Thứ Năm, 5 tháng 10, 2023

BẢO VỆ AN NINH QUỐC GIA TRONG TÌNH HÌNH MỚI


Quan điểm về bảo vệ ANQG là bộ phận đặc biệt quan trọng trong hệ thống quan điểm lãnh đạo cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Quan điểm này không ngừng được bổ sung, phát triển, hoàn thiện, tạo cơ sở quan trọng để thống nhất nhận thức, hành động trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Trước những thay đổi chiến lược mang tính toàn cầu, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ, toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, trên cơ sở tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 (khóa VIII), ngày 5/9/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 51-NQ/TW về Chiến lược bảo vệ ANQG, tiếp tục hoàn thiện quan điểm về bảo vệ ANQG trong tình hình mới.

Qua đó, khẳng định quan điểm nhất quán, xuyên suốt: ANQG là sự vững mạnh, trường tồn của Đảng, sự ổn định, phát triển bền vững về mọi mặt của đất nước, chế độ xã hội chủ nghĩa và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; sự ổn định về chính trị, biên giới, chủ quyền lãnh thổ quốc gia và an ninh, an toàn của xã hội. Công tác bảo vệ ANQG phải đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý thống nhất của Nhà nước; là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, của các cấp, các ngành.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Đảng ta tiếp tục phát triển quan điểm, khẳng định tư duy và định hướng xa hơn, toàn diện hơn trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANQG. Về tầm nhìn chiến lược, Đảng ta đã hoạch định đường lối xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Về tư duy nhận thức, Đảng ta xác định mục tiêu, quan điểm, phương hướng, phạm vi, kế sách, tiềm lực, kết hợp quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại, phát triển lý luận và xây dựng lực lượng nòng cốt bảo vệ ANQG.

          Đảng ta đã đặc biệt coi trọng và nhấn mạnh: Bảo vệ an ninh, an toàn là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu của đất nước và trong cuộc sống của người dân. Bổ sung, phát triển toàn diện và sâu sắc hơn nội hàm, mục tiêu bảo vệ Tổ quốc, gồm cả bảo vệ "ANQG, an ninh con người; xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh". Đây là quan điểm nhân văn, tiến bộ của Đảng, luôn đặt con người vào vị trí trung tâm của sự phát triển, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong tổng thể đường lối phát triển đất nước mà Đại hội XIII của Đảng đề ra, tăng cường an ninh, quốc phòng bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa tiếp tục được xác định là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng, Nhà nước, của toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị; là bộ phận đặc biệt quan trọng trong hệ thống quan điểm, đường lối lãnh đạo cách mạng của Đảng, là "kim chỉ nam" trong thực hiện nhiệm vụ chiến lược bảo vệ ANQG, bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Những khó khăn, thách thức liên quan đến bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích quốc gia - dân tộc trên Biển Đông. Trung Quốc quyết liệt triển khai các hoạt động nhằm “độc chiếm Biển Đông”, cơ bản thiết lập khả năng kiểm soát trên thực tế ở biển Đông, chiếm ưu thế và chủ động chiến lược trên thực địa, tạo nguyên trạng mới ở biển Đông, khiến không gian chiến lược biển và nguồn lợi kinh tế biển của Việt Nam bị thu hẹp. Hiện nay Trung Quốc đang gia tăng sức ép toàn diện đối với hoạt động dầu khí trên biển của Việt Nam, mục tiêu biến vùng không có tranh chấp thành khu vực có tranh chấp, xâm phạm ngày càng nghiêm trọng hơn quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam tại Biển Đông, tác động tiêu cực đến các hoạt động kinh tế trên biển, đời sống của ngư dân ven biển.

Những thách thức, nguy cơ đối với an ninh kinh tế. Nổi lên là: Khó khăn, thách thức trước những tác động từ cạnh tranh chiến lược, cọ xát kinh tế, thương mại giữa các nước lớn và xu hướng gia tăng bảo hộ thương mại, trong bối cảnh nền kinh tế trong nước có độ mở cao và phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu. Nguy cơ kinh tế Việt Nam lệ thuộc nhiều hơn vào nước ngoài thông qua các dự án hợp tác cụ thể trong quá trình tham gia các chiến lược/sáng kiến của các nước triển khai tại Châu Á - Thái Bình Dương nói chung, Đông Nam Á nói riêng.

          Nguy cơ môi trường phát triển kinh tế ở trong nước, thu hút đầu tư nước ngoài bị ảnh hưởng tiêu cực, không gian phát triển kinh tế biển bị thu hẹp trước diễn biến phức tạp ở Biển Đông. Các nguy cơ chệch hướng, tụt hậu về kinh tế; mất độc lập về kinh tế; suy giảm tiềm lực và chậm đà phát triển… vẫn hiển hiện. Những thách thức, khó khăn khi thực thi các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là các FTA thế hệ mới; tác động từ khủng hoảng kinh tế thế giới dẫn tới khủng hoảng kinh tế - chính trị, xã hội tại các nước và ảnh hưởng tới Việt Nam; lợi dụng hội nhập kinh tế để gây sức ép về chính trị, quốc phòng, an ninh gia tăng mức độ phức tạp. Bối cảnh tình hình trên đòi hỏi tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện có hiệu quả quan điểm của Đảng về ANQG và bảo vệ ANQG, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trước hết phải thống nhất nhận thức trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân và hệ thống chính trị về bảo vệ ANQG là sự nghiệp chung, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, là cuộc đấu tranh toàn diện nhằm làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động và các loại tội phạm. Vì vậy, cần tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước, phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn dân, trong đó lực lượng CAND làm nòng cốt trong công tác bảo đảm ANQG. Đây là quan điểm, tư tưởng cơ bản, xuyên suốt, là vấn đề có tính nguyên tắc, yếu tố quyết định giữ vững ổn định chính trị, xã hội, bảo đảm lợi ích, an ninh, an toàn của đất nước và Nhân dân trong mọi tình huống.

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét