Từ khi thành lập Đảng đến nay, việc
phát triển đảng viên mới diễn ra thường xuyên ở tất cả các tổ chức Đảng. Đó là
quy luật, không những tăng thêm sinh lực, sức chiến đấu mà còn bảo đảm tính kế
thừa và phát triển của Đảng ta. Vì vậy, để đứng trong hàng ngũ của Đảng, đòi hỏi
người xin vào Đảng phải có động cơ phấn đấu đúng đắn, trong sáng, chấp nhận mọi
gian khổ, hy sinh vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì lợi ích của nhân dân.
Sáng động cơ, hồng chân lý
Hàng năm, vào các dịp kỷ niệm ngày thành lập Đảng (3/2), ngày sinh
Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5), Quốc khánh (2/9) và ngày Cách mạng tháng 10 Nga
(7/11) là các tổ chức Đảng lại tiến hành xem xét, lựa chọn những quần chúng ưu
tú để phát triển đứng trong hàng ngũ của Đảng. Là đảng viên, ai cũng vui mừng
trước những thông tin Đảng phát triển được nhiều đảng viên mới ở mọi lĩnh vực,
như: Trí thức, sinh viên, lực lượng vũ trang, người lao động trực tiếp sản
xuất… Ngược lại, chúng ta thật đau lòng khi nghe nơi này nơi kia đảng viên bị
kỷ luật, thậm chí bị khai trừ khỏi Đảng, hoặc bị xử lý hình sự.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Vì sao chúng ta vào Đảng? Phải
chăng để thăng quan, phát tài? Không phải! Trước đây Đảng còn hoạt động bí mật,
các đồng chí chúng ta vào Đảng, chỉ một lòng một dạ làm cách mạng. Bọn đế quốc,
phong kiến bắt bớ, cầm tù, xử tử rất nhiều cán bộ, đảng viên của Đảng, nhưng
các đồng chí chúng ta vẫn hăng hái hoạt động. Có những đồng chí như: Trần Phú,
Nguyễn Văn Cừ, Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai, Hoàng Văn Thụ và rất nhiều
đồng chí khác đã anh dũng hi sinh cho Đảng, cho cách mạng. Chúng ta vào Đảng là
để hết lòng hết sức phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, làm trọn nhiệm vụ của
người đảng viên…”. Tự nguyện phấn đấu vào Đảng chính là tự nguyện dấn thân theo
lý tưởng cách mạng, chấp nhận hy sinh, không sợ khó, sợ khổ, quyết tâm theo
đuổi đến cùng con đường dẫn đến mục tiêu chủ nghĩa xã hội. Do đó, xây dựng động
cơ vào Đảng đúng đắn là điều kiện có ý nghĩa tiên quyết, quyết định đến sự
trưởng thành lớn mạnh của tổ chức Đảng và đảng viên. Nuôi dưỡng động cơ phấn
đấu để mỗi người hiểu rõ hơn, vào Đảng là để đứng trong một tổ chức tự nguyện
của những người cùng chung một chí hướng, đấu tranh xây dựng một xã hội mới tốt
đẹp, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, vững
bước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Muốn được đứng trong hàng ngũ của Đảng thì trước tiên mỗi quần
chúng ưu tú cần phải tự nguyện, không ngừng rèn luyện bản lĩnh chính trị, phẩm
chất đạo đức cách mạng, kiên định mục tiêu, lý tưởng của Đảng, dù trong bất kỳ
tình huống khó khăn nào cũng không dao động, giảm sút niềm tin và ý chí chiến
đấu, phải trung thành với lợi ích của Đảng, với lợi ích của nhân dân, suốt đời
trung thành, tận tâm, tận lực phục vụ cho Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Thực tiễn
cho thấy, với những người vào Đảng có động cơ không trong sáng thì khi đã đứng
trong hàng ngũ của Đảng chắc chắn sẽ "quay lưng", phản bội lại Đảng
khi có cơ hội. Điều đó là hết sức nguy hiểm cho sự trong sạch, vững mạnh của
Đảng. Nên ngay từ khi hình thành động cơ phấn đấu, phải thể hiện rõ khí tiết
của người cách mạng là “giàu sang không quyến rũ, nghèo khó không thể chuyển
lay, uy vũ không thể khuất phục”. Đây chính là nét nổi bật của người đảng viên
chân chính, mẫu mực không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ mà phải gương mẫu đi đầu
trong mọi điều kiện hoàn cảnh cuộc sống.
Tạo nguồn phát triển Đảng
Đối với công tác tạo nguồn phát triển Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh
yêu cầu các tổ chức Đảng phải có kế hoạch trong từng thời kỳ, bảo đảm đáp ứng
được yêu cầu nhiệm vụ lãnh đạo cách mạng của Đảng; phải tiến hành thật tích
cực, chủ động, không bị động, ỷ lại ngồi chờ người có đủ điều kiện rồi kết nạp
theo lối ăn sẵn, phải gây dựng, đẩy mạnh phong trào cách mạng để trên cơ sở đó
mà phát hiện, tìm hiểu, tuyên truyền, giáo dục và rèn luyện các phần tử tích
cực, nâng cao dần trình độ của họ từ thấp đến cao, tạo cho họ có đủ điều kiện
trở thành người đảng viên.
Vậy nên, để công tác tạo nguồn, bồi dưỡng kết nạp đảng viên hiện
nay đạt hiệu quả, các cấp ủy, tổ chức Đảng cần căn cứ quy định của Đảng và tình
hình cụ thể, đề ra chiến lược phát triển Đảng lâu dài. Thường xuyên làm tốt
công tác lãnh đạo các đoàn thể, nhất là Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thực hiện tuyên
truyền, giáo dục, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, xây dựng động cơ, ý thức trách
nhiệm cho đoàn viên, hội viên phấn đấu để được đứng vào hàng ngũ của Đảng; phát
động các phong trào thi đua yêu nước, phong trào thi đua quyết thắng ở các đơn
vị, địa phương để lựa chọn những cá nhân ưu tú giới thiệu cho tổ chức Đảng xem
xét kết nạp vào Đảng. Tiếp tục đẩy mạnh công tác thẩm tra, xác minh các hồ sơ
có liên quan đến lịch sử chính trị hiện nay của quần chúng phục vụ cho công tác
phát triển đảng viên. Mặt khác, các cấp ủy, tổ chức Đảng cần phân công những
đảng viên có kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, xây dựng Đảng, cũng như giàu
kinh nghiệm trong công tác, lĩnh vực chuyên môn, kèm cặp, bồi dưỡng, giúp đỡ
quần chúng ưu tú, tạo động lực để quần chúng ưu tú rèn luyện, phấn đấu vào Đảng.
Trong quá trình bồi dưỡng, giúp đỡ, chi bộ cần xác định rõ trách nhiệm cho
những đảng viên làm nhiệm vụ giới thiệu người vào Đảng ngay từ trước khi kết
nạp, để người giúp đỡ đó có đủ thời gian xem xét lý lịch người mình giới thiệu,
bồi dưỡng cho họ nhận thức về Đảng và trong cả thời gian dự bị, người giới
thiệu vẫn có trách nhiệm giáo dục, giúp đỡ đảng viên mới trở thành đảng viên
chính thức.
Đối với những chi bộ, đảng bộ gặp khó khăn trong phát triển Đảng,
như khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, các khu công nghiệp, khu chế xuất,
cần quan tâm, tạo việc làm tại chỗ cho lao động trẻ tại địa phương, để thanh
niên tham gia làm kinh tế, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, các phong
trào thi đua nhằm thu hút đoàn viên thanh niên, từ đó phát hiện những nhân tố
tích cực để bồi dưỡng, tạo nguồn phát triển Đảng. Có như vậy, công tác phát
triển Đảng mới ngày càng đi vào chiều sâu và chất lượng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét