Cùng với phát triển kinh tế-xã hội
(KT-XH) đất nước thì củng cố tiềm lực quốc phòng được coi là nhiệm vụ đặc biệt
quan trọng của quốc gia. Để nâng cao tiềm lực quốc phòng, thời gian qua, Bộ
Quốc phòng (BQP) đã quan tâm đầu tư cho khoa học và công nghệ (KH&CN) để
nghiên cứu, chế tạo, từng bước hiện đại hóa vũ khí, khí tài. Tiềm lực khoa học - công nghệ, cần
được xây dựng, phát triển trong chiến lược tổng thể phát triển khoa học - công
nghệ quốc gia, nhưng có tính đến những yếu tố đặc thù, nhằm huy động, phục vụ
có hiệu quả cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc (cả trước mắt và
lâu dài). Theo đó, việc xây dựng tiềm lực này, cần phải kết hợp chặt chẽ với sự
phát triển của nền khoa học - công nghệ đất nước. Trên cơ sở đó, chủ động xây
dựng chiến lược, kế hoạch phát triển khoa học - công nghệ trong lĩnh vực quốc
phòng và coi đó là một trong những động lực để hiện đại hóa lực lượng vũ trang
nhân dân. Trong đó, chú trọng kế thừa nghệ thuật chiến tranh nhân dân trong các
cuộc kháng chiến vừa qua, cả trong tác chiến chiến lược, chiến dịch và chiến
đấu để hướng tới nghiên cứu các giải pháp về chiến thuật, kỹ thuật đối phó có
hiệu quả với chiến tranh sử dụng vũ khí công nghệ cao, trong chiến tranh hiện
đại. Đồng thời, từng bước đầu tư nghiên cứu, phát triển các giải pháp công
nghệ, bảo đảm sửa chữa, sản xuất và làm chủ vũ khí, trang bị, khí tài hiện đại.
Bên cạnh đó, cần đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ về tổ chức, quản lý, cơ chế hoạt động
khoa học - công nghệ, kết hợp với tăng cường hợp tác quốc tế trên lĩnh vực này,
phù hợp với điều kiện của đất nước. Tăng cường tiềm lực quốc phòng là nhiệm vụ
hệ trọng của quốc gia, luôn đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng; sự quản lý tập
trung, thống nhất của Nhà nước từ Trung ương tới địa phương theo quy định của
Hiến pháp và pháp luật. Vì vậy, để tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý của
Nhà nước đối với nội dung này, các cấp, ngành, lực lượng, mà trực tiếp là Quân
đội nhân dân cần tiếp tục tham mưu với Nhà nước hoàn thiện thể chế quốc phòng;
chú trọng cụ thể hóa và nâng cao hiệu quả thực hiện hệ thống Luật liên quan đến
quốc phòng4, các chỉ thị, thông tư,
hướng dẫn về xây dựng tiềm lực quốc phòng. Xây dựng và tổ chức thực hiện các
chính sách về quốc phòng, xây dựng tiềm lực quốc phòng của nền quốc phòng toàn
dân, kế hoạch phòng thủ đất nước, kế hoạch động viên quốc phòng và bảo đảm cho
hoạt động quốc phòng; chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ đối ngoại, hợp tác quốc tế về
quốc phòng và các biện pháp xây dựng, huy động tiềm lực quốc phòng thực hiện
nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Kết hợp chặt chẽ giữa kiện toàn, nâng cao hiệu quả
hoạt động của Hội đồng Quốc phòng và An ninh, Hội đồng Cung cấp, Ban Chỉ đạo
khu vực phòng thủ các cấp với phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu
các cơ quan, đơn vị, địa phương; điều chỉnh, bổ sung, triển khai kịp thời, hiệu
quả các cơ chế, quy chế quản lý, điều hành, phối hợp, kiểm tra, giám sát của
các cấp, ngành, lĩnh vực, địa phương; tổ chức quán triệt, thực hiện nghiêm túc,
chặt chẽ, hiệu quả các chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng tiềm lực quốc
phòng trong từng ngành, lĩnh vực, địa phương và địa bàn cả nước.
Hai là, phát huy sức
mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, các tổ chức, lực lượng và toàn dân,
nòng cốt là Quân đội nhân dân nhằm tăng cường tiềm lực quốc phòng. Tăng
cường tiềm lực quốc phòng là chủ trương chiến lược của Đảng và Nhà nước ta,
nhằm huy động mọi nguồn lực cả nội lực và ngoại lực cho nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc
nên liên quan trực tiếp đến cách thức, biện pháp chuẩn bị đất nước toàn diện về
nhân lực, vật lực, trí lực, tài lực, tinh thần và huy động các nguồn lực ở
ngoài nước, tạo thành sức mạnh tổng thể quốc gia, sẵn sàng động viên cho quốc
phòng khi cần thiết. Vì vậy, cần phát huy vai trò trách nhiệm, sự vào cuộc đồng
bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, các tổ chức, lực lượng và toàn dân,
nòng cốt là Quân đội nhân dân theo tinh thần: “Củng cố quốc phòng,… bảo vệ vững
chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của
Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và toàn dân, trong đó Quân đội nhân dân… là
nòng cốt”5. Theo đó, cấp ủy, chính
quyền, người đứng đầu các cấp, ngành, lĩnh vực, địa phương cần nhận thức sâu
sắc, coi đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo,
tổ chức thực hiện với những chủ trương, giải pháp khoa học, phù hợp với đặc
điểm, chức năng, nhiệm vụ, khả năng của ngành, lĩnh vực, địa phương mình phụ
trách. Tập trung xây dựng, phát triển toàn diện các lĩnh vực của đời sống xã
hội, trong đó chú trọng đầu tư phát triển một số lĩnh vực trực tiếp liên quan
đến xây dựng tiềm lực quốc phòng, như: chính trị - tinh thần, “thế trận lòng
dân”; kinh tế, văn hóa, xã hội; khoa học, công nghệ và quân sự, v.v. Phát huy
vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, ban ngành, đoàn thể địa phương và đội ngũ
cán bộ, đảng viên trong thực hiện chủ trương, cơ chế, biện pháp xây dựng, huy
động nguồn lực các lĩnh vực cho nhiệm vụ quốc phòng; tăng cường công tác kiểm
tra, giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc các cấp; đẩy mạnh công tác
tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tự giác tham gia hoạt động quân sự,
quốc phòng và cống hiến sức người, sức của, tăng cường tiềm lực, sức mạnh quốc
phòng, bảo vệ Tổ quốc.
Cùng
với đó, cần phát huy vai trò nòng cốt của Quân đội trong xây dựng tiềm lực quốc
phòng. Trước yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Quân đội cần tiếp tục
quán triệt sâu sắc chủ trương tăng cường tiềm lực quốc phòng của nền quốc phòng
toàn dân, tham mưu với Đảng, Nhà nước các chủ trương, giải pháp xây dựng, huy
động các nguồn lực và chuyển hóa tiềm lực thành thực lực để xử lý kịp thời,
hiệu quả các tình huống quốc phòng, không để bị động, bất ngờ cả về chiến lược,
chiến dịch và chiến thuật. Các cơ quan, đơn vị trong toàn quân, đặc biệt là cơ
quan quân sự địa phương các cấp cần phát huy vai trò nòng cốt, tham mưu cho cấp
ủy, chính quyền cùng cấp các biện pháp xây dựng khu vực phòng thủ, kết hợp kinh
tế với quốc phòng; phối hợp thực hiện các kế hoạch, chỉ tiêu động viên lực
lượng, phương tiện, cơ sở vật chất các ngành (công nghiệp, nông nghiệp, khoa
học kỹ thuật, giao thông vận tải và các ngành dịch vụ khác); các biện pháp kết
hợp xây dựng tiềm lực với lực lượng, thế trận trong tổng thể xây dựng nền quốc
phòng toàn dân, bảo vệ vững chắc địa bàn. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc
phòng theo hướng hiện đại, lưỡng dụng, đáp ứng một phần nhu cầu vũ khí, trang
bị kỹ thuật cho lực lượng vũ trang, tăng cường tiềm lực quốc phòng và trở thành
mũi nhọn của nền công nghiệp quốc gia, đóng góp tích cực vào sự nghiệp công
nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đồng thời, toàn quân tập trung quán triệt
vận dụng sáng tạo, hiệu quả các nghị quyết mới của Quân ủy Trung ương6 vào quá trình phát huy vai trò nòng
cốt trong xây dựng, huy động, chuyển hóa tiềm lực quốc phòng.
Ba là, kết hợp chặt
chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh, tạo
nền tảng vững chắc xây dựng tiềm lực quốc phòng. Thực tiễn cho thấy,
kinh tế - xã hội phát triển sẽ tạo ra nguồn lực vật chất, tài chính quan trọng
để tăng cường tiềm lực quốc phòng; ngược lại, tiềm lực quốc phòng mạnh sẽ gia
tăng sức mạnh quốc gia, ngăn chặn, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh và sẵn sàng đánh
thắng kẻ thù nếu xảy ra chiến tranh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, kiến tạo môi
trường hòa bình, ổn định để phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, không phải
cứ kinh tế phát triển là có tiềm lực quốc phòng mạnh, mà nó cần được chuyển hóa
trong từng ngành, lĩnh vực theo kế hoạch và mục tiêu đã xác định một cách phù
hợp. Vì vậy, các cấp, ngành, địa phương, lực lượng vũ trang cần “Cụ thể hóa và
thực hiện có hiệu quả quan hệ giữa hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ
Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội,
chiến lược bảo vệ Tổ quốc; trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc
phòng, an ninh, đối ngoại; trong các vùng, miền, địa bàn chiến lược và trong
từng nhiệm vụ, chương trình, kế hoạch cụ thể”7.
Trong đó, cần chú trọng gắn thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội
với thực hiện các chiến lược: quốc phòng, quân sự, bảo vệ biên giới quốc gia,
bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng, v.v. Quá trình thực hiện cần coi trọng
phát triển các ngành kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền lãnh thổ; các ngành
công nghiệp cơ bản, lưỡng dụng, công nghệ mũi nhọn,... tạo nền tảng sẵn sàng
chuyển hóa bảo đảm nhu cầu trang bị ngày càng hiện đại của lực lượng vũ trang.
Đồng thời, tập trung nghiên cứu nội dung, phương thức nâng cao hiệu quả kết hợp
kinh tế với quốc phòng, bảo đảm yêu cầu cân đối, hài hòa, hỗ trợ nhau cùng phát
triển; xây dựng cơ chế, quy chế phối hợp liên thông, đồng bộ, nhịp nhàng, ăn
khớp giữa các ban, bộ, ngành Trung ương với địa phương, giữa các vùng kinh tế
trọng điểm với các khu vực phòng thủ, khu kinh tế quốc phòng, phù hợp với đặc
điểm, yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ địa bàn; tiềm năng, thế mạnh của địa phương và
quy hoạch, kế hoạch, đề án phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng
(ngắn hạn, trung hạn, dài hạn) trên từng vùng, miền và cả nước.
Tiếp
tục quán triệt, triển khai thực hiện các nghị quyết phát triển “Vùng kinh tế -
xã hội” của Bộ Chính trị8, nâng cao
hiệu quả hoạt động các khu kinh tế - quốc phòng trên phạm vị cả nước, tập trung
địa bàn chiến lược, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, biển đảo, vùng đặc biệt
khó khăn. Chú trọng kết hợp triển khai hiệu quả các đề án đang thực hiện với
nghiên cứu mở rộng các đề án xây dựng chuỗi đảo gần bờ thành các trung tâm kinh
tế, khoa học, công nghệ, quốc phòng theo mô hình đa năng, tự chủ một phần về
kinh tế, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng. Huy động kết
quả, nguồn lực, sức mạnh các doanh nghiệp, đơn vị quân đội được giao nhiệm vụ
tham gia phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vào xây dựng tiềm lực quốc phòng;
tuyệt đối không vì mục đích kinh tế đơn thuần mà bỏ qua mục đích quốc phòng,
góp phần thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Kết hợp chặt chẽ các cơ sở công nghiệp quốc phòng với với các cơ sở công nghiệp
dân sinh phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng. Các hoạt
động sản xuất, kinh doanh, đầu tư và nghiên cứu ứng dụng khoa học, công nghệ
phải tuân thủ yêu cầu kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc
phòng, sẵn sàng huy động, động viên để sản xuất bảo đảm nhu cầu quốc phòng khi
cần thiết.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét