Tiềm lực kinh tế của nền quốc phòng, toàn dân gắn liền với
thịnh - suy, an - nguy của một quốc gia. Trong bối cảnh nước ta đã trở thành
thành viên của WTO, đi sâu vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế; bên cạnh
những thuận lợi cơ bản, Nhà nước ta gặp phải không ít khó khăn, thách thức.
Chúng ta không thể không xây dựng cho nền quốc phòng một tiềm lực kinh tế mạnh
mẽ - nhân tố quan trọng để giữ vững ổn định và phát triển đất nước.
Vì thế, xây dựng
tiềm lực này, cần sự vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương và toàn dân; phải
được thực hiện thường xuyên, lâu dài, toàn diện, vững chắc trên phạm vi cả
nước, nhưng cần có trọng tâm, trọng điểm, nhất là tập trung cho các địa bàn
chiến lược. Trước hết, cần tiếp tục thực hiện tốt việc kết hợp chặt chẽ giữa
phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng trong từng chiến lược,
quy hoạch, kế hoạch phát triển của từng ngành, lĩnh vực và địa phương, bảo đảm
mỗi bước tăng trưởng về kinh tế phải gắn với sự gia tăng tích lũy của nguồn
tiềm lực này. Đồng thời, chú trọng đầu tư xây dựng, phát triển các ngành công
nghiệp theo hướng lưỡng dụng, được bố trí hợp lý trên các vùng, miền, vừa đáp
ứng nhu cầu dân sinh, vừa phục vụ cho nhiệm vụ quốc phòng khi cần thiết. Tiếp
tục coi trọng xây dựng các khu kinh tế - quốc phòng trên các địa bàn chiến lược
biên giới, hải đảo, nhằm phát triển kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân gắn
với tham gia xây dựng cơ sở, địa bàn vững mạnh. Trong giai đoạn hiện nay, để
tiềm lực kinh tế có thể chuyển hóa thành thực lực và sức mạnh quốc phòng trên
từng khu vực, địa bàn, cùng với gắn phát triển kinh tế - xã hội với xây dựng
khu vực phòng thủ tỉnh (thành phố) ngày càng vững chắc, cơ quan chức năng sớm
nghiên cứu xác lập cơ chế động viên nền kinh tế quốc dân thực hiện các nhiệm vụ
quốc phòng, quân sự khi cần thiết. Để tăng cường tiềm lực kinh tế quốc phòng, cần tập trung vào 2
vấn đề chủ yếu sau:
1 -
Kết hợp phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội với tăng cường củng cố quốc
phòng - an ninh. Nâng cao chất lượng, hiệu quả các khu kinh tế quốc phòng
Trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, phát
triển kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội được đặt ra như một tất yếu khách quan,
vừa đáp ứng các nhu cầu tăng trưởng của nền kinh tế, vừa tăng cường, củng cố
tiềm lực kinh tế quốc phòng theo một cơ cấu kinh tế hiện đại và hợp lý theo
ngành, lĩnh vực, vùng miền và lãnh thổ. Với cơ cấu ngành, cần nhanh chóng
chuyển dịch cơ cấu công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến,
đa dạng hóa chủng loại sản phẩm. Chú trọng đầu tư công nghiệp năng lượng, công
nghiệp sản xuất vật liệu, công nghiệp có công nghệ cao. Phát triển các sản phẩm
cơ khí phục vụ nông nghiệp, nông thôn, cơ khí xây dựng, thiết bị toàn bộ, cơ
khí đóng tàu, cơ khí chế tạo máy công cụ và hiện đại hóa cơ sở sản xuất công
nghiệp hiện có; hình thành vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, thâm canh tăng
năng suất gắn với công nghiệp chế biến, phát triển các cơ sở chế biến tại các
vùng sản xuất nguyên liệu. Ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng chuyển đổi cơ cấu
sản xuất; tăng đầu tư cho thủy lợi, giảm thuế thủy lợi phí để đảm bảo yêu cầu
tưới, tiêu, kích thích phát triển cho nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Quy
hoạch, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và kết cấu hạ tầng xã hội theo
hướng hoàn thiện một bước cơ bản mạng lưới giao thông vận tải (các đường không,
bộ, biển) theo luật của Việt Nam và phù hợp với luật quốc tế, đáp ứng nhu cầu
vận chuyển hàng hóa và hành khách giữa các vùng và một phần đáng kể giữa nước
ta với các nước trên thế giới và khu vực, góp phần quản lý chặt chẽ mạng lưới
giao thông bảo vệ chủ quyền biên giới, biển đảo và không phận.
Trong điều kiện hiện nay, cần chú trọng xây dựng các dự án có
tính khả thi, phát huy tối đa tiềm năng nội lực kết hợp hợp tác với các nước có
nền công nghiệp tiên tiến, từng bước chuyển giao công nghệ cho ta. Trước tiên,
cần tập trung đầu tư thiết bị, chú trọng các trang thiết bị thu thập, xử lý,
khai thác và truyền bá thông tin, tạo môi trường mới cho đội ngũ làm công tác
nghiên cứu khoa học nói chung, khoa học quân sự nói riêng, bứt phá, tiếp cận
các thành tựu khoa học công nghệ hiện đại và phát triển kinh tế - xã hội, tăng
cường củng cố quốc phòng - an ninh.
Mặt khác, cần quan tâm thích đáng cho các cơ sở nghiên cứu công
nghệ của các ngành sản xuất dịch vụ chủ yếu, tăng hiệu quả và sức cạnh tranh
của nền kinh tế; ứng dụng và phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao,
các thành tựu về công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu,
công nghệ tự động hóa. Tạo môi trường đầu tư hấp dẫn ở các khu công nghệ cao
như Hòa Lạc, Thành phố Hồ Chí Minh; mở rộng cổng In-tơ-nét ở một số thành phố
lớn; xây dựng và đưa vào hoạt động các phòng thí nghiệm trọng điểm của quốc
gia.
Trên cơ sở kinh tế phát triển nhanh và bền vững, tiếp tục nâng
cao chất lượng, hiệu quả các khu kinh tế quốc phòng, góp phần hiện thực hóa chủ
trương của Đảng về kết hợp phát triển kinh tế xã hội với tăng cường quốc phòng
- an ninh. Hơn lúc nào hết, các khu kinh tế quốc phòng cần được đầu tư phát
triển về chiều sâu, trở thành nhân tố mới về sự kết hợp phát triển kinh tế - xã
hội với tăng cường quốc phòng - an ninh - đối ngoại. Ví như các khu kinh tế
quốc phòng Mường Chà (Điện Biên, Lai Châu); Bình Liêu - Hải Hà - Móng Cái và
Bắc Hải Sơn (Quảng Ninh); Khe Sanh - Hướng Hóa (Quảng Trị); Gia Lai - Kon tum;
DK-1 (Biển Đông)... thời gian qua đã góp phần quan trọng vào xóa đói, giảm
nghèo, tăng khả năng cứu hộ, cứu nạn và phòng chống thiên tai, tạo nên thế trận
quốc phòng - an ninh liên hoàn từ biên cương, vùng biển đảo, đến các địa bàn
chiến lược. Tuy nhiên, để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả các khu kinh
tế quốc phòng cần kết hợp chặt chẽ hơn với quá trình đổi mới công nghệ của nền
sản xuất xã hội; chuyển dịch cơ cấu kinh tế; đẩy mạnh công tác quản lý của Nhà
nước; xây dựng và hiện đại hóa kết cấu hạ tầng về kinh tế - xã hội và kết cấu
hạ tầng quân sự.
Như vậy, sự phát triển và tăng cường tiềm lực kinh tế quốc phòng
luôn gắn chặt với kết quả của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Do đó,
cần tiếp tục xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, kết hợp với phát triển khoa
học công nghệ dân sinh và khoa học công nghệ quân sự; xây dựng cơ cấu kinh tế
với cơ cấu vùng hợp lý tạo khả năng và sức mạnh tại chỗ trong phát triển kinh
tế - xã hội và củng cố quốc phòng - an ninh; xác định đúng và tập trung nguồn
lực cho những chương trình, dự án khoa học công nghệ dân sinh và quốc phòng;
tăng cường hợp tác quốc tế, nhất là với các nước bạn truyền thống, nhằm khai
thác tốt nhất các nguồn lực từ các đối tác đó để từng bước tự sửa chữa, hồi tu,
trung tu, đại tu... các máy móc trang bị kỹ thuật kết hợp phục vụ phát triển
kinh tế và tăng cường quốc phòng; tiến tới tạo đột phá trong phát triển lực
lượng sản xuất và nghiên cứu, sản xuất các loại vũ khí công nghệ cao, nâng cao
sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ
Tổ quốc.
2 -
Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, sử dụng hiệu quả tiềm lực kinh tế quốc
phòng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Hiện nay nước ta đã trở thành thành viên của WTO có nhiều điều
kiện thuận lợi khi tham gia thị trường toàn cầu phát triển kinh tế - xã hội,
tăng cường tiềm lực kinh tế quốc phòng. Thực tế, cạnh tranh kinh tế thương mại,
giành giật các nguồn tài nguyên, năng lượng, thị trường, nguồn vốn, công
nghệ... giành giật sự chi phối về chính trị, khống chế về quân sự giữa các nước
ngày càng gay gắt; bọn phản động trong và ngoài nước chưa từ bỏ âm mưu lật đổ
chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Gần đây, bọn phản động người Việt lưu vong
lại tiếp tục xuyên tạc, vu cáo về tình hình "tự do, dân chủ, nhân
quyền" tại Việt Nam; đồng thời, chúng đề nghị chính quyền Bu-sơ gia tăng
sức ép đối với đất nước ta. Chúng còn tăng cường bóp méo lịch sử về cuộc chiến
tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam - Đông Dương... Nhiều vấn đề mới của thế giới
và khu vực liên quan đến quốc phòng, bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn bản sắc
và giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc... chỉ có thể giải quyết triệt để
trên cơ sở phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Để thực hiện tốt các nội dung trên, vấn đề hoàn thiện hệ thống
pháp luật, cùng với quá trình hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa
có ý nghĩa quyết định. Xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thực
hiện pháp luật vừa khẳng định quyền lực của Nhà nước, vừa tăng cường vai trò
quản lý của Nhà nước về kinh tế, văn hóa, khoa học công nghệ, quốc phòng - an
ninh; tăng cường tiềm lực kinh tế quốc phòng khi nước ta ngày càng hội nhập sâu
hơn, đầy đủ hơn vào nền kinh tế thế giới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét