Thứ Ba, 3 tháng 10, 2023

Phát huy nguồn lực tôn giáo trong phát triển bền vững ở Việt Nam hiện nay

Phát huy nguồn lực tôn giáo trong phát triển bền vững ở Việt Nam hiện nay là vấn đề có tính tất yếu khách quan. Theo đó, cần nghiên cứu, thực hiện đồng bộ hệ thống các giải pháp phát huy có hiệu quả nguồn lực tôn giáo, góp phần tăng cường sức mạnh tổng hợp để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thúc đẩy sự phát triển bền vững ở Việt Nam.

Trước hết, việc phát huy nguồn lực tôn giáo trong phát triển bền vững ở Việt Nam hiện nay xuất phát từ quan điểm chủ nghĩa Mác - Lênin về vị trí, vai trò của tôn giáo đối với sự phát triển một số quốc gia dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin về tôn giáo vào hoàn cảnh xã hội Việt Nam, nhằm mục tiêu dân tộc độc lập và tôn giáo tự do.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo xuất phát từ nhận thức đúng đắn về vai trò xã hội và đạo đức của tôn giáo đối với một bộ phận người dân: “Chúa Giêsu dạy: đạo đức là bác ái, Phật Thích ca dạy: đạo đức là từ bi, Khổng tử dạy: đạo đức là nhân nghĩa”, “Khổng Tử, Giêsu, Mác, Tôn Dật Tiên chẳng có những điểm chung đó sao? họ đều muốn mưu phúc lợi cho loài người, mưu hạnh phúc cho xã hội”. Người đã sớm nhận thức rõ vai trò của nguồn nhân lực của tôn giáo chính là khối tín đồ, là một bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, là lực lượng cách mạng cùng với nhân dân cả nước đấu tranh giành độc lập, thống nhất nước nhà, là lực lượng quần chúng đông đảo đóng góp quan trọng và quá trình xây dựng và phát triển bền vững đất nước. Để phát huy nguồn nhân lực này Người thường xuyên nhắc nhở cán bộ cần phải chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào có đạo thì mới đoàn kết được nhân dân. Người nhấn mạnh: “Đoàn kết của ta không những rộng rãi, mà còn lâu dài. Đoàn kết là một chính sách dân tộc, không phải là một thủ đoạn chính trị. Ta đoàn kết để đấu tranh cho thống nhất và độc lập của Tổ quốc; ta cũng phải đoàn kết để xây dựng nước nhà: Ai có tài, có đức, có sức, có lòng phụng sự Tổ quốc và phụng sự nhân dân thì ta phải đoàn kết với họ”. Người cố gắng làm cho đồng bào hiểu đức tin tôn giáo và lý tưởng cộng sản không hề mâu thuẫn và chỉ ra âm mưu của kẻ thù nhằm gây ra những mối hiềm nghi giữa dân tộc và tôn giáo. Đoàn kết tôn giáo là nội dung quan trọng trong chiến lược đại đoàn kết toàn dân tộc của Hồ Chí Minh.

Đặc biệt, Đảng Cộng sản Việt Nam nhất quán khẳng định vai trò của nguồn lực tôn giáo và phát huy nguồn lực tôn giáo. Đại hội IX của Đảng (năm 2001) xác định: “Đoàn kết đồng bào theo các tôn giáo khác nhau, đồng bào theo tôn giáo và đồng bào không theo tôn giáo. Chăm lo phát triển kinh tế, văn hoá, nâng cao đời sống của đồng bào. Đồng bào theo đạo và các vị chức sắc tôn giáo có nghĩa vụ làm tròn trách nhiệm công dân đối với Tổ quốc, sống “tốt đời, đẹp đạo”, phát huy những giá trị tốt đẹp về văn hoá, đạo đức của tôn giáo”.

Đến Đại hội XI của Đảng Cộng sản Việt Nam năm 2011 bổ sung nội dung: “Phát huy những giá trị văn hoá, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo; động viên các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ sống tốt đời, đẹp đạo, tham gia đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII (năm 2021), Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: “Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước”.

Thực tế cho thấy, Việt Nam là quốc gia đa tôn giáo. Hiện nay, Nhà nước đã công nhận và cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo cho 43 tổ chức, thuộc 16 tôn giáo với hơn 27 triệu tín đồ, chiếm khoảng 28% dân số cả nước, trên 55.000 chức sắc, gần 150.000 chức việc, gần 30.000 cơ sở thờ tự. Tín đồ tôn giáo là “công dân khá đặc biệt”, họ mang trong mình vai trò kép, vai trò thứ nhất là công dân, vai trò thứ hai vừa là tín đồ của một tổ chức tôn giáo. Trong những năm qua nguồn lực tôn giáo tích cực tham gia trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội, giáo dục, y tế, từ thiện, nhân đạo... đóng góp không nhỏ cho quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Theo thống kê của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, năm 2016, các tổ chức tôn giáo đã quyên góp được hơn 3.371,4 tỷ đồng cho các hoạt động từ thiện xã hội. Đặc biệt, trong 2 năm 2020 - 2021, khi đại dịch COVID-19 bùng phát trên toàn cầu và tại Việt Nam, chức sắc, chức việc, đồng bào các tôn giáo ủng hộ hàng chục tỷ đồng cho Quỹ Vắc-xin, hàng trăm tỷ đồng cho Quỹ Phòng, chống dịch.

Qua việc nghiên cứu nguồn lực tôn giáo cả về cơ sở lý luận và thực tiễn cho thấy thành quả đến từ nguồn lực này đã mang lại nhiều giá trị tốt đẹp, nhất là ở các địa phương. Trong đó các hoạt động an sinh xã hội, từ thiện nhân đạo trong lĩnh vực giáo dục, y tế đã góp phần quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Tuy nhiên nhận thức, mục đích, cách thức và nhận diện để phát huy nguồn lực tôn giáo cũng còn hạn chế, bất cập, do đó chưa khơi thông được nguồn lực này trong phát triển bền vững đất nước. Do vậy, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của chủ thể phát huy cần tiếp tục khảo sát, đánh giá một cách toàn diện, có sự tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia đã phát huy tốt nguồn lực tôn giáo. Từ đó có cách nhìn nhận, đánh giá khách quan để nhận thức đúng và tham mưu đề xuất chính sách, pháp luật phù hợp định hướng cho cá nhân, tổ chức tôn giáo thực hiện theo khả năng và quy định, thu hút nguồn lực vào phát triển bền vững đất nước.

Trong giai đoạn hiện nay, để phát huy nguồn lực tôn giáo trong phát triển bền vững đất nước, cần tập trung vào một số giải pháp cơ bản sau:

Một là, nâng cao nhận thức của xã hội và cộng đồng các tôn giáo về vấn đề phát huy nguồn lực tôn giáo.

Đối với cộng đồng các tôn giáo: Chức sắc, chức việc, tín đồ tôn giáo cần ý thức sâu sắc về vai trò nguồn lực tôn giáo đối với xã hội. Đồng bào các tôn giáo cần nhận thức về vai trò, trách nhiệm của chính mình trong việc phát huy nguồn lực tôn giáo và xem đó là việc của chính mình, trong khi các cộng đồng xã hội ngoài tôn giáo là nhân tố phối hợp, là môi trường xã hội đồng thuận. Theo đó, các tổ chức tôn giáo cần chủ động xây dựng phương hướng giải pháp phát huy nguồn lực, trong đó quan tâm đến nhân tố sở trường, thế mạnh của tôn giáo mình.

Đối với cộng đồng ngoài tôn giáo: Có nhận thức khách quan, tình cảm và thái độ gần gũi, cộng tác với tổ chức và đồng bào tôn giáo. Cộng đồng ngoài tôn giáo cần xem nguồn lực tôn giáo là một bộ phận của nguồn lực xã hội Việt Nam. Từ đó, tự ý thức được vai trò không nhỏ của nguồn lực tôn giáo đối với sự phát triển của đất nước và có trách nhiệm phát huy nó với tính cách là một thành tố không thể thiếu của nguồn lực xã hội Việt Nam.

Hai là, xây dựng, hoàn thiện cơ chế phát huy nguồn lực tôn giáo.

Xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật phát huy nguồn lực tôn giáo. Các bộ, ngành chức năng và các địa phương cần tổ chức cho nhân dân tham gia xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật về tôn giáo và công tác tôn giáo liên quan trực tiếp đến việc phát huy nguồn lực tôn giáo. Các chủ thể cần quy định, phân công rõ về trách nhiệm cụ thể trong việc phát huy nguồn lực tôn giáo. Đối với hệ thống chính trị, Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc đã có quy định khá rõ ràng, chính vì vậy dành sự quan tâm xây dựng quy định trách nhiệm cho cấp cơ sở. Hệ thống chính trị cơ sở cần tạo điều kiện để các tôn giáo phát huy ngay từ địa bàn cấp mình. Trong tổ chức thực hiện, các tổ chức tôn giáo và hệ thống chính trị cần có sự phối hợp, phân công một cách khoa học, đúng chức năng cũng như có tính lịch sử cụ thể.

Ba là, tiếp tục phát huy vai trò của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong chăm lo, phát triển các tôn giáo.

Vai trò của Đảng: Đảng tiếp tục chăm lo xây dựng đường lối, chủ trương đúng đắn về việc phát huy nguồn lực tôn giáo. Tiếp tục chỉ đạo quá trình thể chế hóa chủ trương, đường lối phát huy nguồn lực tôn giáo phù hợp với mỗi cấp, mỗi địa bàn và mỗi tôn giáo. Nâng cao vai trò lãnh đạo của các tổ chức đảng, đảng viên trong cơ quan nhà nước và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động các tổ chức và đảng viên cũng như kiểm soát quyền lực đối với cán bộ, công chức và các cơ quan nhà nước trong phát huy nguồn lực tôn giáo.

Vai trò của Nhà nước: Chính phủ, Quốc hội, các bộ, ngành liên quan đến việc phát huy nguồn lực tôn giáo cần chỉ đạo việc rà soát, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho phát huy nguồn lực tôn giáo.

Vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội: Mặt trận Tổ quốc cần chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch phát huy nguồn lực tôn giáo với các mục tiêu, nội dung cụ thể. Bên cạnh đó cung cấp thông tin, tài liệu tuyên truyền phát huy nguồn lực tôn giáo cho các tổ chức tôn giáo và các thành viên của Mặt trận Tổ quốc để tạo ra sự thống nhất nhận thức, trách nhiệm và cách làm. Bên cạnh đó cần phát huy phát huy vai trò của người đứng đầu các tổ chức tôn giáo và chức sắc, chức việc, nhà tu hành có tâm huyết, tiêu biểu để họ vận động, thu hút tín đồ và nhân dân tích cực tham gia phát huy nguồn lực tôn giáo. Để nâng cao hơn nữa hiệu quả việc phát huy nguồn lực tôn giáo trong phát triển bền vững ở Việt Nam hiện nay cần sự quan tâm, vào cuộc của nhiều cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, đồng thời phát huy được vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân tôn giáo trong quá trình này./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét