Thứ Ba, 3 tháng 10, 2023

Mối nguy hại từ căn bệnh ba hoa: “Nhất ta nhì người”

Cán bộ, đảng viên (CB, ĐV) mắc phải căn bệnh ba hoa thường tỏ ra “cái gì cũng biết”. Nhưng thực tế, đây là bộ phận CB, ĐV thiếu kiến thức, kinh nghiệm, thiếu lý luận chính trị, tự trói mình vào tầm nhìn phiến diện, xa rời thực tế khách quan. Nguy hiểm hơn nó còn là nguồn cơn của sự mất đoàn kết nội bộ, vì những CB, ĐV này thích khai thác hạn chế của người khác để làm điểm mạnh cho mình, tôn thờ chủ nghĩa cá nhân.

Thích khoe khoang dẫn đến “tự cao, tự đại”

Để các chỉ thị, nghị quyết, chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến được với quần chúng nhân dân, thì công tác tuyên truyền có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, vai trò trách nhiệm của CB, ĐV trong công tác tuyên truyền ấy được thể hiện qua cách nói và viết. Nói và viết là hai kỹ năng cơ bản mà mỗi CB, ĐV sử dụng để tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tới người dân. Trong từng giai đoạn cách mạng, mà nhiệm vụ chính trị khác nhau, trình độ nhận thức của nhân dân có sự phát triển khác, vì vậy đòi hỏi cách nói, cách viết của CB, ĐV phải không ngừng đổi mới. 

Tuy nhiên, ở đâu đó chúng ta vẫn dễ dàng bắt gặp, như trong các buổi học tập, quán triệt nghị quyết, hay hội nghị tổng kết công tác năm, những người chủ trì hoặc báo cáo viên được phân công phụ trách khi đứng lên bục là bắt đầu “thao thao bất tuyệt” khéo léo khoe khoang đủ thứ, nào là trình độ học vấn bản thân, gia đình, dòng họ, quen biết người này người kia, đi đây đi đó; sưu tầm đủ chuyện đông tây kim cổ, kể lể dông dài, miễn sao mọi người biết đến mình, nhất mình là được. Còn nội dung cần truyền đạt thì chuẩn bị qua loa, đại khái, truyền đạt dài dòng ru ngủ, thiếu thực tiễn. Kết quả nhiều CB, ĐV và quần chúng nhân dân khi học xong, hỏi hôm nay học gì cũng không nắm được, giỏi lắm cũng chỉ nắm lơ mơ. Còn trong cuộc sống hằng ngày, nhất là lúc “trà dư tửu hậu” những CB, ĐV này lại lấy điểm yếu của người khác làm câu chuyện của mình, ném đá, phát ngôn tùy tiện, dẫn tới nghi ngờ, chia rẽ mất đoàn kết nội bộ. 

Ông cha ta thường nói “thùng rỗng kêu to” để ám chỉ, phê phán những người trình độ hiểu biết, năng lực hạn chế nhưng lại thích khoe khoang, huênh hoang, khoác loác, làm như ta đây giỏi lắm. Những CB, ĐV mắc căn bệnh ba hoa, họ luôn tỏ ra vẻ ta đây cái gì cũng biết, hễ làm được việc gì có chút thành công thì khoe khoang vênh váo, ai cũng không bằng mình. Không thèm học hỏi người khác, không muốn cho người khác phê bình góp ý, tự cho mình là nhất. Từ đó sinh ra bảo thủ, trì trệ, không chịu đổi mới, không muốn đổi mới. CB, ĐV mà ba hoa thường tập hợp quanh mình nhiều người nịnh bợ và tán dương sự hào nhoáng bề ngoài dẫn tới hình thành “cánh hẩu-lợi ích nhóm” tham ô, tham nhũng. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã thẳng thắn chỉ ra rất nhiều biểu hiện suy thoái liên quan tới bệnh ba hoa trong cách nói, cách viết, cách làm: Trung bình chủ nghĩa, làm việc qua loa, đại khái, kém hiệu quả. Nói không đi đôi với làm; hứa nhiều làm ít. Nói và viết không đúng với quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước… Cá nhân chủ nghĩa, sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi. 

Chữa bệnh ba hoa theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, xuất bản năm 1947 có 6 nội dung chính: “Phê bình và sửa chữa”, “Mấy điều kinh nghiệm”, “Tư cách và đạo đức cách mạng”, “Vấn đề cán bộ”, “Cách lãnh đạo” và cuối cùng là nội dung “Chống thói ba hoa”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đúc kết: “Khuyết điểm có nhiều thứ. Chúng ta có thể chia tất cả các khuyết điểm vào ba hạng: Khuyết điểm về tư tưởng, tức là bệnh chủ quan. Khuyết điểm về sự quan hệ trong Đảng với ngoài Đảng, tức là bệnh hẹp hòi. Khuyết điểm về cách nói và cách viết, tức là ba hoa. Đó là ba chứng bệnh rất nguy hiểm”. Khuyết điểm về tư tưởng, thuộc phạm trù nhận thức. Còn hẹp hòi và ba hoa, như cách phân tích của Bác, thuộc về hành động. Ba hoa không chỉ là bệnh mang màu sắc cá nhân chủ nghĩa, mà còn là mối đe dọa tới sự trong sạch, vững mạnh của tổ chức Đảng.

Bác cũng đưa ra “liều thuốc chữa thói ba hoa” và yêu cầu mỗi CB, ĐV phải hiểu, phải nhớ và phải thực hành. Đó là: Phải học cách nói của quần chúng. Chớ nói như cách giảng sách. Mỗi tư tưởng, mỗi câu nói, mỗi chữ viết, phải tỏ rõ cái tư tưởng và lòng ước an của quần chúng. Phải luôn luôn dùng những lời lẽ, những thí dụ giản đơn, thiết thực và dễ hiểu. Khi viết, khi nói, phải luôn luôn làm thế nào cho ai cũng hiểu được. Làm sao cho quần chúng đều hiểu, đều tin, đều quyết tâm theo lời kêu gọi của mình. Bao giờ cũng phải tự hỏi: “Ta viết cho ai xem? Nói cho ai nghe? Chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói, chớ viết. Trước khi nói, phải nghĩ cho chín, phải sắp đặt cẩn thận. Sau khi viết rồi, phải xem đi xem lại ba, bốn lần. Nếu là một tài liệu quan trọng, phải xem đi xem lại chín, mười lần. Làm được như thế thì thói ba hoa sẽ bớt dần dần cho đến khi hoàn toàn hết sạch mà công việc của Đảng, tư cách của cán bộ và đảng viên sẽ do đó mà tăng thêm.

Vì vậy, trong công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng hiện nay, đối với mỗi CB, ĐV cần nêu cao tinh thần khiêm tốn, thật thà, chân thành, luôn tôn trọng người khác, coi trọng việc học tập để nâng cao trình độ hiểu biết mọi mặt, đáp ứng yêu cầu công việc và vị trí công tác của bản thân. Nhất là học cách tư duy, cách nói, cách viết sao cho khi truyền đạt quần chúng nhân dân nắm nhanh, hiểu sâu, nhớ lâu những gì mình cần truyền đạt. Đối với cấp ủy, tổ chức Đảng cần tăng cường quản lý, giao nhiệm vụ cho CB, ĐV theo hướng đúng người đúng việc, khắc phục kiểu làm việc không thiết thực, qua loa, làm cho xong, làm ít nói nhiều. Thường xuyên kiểm tra, giám sát, thực hiện nghiêm quy định về kỷ luật phát ngôn đối với CB, ĐV, đi đôi với xử lý nghiêm những trường hợp nói, viết không đúng với Chỉ thị, Nghị quyết, đường lối lãnh đạo của Đảng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét