Thứ Năm, 2 tháng 5, 2019

THỰC HÀNH TIẾT KIỆM CHỐNG LÃNG PHÍ THEO GƯƠNG CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH


Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng ngời về đức cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, là mẫu mực về đời sống trong sáng, nếp sống giản dị, khiêm tốn. Theo Hồ Chí Minh, thực hành tiết kiệm không phải là bủn xỉn, “không phải xem đồng tiền to bằng cái nong”, gặp việc đáng làm cũng không làm, đáng tiêu cũng không tiêu. Tiết kiệm không phải là ép mọi người nhịn ăn, nhịn mặc; trái lại, cốt để giúp vào tăng gia sản xuất, để dần dần nâng cao mức sống của nhân dân; tiết kiệm để tích trữ thêm vốn cho công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế, văn hoá, để cải thiện đời sống nhân dân. Hồ Chí Minh coi thực hành tiết kiệm là một quy luật đi lên của một đất nước, một phương pháp của chế độ kinh tế, không phải chỉ nước nghèo mới thực hành tiết kiệm, mà cả nước giàu cũng phải tiết kiệm. Người còn chỉ rõ: “Một dân tộc biết cần, kiệm, biết liêm sỉ là một dân tộc giầu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh, tiến bộ”.
Chính vì vậy, trong cuộc sống hàng ngày từ việc ăn, ở, sinh hoạt, mọi lúc, mọi nơi, Bác không nói nhiều, không hô hào đao to búa lớn mà luôn thể hiện tinh thần gương mẫu về tiết kiệm và thực hành tiết kiệm bằng chính những hành động, nếp sống của mình. Bữa ăn của Bác không có gì khác bữa ăn của mọi gia đình Việt Nam, cũng là bát cơm, quả cà muối, cá kho, đĩa rau muống luộc... Trang phục hàng ngày của Bác cũng rất đơn sơ, vài bộ quần áo kaki, đôi dép cao su cũ...
Tiết kiệm đã trở thành nếp sống của Bác. Khi còn hoạt động ở nước ngoài, ở căn cứ Việt Bắc cũng như lúc về Thủ đô Hà Nội, Bác Hồ vẫn luôn giữ một lối sống rất cần kiệm và giản dị, không đòi hỏi một ưu tiên, một vinh hoa cho riêng mình. Bản thân Bác đã trở thành tấm gương sáng trong việc tiết kiệm và thực hành tiết kiệm. Kể cả trong việc ăn uống, khi dùng các món ăn bao giờ Bác cũng dùng hết, không để thừa lãng phí.
Xác định mục đích của việc tiết kiệm, Bác chỉ rõ, tiết kiệm là để phục vụ cho kháng chiến và kiến quốc; để tăng thêm tiền vốn xây dựng đất nước. Bác cũng đã chỉ ra 4 nội dung cơ bản của việc tiết kiệm. Thứ nhất đó là, tiết kiệm sức lao động - tức là phải tổ chức sắp xếp cho khéo, phải nâng cao năng suất lao động, một người làm bằng hai, ba người; Thứ hai là, tiết kiệm thời gian, vì theo Bác “Thời giờ tức là tiền bạc”; Thứ ba là tiết kiệm tiền của của Nhà nước, của nhân dân và của chính mình; Thứ tư là tất cả mọi người đều cùng tiết kiệm. Bác cho rằng, tiết kiệm chính là nguồn gốc để tạo nên sức mạnh bền vững của đất nước. Làm việc gì cũng cần có tinh thần đoàn kết một lòng trong toàn thể nhân dân, bởi ai cũng có thể tiết kiệm và ai cũng nên tiết kiệm.
Thiết thực làm theo lời Bác dạy, trong những năm qua, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí luôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Quốc hội đã ban hành Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Chính phủ đã ban hành các văn bản hướng dẫn Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra để các quy định của pháp luật về lĩnh vực này thực sự phát huy hiệu quả trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Đặc biệt, trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, nội dung tiết kiệm luôn được nhấn mạnh. Bởi tiết kiệm chính là đạo đức cách mạng, là phẩm chất của mỗi con người trong thời đại mới. Học tập tấm gương tiết kiệm của Bác Hồ chính là học tập để tiết kiệm có thể trở thành một thói quen hàng ngày. Tiết kiệm không phải là chuyện xa xôi mà chính là những việc làm thiết thực hàng ngày. Tiết kiệm không chỉ là tiết kiệm của cải vật chất mà còn tiết kiệm thời gian, sức lực, tiết kiệm ngôn từ, nói ít làm nhiều, lời nói phải đi đôi với việc làm.
Học tập tấm gương tiết kiệm của Bác Hồ chính là học tập để tiết kiệm có thể trở thành một thói quen hàng ngày. Tuy nhiên, hiện nay, chúng ta vẫn còn lãng phí thời gian, sức lao động, chi phí vật chất. Sử dụng vốn Nhà nước tại một số doanh nghiệp chưa hiệu quả, còn lãng phí trong quản lý sử dụng tài sản công, trong khai thác tài nguyên khoáng sản. Quy hoạch bố trí dự án dàn trải, không hiệu quả, dự án chậm tiến độ, chất lượng công trình kém. Một loại lãng phí khác đó là lãng phí chất xám, bố trí người chưa đúng chỗ, chưa thực sự quan tâm người tài, chưa “khéo dùng cán bộ” như cách nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, tính gương mẫu, nêu gương trong thực hành tiết kiệm của cán bộ, đảng viên có lúc , có nơi chưa được chú trọng, đã có không ít những cán bộ chỉ kêu gọi người ta tiết kiệm, còn mình thì không gương mẫu thực hiện. Trình độ dân trí ngày càng cao, nhân dân phân biệt rất rõ những người chỉ nói suông, nói một đàng làm một nẻo và trong mắt của nhân dân, những người đó đã trở thành “những ông quan cách mạng” như Bác Hồ từng nói. Nói và gương mẫu làm đúng những điều mình nói, chính là đạo đức cách mạng. Trong vấn đề thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí, nếu cán bộ đảng viên thiếu gương mẫu, thì làm sao có thể vận động đông đảo nhân dân thực hiện tốt được. Mọi công việc đều thế, việc vận động tiết kiệm chống lãng phí càng phải thế.
Chính vì vậy, để thực hiện rộng rãi việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đòi hỏi các cấp ủy đảng, các cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên phải luôn tiên phong, gương mẫu trong thực hiện như vậy sẽ góp phần giáo dục chúng ta - mọi người, mọi nhà, mọi ngành nghề, tổ chức ở mọi cấp, mọi nơi cần phải tiết kiệm để làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội. Đây cũng chính là hành động thiết thực để góp phần thực hiện thắng lợi Chỉ thị 05-CT/TW về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét