Một số giải pháp ngăn chặn, đẩy lùi âm mưu
chống phá của các thế lực thù địch,
phản động trên môi trường mạng xã hội
Xác định rõ vai trò, tầm quan trọng
đặc biệt của việc đấu tranh, phản bác những luận điệu xuyên tạc của các thế
lực thù địch trên môi trường mạng xã hội, góp phần quan trọng vào sự
nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, Đảng và Nhà nước
cũng đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị nhằm tăng cường năng
lực quản trị an ninh mạng, trong đó có các nghị quyết quan trọng như: Nghị
quyết số 28-NQ/TW ngày 25-10-2013 của BCH Trung ương Đảng khóa XI về
Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; Nghị quyết số
29-NQ/TW ngày 25-7-2018 của Bộ Chính trị khóa XII về Chiến lược bảo vệ
Tổ quốc trên không gian mạng; Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 25-7-2018 của Bộ
Chính trị khoá XII về Chiến lược an ninh mạng quốc gia; Nghị quyết số 33-NQ/TW
ngày 28-9-2018 của Bộ Chính trị khoá XII về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc
gia, Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22-10-2018 của Bộ Chính trị về tăng cường bảo
vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù
địch trong tình hình mới… Trong những năm tiếp theo, tình hình quốc tế, khu
vực và trong nước, bên cạnh những thuận lợi sẽ còn có những diễn
biến phức tạp, khó lường, làm xuất hiện những khó khăn, thách
thức mới. Các thế lực thù địch sẽ triệt để lợi dụng những khó
khăn đó để đẩy mạnh quá trình thực hiện chiến lược “diễn biến
hòa bình”, chống phá cách mạng Việt Nam. Vì vậy, để ứng phó, đẩy lùi âm
mưu chống phá của các thế lực thù địch, phản động trên không gian mạng xã hội
hiện nay, cần thực hiện một số giải pháp như sau:
Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng,
nâng cao hiệu lực quản lý của Nhà nước đối với nhiệm vụ bảo vệ an
ninh mạng. Hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý
không gian mạng quốc gia phù hợp với xu thế phát triển, tạo môi
trường không gian mạng lành mạnh.
Trong tình hình mới, để quản lý tốt,
cần có sự phối, kết hợp đồng bộ, thống nhất và phù hợp của các tổ
chức, cơ quan quản lý nhà nước và các bộ, ban, ngành, địa phương
về bảo vệ an ninh, an toàn thông tin, chủ quyền quốc gia trên không
gian mạng. Đồng thời, các cơ quan quản lý cần xây dựng, bổ sung, hoàn thiện hệ
thống cơ chế, chính sách đồng bộ, tạo hành lang pháp lý đầy đủ, minh bạch, bảo
đảm môi trường mạng xã hội lành mạnh, trong sạch. Cần có các giám sát phù
hợp với các công ty đang hoạt động trên môi trường in-tơ-nét, đặc
biệt là các doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ mạng xã hội và truyền
thông xã hội; có các điều kiện trong quản lý các hoạt động trên
in-tơ-nét đảm bảo chủ quyền, lợi ích và an ninh quốc gia. Bên cạnh
đó, cần tổ chức các hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý
việc thực hiện các quy định của pháp luật.
Cần có chế tài và biện pháp xử lý nghiêm
minh, có tính răn đe để cảnh báo cũng như kịp thời xử lý nghiêm những hành vi
vi phạm. Có biện pháp ngăn chặn và đẩy lùi những trang mạng có nội dung xấu
độc, chống phá Đảng, Nhà nước, kết hợp với chủ động cung cấp thông tin, tăng
cường giải thích, đối thoại, tháo gỡ khó khăn kịp thời những khó khăn, vướng
mắc của nhân dân. Khắc phục hiệu quả những hạn chế, bất cập, không
để hình thành “điểm nóng”, tiêu cực trên mạng xã hội.
Thứ hai, nhìn nhận đúng tính chất hai mặt của mạng xã hội, nhất là
mặt tiêu cực để đưa ra giải pháp ngăn chặn có hiệu quả những hành vi lợi
dụng mạng xã hội để tác động đến ổn định chính trị; nâng cao nhận
thức, trách nhiệm và ý thức cho người sử dụng.
Để phát huy thế mạnh cũng như ngăn ngừa,
khắc phục những mặt tiêu cực của mạng xã hội, cần phải nhìn nhận đúng về
mạng xã hội ở cả hai mặt tích cực và tiêu cực, nhận diện và quản
lý những tác nhân gây ảnh hưởng để có phương thức ứng xử phù hợp với
tinh thần chủ động, tích cực, linh hoạt, an toàn, hiệu quả. Chú trọng tăng
cường các biện pháp tuyên truyền nâng cao hiểu biết pháp luật, ý
thức, trách nhiệm khi tham gia các nền tảng mạng xã hội cho người dùng.
Tiếp tục thực hiện tốt Luật An ninh mạng năm 2018, Quy tắc sử dụng mạng xã hội
của người làm báo Việt Nam (của Hội Nhà báo Việt Nam), Bộ Quy tắc ứng xử trên
mạng xã hội (theo Quyết định số 874/QĐ-BTTTT, ngày 17-6-2021, của Bộ Thông tin
và Truyền thông). Đặc biệt, giáo dục định hướng giá trị để người dân
khi sử dụng mạng xã hội, trong đó hết sức quan tâm đến lực lượng thanh,
thiếu niên - là lực lượng tích cực nhất trên các mạng xã hội có ý thức cảnh
giác, chủ động kiểm chứng thông tin để nhận diện đúng - sai, nâng cao
“sức đề kháng” để có thể bảo vệ những giá trị của bản thân, của cộng đồng và
dân tộc trước những thông tin không chính xác, dung tục, phản cảm, thông
tin có ý đồ xấu.
Kịp thời chấn chỉnh trật tự, kỷ
cương, chủ động đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái phá hoại
nền tảng tư tưởng của Đảng ta. Cần xử lý nghiêm minh các hành vi lợi dụng
mạng xã hội phát tán thông tin sai lệch, có nội dung xấu, độc, sai sự thật về
Đảng, Nhà nước và chế độ. Có biện pháp ngăn chặn, triệt phá, vô hiệu hóa các
thông tin xấu, độc, sai sự thật trên các nền tảng mạng xã hội.
Thứ ba, sử dụng ưu thế của mạng xã hội trở thành phương tiện,
cách thức hữu hiệu đấu tranh, phản bác thông tin sai lệch.
Cần tận dụng, phát huy vai trò tích cực
của mạng xã hội để đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Các cơ
quan chức năng cần chủ động cung cấp kịp thời các thông tin chính thống, mang
tính định hướng để chủ động “phản bác” thông tin sai lệch, giành ưu thế trong
cuộc chiến tranh mạng. Lựa chọn một số luận điểm, có ảnh hưởng tư
tưởng lớn, từ đó chủ động đấu tranh với nhiều hình thức phong phú.
Sử dụng ngôn từ chuẩn xác, lập luận mạch lạc, khúc chiết.
Phát huy vai trò của các cá nhân và tổ
chức, nhất là những người điều hành website, blog, fanpage, các nhân vật
nổi tiếng, có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội, có khả năng thu hút người xem,
nghe, bình luận, chia sẻ để xây dựng môi trường không gian mạng lành
mạnh. Tăng cường và đa dạng hoá các hình thức truyền tải các thông tin tích
cực về thành tựu trong công cuộc đổi mới đất nước; những tấm gương người tốt,
việc tốt; những giá trị truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc nhằm lan toả
những điều tích cực đến mọi người với phương châm “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”,
ngăn chặn, đẩy lùi những tác động tiêu cực trước các quan điểm sai trái, thù
địch.
Mở các diễn đàn, hội, nhóm, tạo ra lực
lượng bảo vệ đông đảo chiếm ưu thế trên không gian mạng. Xây dựng hình
ảnh, video clip về các nội dung tích cực để giành thế chủ động, kịp thời, hiệu
quả. Không để chúng lợi dụng mạng xã hội tuyên truyền các luận điệu sai trái,
thù địch. Mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên tham gia mạng
xã hội phải giữ vai trò là lực lượng nòng cốt đăng tải, chia sẻ,
lan tỏa thông tin tích cực và xem đây là giải pháp thường xuyên,
lâu dài.
Thứ tư, cần chú trọng đầu tư kinh phí cho hoạt động đấu tranh
phản bác các luận điệu sai trái, thù địch trên không gian mạng. Tăng cường ứng
dụng các giải pháp công nghệ, kỹ thuật số để phòng ngừa, phát hiện, xử
lý kịp thời các thông tin sai sự thật, xấu, độc có ảnh hưởng đến
ổn định chính trị, xã hội.
Nâng cao nhận thức đối với hệ thống
chính trị và toàn thể nhân dân, đặc biệt là các lực lượng nòng
cốt bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng. Có chính sách thu
hút, trọng dụng và đãi ngộ đối với các chuyên gia an ninh mạng, học sinh, sinh
viên chuyên ngành an toàn thông tin, an ninh mạng.
Thứ năm, tăng cường, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế trên lĩnh
vực công nghệ thông tin, an ninh mạng.
Tăng cường hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm
với các quốc gia, tổ chức trên thế giới về xây dựng chính sách, thể chế quản
lý và thúc đẩy ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin và an
toàn, an ninh thông tin, phòng, chống chiến tranh thông tin trên không
gian mạng. Tranh thủ sự giúp đỡ của các nước và tập đoàn công nghệ
lớn trên thế giới để ngăn chặn, gỡ bỏ các thông tin xấu, độc; thu hút đầu
tư, tài trợ quốc tế trong việc xây dựng không gian mạng an toàn,
lành mạnh. Chú trọng công tác hợp tác quốc tế về đào tạo, bồi dưỡng
nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin, an
ninh mạng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét