Tiềm lực kinh tế của nền quốc phòng, toàn dân. Trong bối cảnh nước ta đã trở thành thành viên của WTO, đi sâu vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế; bên cạnh những thuận lợi cơ bản, Nhà nước ta gặp phải không ít khó khăn, thách thức. Chúng ta không thể không xây dựng cho nền quốc phòng một tiềm lực kinh tế mạnh mẽ - nhân tố quan trọng để giữ vững ổn định và phát triển đất nước.
Nhân
tố nòng cốt, cốt lõi của tiềm lực quốc phòng - cần bảo đảm tính toàn diện, vững
chắc, có chiều sâu, ngay từ thời bình, nhằm chuyển hóa nhanh nhất, kịp thời
nhất thành thực lực quốc phòng trong mọi tình huống. Để làm được điều đó, cùng
với nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, lực lượng và toàn dân đối với nhiệm
vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, cần tập trung xây dựng lực lượng vũ
trang nhân dân vững mạnh, xây dựng Quân đội nhân dân và Công an nhân dân “cách
mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”. Trong đó, hết sức coi trọng
xây dựng lực lượng dân quân tự vệ vững mạnh, rộng khắp; lực lượng dự bị động
viên hùng hậu trên từng khu vực, địa bàn và cả nước để sẵn sàng động viên khi
cần thiết. Đồng thời, chú trọng nghiên cứu phát triển khoa học nghệ thuật quân
sự, khoa học - công nghệ quân sự, khoa học xã hội và nhân văn quân sự,… tạo nền
tảng tri thức về quân sự, quốc phòng. Tiếp tục xây dựng, phát triển nền công
nghiệp quốc phòng trên cơ sở gắn liền với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại
hóa đất nước, nhằm từng bước bảo đảm vũ khí, trang bị ngày càng hiện đại cho
các lực lượng. Quá trình xây dựng, cần theo một kế hoạch, lộ trình thống nhất,
phù hợp, nhưng khi cần, cũng có thể tạo bước đột phá, sẵn sàng đáp ứng sự phát
triển của thực tiễn.
Tiềm lực kinh tế
của nền quốc phòng toàn dân (tiềm lực kinh tế quốc phòng) là khả năng tiềm tàng
về kinh tế của một quốc gia có thể huy động để đáp ứng các nhu cầu của công
cuộc giữ nước, gắn chặt với sức mạnh tổng hợp của chính trị, kinh tế, quân sự,
văn hóa, khoa học công nghệ, hoạt động đối nội, đối ngoại của Nhà nước và nhân dân
để bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Để có tiềm lực kinh tế
quốc phòng vững mạnh phải dựa vào sự phát triển kinh tế, xã hội, cùng với tăng
cường củng cố quốc phòng an ninh. Trong các yếu tố hợp thành tiềm lực kinh tế
quốc phòng thì "tiềm lực kinh tế quân sự" được xem là đặc trưng. Bởi
vì, ngành công nghiệp quốc phòng, có nhiệm vụ trực tiếp hoặc gián tiếp bảo đảm
cho các nhu cầu hoạt động lực lượng vũ trang và bảo đảm tư liệu sản xuất cho
công nghiệp quốc phòng. Để tăng cường tiềm lực kinh tế quốc phòng, cần tập
trung vào 2 vấn đề chủ yếu sau:
Kết hợp phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế -
xã hội với tăng cường củng cố quốc phòng - an ninh. Nâng cao chất lượng, hiệu
quả các khu kinh tế quốc phòng
Trong xu thế toàn
cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội
được đặt ra như một tất yếu khách quan, vừa đáp ứng các nhu cầu tăng trưởng của
nền kinh tế, vừa tăng cường, củng cố tiềm lực kinh tế quốc phòng theo một cơ
cấu kinh tế hiện đại và hợp lý theo ngành, lĩnh vực, vùng miền và lãnh thổ. Với
cơ cấu ngành, cần nhanh chóng chuyển dịch cơ cấu công nghiệp theo hướng tăng tỷ
trọng công nghiệp chế biến, đa dạng hóa chủng loại sản phẩm. Chú trọng đầu tư
công nghiệp năng lượng, công nghiệp sản xuất vật liệu, công nghiệp có công nghệ
cao. Phát triển các sản phẩm cơ khí phục vụ nông nghiệp, nông thôn, cơ khí xây
dựng, thiết bị toàn bộ, cơ khí đóng tàu, cơ khí chế tạo máy công cụ và hiện đại
hóa cơ sở sản xuất công nghiệp hiện có; hình thành vùng sản xuất nông nghiệp
tập trung, thâm canh tăng năng suất gắn với công nghiệp chế biến, phát triển
các cơ sở chế biến tại các vùng sản xuất nguyên liệu. Ưu tiên phát triển kết
cấu hạ tầng chuyển đổi cơ cấu sản xuất; tăng đầu tư cho thủy lợi, giảm thuế
thủy lợi phí để đảm bảo yêu cầu tưới, tiêu, kích thích phát triển cho nông
nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Quy hoạch, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông
và kết cấu hạ tầng xã hội theo hướng hoàn thiện một bước cơ bản mạng lưới giao
thông vận tải (các đường không, bộ, biển) theo luật của Việt Nam và phù hợp với
luật quốc tế, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa và hành khách giữa các vùng
và một phần đáng kể giữa nước ta với các nước trên thế giới và khu vực, góp
phần quản lý chặt chẽ mạng lưới giao thông bảo vệ chủ quyền biên giới, biển đảo
và không phận.
Mặt khác, cần
quan tâm thích đáng cho các cơ sở nghiên cứu công nghệ của các ngành sản xuất
dịch vụ chủ yếu, tăng hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; ứng dụng và
phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, các thành tựu về công nghệ
thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu, công nghệ tự động hóa. Tạo
môi trường đầu tư hấp dẫn ở các khu công nghệ cao như Hòa Lạc, Thành phố Hồ Chí
Minh; mở rộng cổng In-tơ-nét ở một số thành phố lớn; xây dựng và đưa vào hoạt
động các phòng thí nghiệm trọng điểm của quốc gia.
Trên cơ sở kinh
tế phát triển nhanh và bền vững, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả các khu
kinh tế quốc phòng, góp phần hiện thực hóa chủ trương của Đảng về kết hợp phát
triển kinh tế xã hội với tăng cường quốc phòng - an ninh. Hơn lúc nào hết, các
khu kinh tế quốc phòng cần được đầu tư phát triển về chiều sâu, trở thành nhân
tố mới về sự kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng - an
ninh - đối ngoại. Ví như các khu kinh tế quốc phòng Mường Chà (Điện Biên, Lai
Châu); Bình Liêu - Hải Hà - Móng Cái và Bắc Hải Sơn (Quảng Ninh); Khe Sanh -
Hướng Hóa (Quảng Trị); Gia Lai - Kon tum; DK-1 (Biển Đông)... thời gian qua đã
góp phần quan trọng vào xóa đói, giảm nghèo, tăng khả năng cứu hộ, cứu nạn và
phòng chống thiên tai, tạo nên thế trận quốc phòng - an ninh liên hoàn từ biên
cương, vùng biển đảo, đến các địa bàn chiến lược. Tuy nhiên, để tiếp tục nâng
cao chất lượng, hiệu quả các khu kinh tế quốc phòng cần kết hợp chặt chẽ hơn
với quá trình đổi mới công nghệ của nền sản xuất xã hội; chuyển dịch cơ cấu
kinh tế; đẩy mạnh công tác quản lý của Nhà nước; xây dựng và hiện đại hóa kết
cấu hạ tầng về kinh tế - xã hội và kết cấu hạ tầng quân sự.
Như vậy, sự phát
triển và tăng cường tiềm lực kinh tế quốc phòng luôn gắn chặt với kết quả của
công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Do đó, cần tiếp tục xây dựng kết cấu
hạ tầng kinh tế xã hội, kết hợp với phát triển khoa học công nghệ dân sinh và
khoa học công nghệ quân sự; xây dựng cơ cấu kinh tế với cơ cấu vùng hợp lý tạo
khả năng và sức mạnh tại chỗ trong phát triển kinh tế - xã hội và củng cố quốc
phòng - an ninh; xác định đúng và tập trung nguồn lực cho những chương trình,
dự án khoa học công nghệ dân sinh và quốc phòng; tăng cường hợp tác quốc tế,
nhất là với các nước bạn truyền thống, nhằm khai thác tốt nhất các nguồn lực từ
các đối tác đó để từng bước tự sửa chữa, hồi tu, trung tu, đại tu... các máy
móc trang bị kỹ thuật kết hợp phục vụ phát triển kinh tế và tăng cường quốc
phòng; tiến tới tạo đột phá trong phát triển lực lượng sản xuất và nghiên cứu,
sản xuất các loại vũ khí công nghệ cao, nâng cao sức mạnh chiến đấu của lực
lượng vũ trang, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét