thay đổi thể chế chính trị của đất nước… trong
đó, có chiêu bài lợi dụng vấn đề tôn giáo, đội lốt tôn giáo để thực hiện mưu đồ
chống phá.
Có thể nhận diện các thế lực thù địch, phản
động lợi dụng tôn giáo để chống phá sự nghiệp cách mạng Việt Nam, gồm:
Ở nước ngoài: 1) số đối tượng có tư tưởng
chống phá Việt Nam trong các tổ chức nhân quyền, tôn giáo thế giới, chủ yếu ở
Mỹ và Châu Âu. 2) một số nghị sĩ, chính khách ở các nước TBCN có tư tưởng cực
đoan chống CNXH. 3) các báo, đài phản động chống Việt Nam. 4) các tổ chức phản
động, lưu vong người Việt ở nước ngoài. 5) các tổ chức chống đối trong các tôn
giáo ở hải ngoại.
Ở trong nước: 1) số đối tượng chống đối trong
các tôn giáo (không thừa nhận các tôn giáo, tổ chức tôn giáo được Nhà nước công
nhận). 2) các tổ chức tôn giáo trong các tôn giáo chưa/ không được Nhà nước
công nhận (cả trong 16 tôn giáo và các “hiện tượng tôn giáo mới”, đạo lạ, tà
đạo). 3) các đối tượng phản động, cơ hội chính trị, thoái hóa, biến chất, vi
phạm pháp luật.
Tuy âm mưu, hoạt động lợi dụng tôn giáo để
chống phá có khác nhau, nhưng chúng luôn câu kết, móc nối chặt chẽ với nhau,
cùng hướng đến chiến lược “diễn biến hoà bình”,xác định cácmục tiêu cơ bản,
xuyên suốt là: chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc; kích động đồng bào
các tôn giáo chống lại đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, đối lập họ
với Đảng; làm mất hiệu lực và tính hiệu quả trong hoạt động quản lý của Nhà
nước đối với các lĩnh vực của đời sống xã hội; gây mất ổn định chính trị xã
hội, tạo cớ can thiệp hoặc khi thời cơ đến kích động bạo loạn lật đổ; thúc đẩy
“tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”; làm chệch hướng, tiến tới xoá bỏ vai trò lãnh
đạo của Đảng và lật đổ chế độ XHCN ở Việt Nam.
Theo đó, chúng thường lợi dụng các vấn đề như:
đức tin và sự gắn kết cộng đồng tôn giáo để lôi kéo, tập hợp lực lượng chống
đối; khoét sâu những mâu thuẫn, vấn đề nảy sinh về tôn giáo để chống phá; lợi
dụng những sơ hở, bất cập, yếu kém trong thực hiện công tác tôn giáo và các vấn
đề nhạy cảm được dư luận quan tâm để thổi phồng, xuyên tạc “đặt điều dựng
chuyện”; lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và
các hiện tượng tôn giáo mới, mạng xã hội để công kích, vu khống…
Cụ thể hơn, có thể nhận diện các hoạt động của
chúng ở nước ngoài gồm:Thứ nhất, thu thập thông tin từ những đối tượng phản
động, chống đối trong các tôn giáo, các tổ chức tôn giáo trái pháp luật, không
được Nhà nước công nhận để xuyên tạc tình hình tôn giáo, quan điểm, chính sách
tôn giáo của Đảng, Nhà nước. Trên cơ sở đó, chúng ban hành các đạo luật, báo
cáo, kiến nghị… vu cáo, can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam, kích động
các thế lực thù địch ở trong nước đẩy mạnh các hoạt động chống phá. Thứ hai, tổ
chức các hoạt động chỉ đạo, hỗ trợ các đối tượng phản động, chống đối ở trong
nước tiến hành các hoạt động chống phá. Các tổ chức phản động, lưu vong người
Việt ở nước ngoài và các tổ chức chống đối trong các tôn giáo ở hải ngoại trực
tiếp thực hiện âm mưu, thủ đoạn thâm hiểm này với nhiều hoạt động như: tổ chức
các diễn đàn nhằm xuyên tạc, vu cáo Đảng, Nhà nước ta vi phạm tự do tôn giáo,
dân chủ, nhân quyền, kêu gọi “quốc tế” can thiệp; đẩy mạnh xuyên tạc, chống phá
trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là mạng xã hội; tổ chức các hội
luận, tập huấn, huấn luyện các hoạt động tuyên truyền, biểu tình, gây rối…;
trực tiếp móc nối, hỗ trợ vật chất, tinh thần cho các thế lực thù địch trong
nước.
Là lực lượng chủ yếu, trực tiếp thực hiện âm
mưu chống phá, hoạt động của các thế lực thù địch, phản động ở trong nước tập
trung vào những khía cạnh: Một là, thường xuyên liên kết, câu kết chặt chẽ với
nhau (Hội đồng liên tôn, Bàn tròn đa tôn giáo…) và tiếp nhận, thực hiện sự chỉ
đạo, hỗ trợ của các thế lực thù địch ở nước ngoài. Hai là, đẩy mạnh các hoạt
động soạn thảo, tán phát tài liệu kích động chống phá, cung cấp cho các thế lực
thù địch ở nước ngoài những nội dung sai sự thật, thổi phồng sự kiện. Ba là,
lợi dụng các ngày lễ của tôn giáo, các sự kiện nhạy cảm để kích động, lôi kéo
tín đồ tập trung đông người, gây rối, biểu tình, gây mất an ninh trật tự. Bốn
là, lợi dụng các “hiện tượng tôn giáo mới” để trục lợi, làm lệch chuẩn đạo đức,
văn hóa xã hội, gây hoang mang dư luận và mất ổn định chính trị – xã hội.
Một sự thật hiển nhiên là, các thế lực thù địch, phản động lợi
dụng tôn giáo không phải vì lợi ích của các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ,
cũng không vì “tự do tôn giáo” như chúng thường rêu rao, mà là nhằm thực hiện
mưu đồ chính trị phản động hòng phá hoại sự nghiệp cách mạng của chúng ta. Đây
là điều đi ngược lại lợi ích chân chính của đồng bào có tín ngưỡng, theo tôn
giáo, của các chức sắc, tín đồ tôn giáo mong muốn có cuộc sống “tốt đời đẹp đạo”,
“đồng hành cùng dân tộc”, thực sự hạnh phúc trong một xã hội dân chủ, công
bằng, văn minh.
Âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch,
phản động lợi dụng tôn giáo là một bộ phận của chiến lược “diễn biến hòa bình”,
đặc biệt nguy hiểm đối với cách mạng Việt Nam và đối với chính đồng bào theo
tôn giáo. Nó trực tiếp “đẩy” đồng bào theo tôn giáo về phía đối lập với chính
quyền và cách mạng. Do đó, Đảng ta đã xác định: “Vận động, đoàn kết, tập hợp
các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ sống “tốt đời, đẹp đạo”, đóng góp tích
cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bảo đảm cho các tổ chức tôn giáo
hoạt động theo quy định của pháp luật và hiến chương, điều lệ được Nhà nước
công nhận. Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của
các tôn giáo cho sự phát triển đất nước. Kiên quyết đấu tranh và xử lý nghiêm
minh những đối tượng lợi dụng tôn giáo chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội
chủ nghĩa; chia rẽ, phá hoại đoàn kết tôn giáo và khối đại đoàn kết toàn dân
tộc”(12). Đây là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài trong quá trình xây dựng CNXH ở
nước ta, là yêu cầu cơ bản và cấp bách của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
của nhân dân ta trong tình hình mới, đòi hỏi sự nỗ lực và quyết tâm cao của cả
hệ thống chính trị và toàn xã hội, trong đó có đồng bào theo tôn giáo.
Đấu tranh phòng, chống âm mưu, hoạt động của các thế lực thù
địch, phản động lợi dụng tôn giáo chống phá cách mạng Việt Nam là một bộ phận
của cuộc đấu tranh chống “diễn biến hòa bình”, được tiến hành bằng hệ thống các
giải pháp đồng bộ vừa mang tính cấp bách vừa mang tính lâu dài; kết hợp chặt
chẽ giữa phòng ngừa, ngăn chặn với xử lý nghiêm minh theo pháp luật. Trước mắt,
cần thực hiện tốt các định hướng chủ yếu: tuyên truyền, giáo dục; xác định nội
dung, hình thức, biện pháp; tổ chức thực hiện; điều kiện bảo đảm. Trong đó, chú
trọng nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho toàn xã hội; phát huy sức mạnh tổng
hợp, tổ chức thực hiện “thích ứng” với từng giai đoạn, hoàn cảnh; có cơ chế,
chính sách phù hợp…/.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét