Thứ Năm, 5 tháng 10, 2023

Nhiều chính sách hiệu quả giúp kinh tế vượt khó

     Nội dung bàn và cho ý kiến kết luận về tình hình kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước năm 2023, kế hoạch năm 2024 trong chương trình Hội nghị Trung ương tám khóa XIII của Đảng đang thu hút sự quan tâm của toàn xã hội. Vừa qua, trong lúc nền kinh tế Việt Nam gặp nhiều thách thức do khó khăn chung của kinh tế thế giới, đã có nhiều giải pháp chính sách mang lại hiệu quả. Do đó, cán bộ, đảng viên và nhân dân trông đợi Hội nghị Trung ương tám sẽ đưa ra định hướng chính sách giúp nền kinh tế Việt Nam tiếp tục vượt khó, lấy lại nhịp độ tăng trưởng cao trong thời gian tới.

Kết quả kinh tế-xã hội 9 tháng cho thấy nhiều điểm sáng. Đầu tiên, tăng trưởng GDP quý III-2023 đạt 5,33%. Trong bối cảnh khó khăn, con số không phải quá cao, nhưng rất tích cực trong thời điểm này, qua đó đóng góp vào tăng trưởng GDP 9 tháng là 4,24%. Đáng chú ý, kết quả này được tăng trên nền tăng trưởng GDP quý III-2022 rất cao. Điều này cho thấy, nền kinh tế dần lấy lại đà tăng trưởng, quý sau tăng nhanh hơn quý trước, tháng sau tích cực hơn tháng trước. Nếu so sánh với các nước trong khu vực, các nước trên thế giới thì tăng trưởng của Việt Nam là khá cao.

Điểm nhấn trong bức tranh kinh tế-xã hội 9 tháng năm 2023 là công tác điều hành linh hoạt, hiệu quả của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về chính sách tiền tệ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn thuận lợi, điều hành tỷ giá phù hợp, bảo đảm tính thanh khoản của toàn hệ thống. Tiếp theo là kiểm soát lạm phát, giải ngân đầu tư công. Giải ngân vốn đầu tư công sau 9 tháng đạt hơn 51% là kết quả rất đáng khích lệ. Lần đầu tiên, kết quả giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng đạt được hơn 50%. Đặc biệt, trong năm nay khi bối cảnh thế giới nhiều biến động thì đất nước đã đạt nhiều kết quả rất tốt về đối ngoại. Đây là nội dung rất quan trọng trong điều hành kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng cả năm.

Tại phiên họp Chính phủ vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cập nhật các kịch bản tăng trưởng GDP năm 2023 lần lượt là 5%; 5,5%; 6% để có những giải pháp điều hành phù hợp. Chính phủ đã đặt mục tiêu phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng cao nhất trong năm 2023. Thời gian tới, nền kinh tế tiếp tục gặp những khó khăn, thách thức. Đó là, tình hình kinh tế thế giới có những diễn biến, tác động khó lường. Điển hình như, tình hình lạm phát, giá cả năng lượng, lương thực... cũng như cách ứng xử về chính sách tài khóa tiền tệ của các nền kinh tế lớn hiện nay rất khó đoán định.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải thích ứng với các tiêu chí xanh, tiêu chí phát triển bền vững của các nhà nhập khẩu... Do vậy, vấn đề của chúng ta là nắm chắc tình hình kinh tế thế giới để có cách ứng xử phù hợp. Trong quý IV, các động lực chính của nền kinh tế cũng phải tạo ra được các đột phá. Đó là tạo đột phá trong sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo. Bên cạnh đó, trong dịp cuối năm sẽ có sự gia tăng nhu cầu tại các thị trường xuất khẩu lớn, chủ lực của Việt Nam. Hoạt động du lịch, tiêu dùng trong nước trong dịp cuối năm và cận kề Tết Nguyên đán 2024 cũng sẽ gia tăng, là cơ sở để các động lực chính như xuất khẩu, thị trường trong nước tăng trưởng nhanh hơn.

Trong những tháng đầu năm 2023, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp. Kinh tế toàn cầu phục hồi chậm, nhiều quốc gia vẫn thắt chặt chính sách tiền tệ và duy trì xu hướng tăng lãi suất. Giá dầu tăng cao, xung đột, thiên tai, biến đổi khí hậu... tác động tiêu cực đến chuỗi cung ứng, giá cả hàng hóa và dòng vốn đầu tư toàn cầu. Là nền kinh tế có độ mở lớn, Việt Nam cũng chịu những tác động lớn từ bên ngoài. Trong bối cảnh như vậy, thực hiện sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và trên cơ sở bám sát diễn biến vĩ mô trong và ngoài nước, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã lãnh đạo, chỉ đạo toàn hệ thống ngân hàng thực hiện các giải pháp để góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối và đặc biệt chú trọng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân trong tiếp cận vốn vay.

Liên quan đến vấn đề tiếp cận tín dụng và tăng khả năng hấp thụ vốn cho nền kinh tế, trong 9 tháng năm 2023, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành 11 văn bản chỉ đạo về các giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng đối với một số đối tượng, ngành, lĩnh vực; về vấn đề lãi suất, phí dịch vụ ngân hàng. Với nhiều nỗ lực, tăng trưởng tín dụng chung toàn quốc đã có chuyển biến tích cực, tháng sau cao hơn tháng trước. Đến ngày 29-9-2023 tăng trưởng tín dụng tăng 6,92% so với cuối năm 2022. Tín dụng đối với một số lĩnh vực ưu tiên tăng trưởng cao.

Trong thời gian tới, để góp phần đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, bên cạnh các giải pháp của các bộ, ngành, địa phương, ngành ngân hàng tiếp tục tích cực triển khai: Thực hiện các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng nhằm mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, gắn việc đầu tư tín dụng ngân hàng để thực hiện các chương trình, dự án theo quy hoạch của các địa phương. Tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ khách hàng, chỉ đạo tổ chức tín dụng tích cực triển khai các nhiệm vụ của ngành ngân hàng tại Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, trọng tâm là Chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách nhà nước 40.000 tỷ đồng qua hệ thống ngân hàng thương mại; các chương trình mục tiêu quốc gia; các chương trình, chính sách tín dụng đặc thù đối với một số ngành, lĩnh vực theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ...

Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ chỉ đạo các ngân hàng thương mại tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong tiếp cận tín dụng, tiếp tục tiết giảm chi phí điều hành và các giải pháp khác để có điều kiện tiếp tục giảm lãi suất cho vay đối với cả khoản vay mới và dư nợ hiện hữu. Tích cực rà soát, cắt giảm phí nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, người dân; chủ động xây dựng các chương trình, sản phẩm tín dụng với lãi suất hợp lý, đáp ứng linh hoạt nhu cầu của nhiều đối tượng, phân khúc khách hàng.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét