Thứ Ba, 5 tháng 5, 2020

Các quốc gia cần cân nhắc kỹ việc dỡ bỏ phong tỏa

Theo AFP, trong lúc một số quốc gia đang chuẩn bị nới lỏng các biện pháp hạn chế trên diện rộng với mục đích là làm chậm sự lây lan của đại dịch COVID-19, giới chuyên gia cho rằng việc dỡ bỏ hạn chế nên được ban hành một cách cẩn trọng, tuyệt đối để tránh làm bùng phát làn sóng lây nhiễm mới.

Trước sự gia tăng các ca mắc COVID-19, nhiều chính phủ đã yêu cầu người dân ở nhà để tìm cách giảm thiểu số ca nhập viện và hạn chế tình trạng quá tải tại các khoa hồi sức tích cực. Tuy nhiên, các biện pháp này đã gây tổn hại lớn tới cả kinh tế và xã hội. Phát biểu với AFP, nhà nghiên cứu bệnh dịch người Pháp Dominique Costagliola nói: “Khi quyết định (phong tỏa) được đưa ra, đó là vũ khí duy nhất của chúng ta với hy vọng bắt đầu kiểm soát dịch bệnh”. Tuy nhiên, bà nói rằng các biện pháp ở Pháp - vốn được dự kiến bắt đầu nới lỏng vào tháng tới - được áp dụng trong tình huống “khẩn cấp” và “không thể được chấp nhận trong dài hạn, ngay cả với người dân và với cả đất nước”. Antoine Flahault, Giám đốc Viện Y tế toàn cầu tại đại học Geneva, cho rằng biện pháp phong tỏa là “phát minh của Trung Quốc”. Ông nói: “Tính hiệu quả của phiên bản Trung Quốc được áp dụng một cách hà khắc và bắt buộc tại Vũ Hán đồng nghĩa rằng các quốc gia ít được chuẩn bị trước - phần lớn là các nước phương Tây - không còn lựa chọn nào khác ngoài việc áp dụng phiên bản được điều chỉnh khi họ phải đối mặt với làn sóng đại dịch”.
Chuyên gia y tế cộng đồng Linda Bauld của Viện Usher thuộc trường đại học Edinburgh cho biết tại Anh, nơi lệnh hạn chế đi lại sẽ được kéo dài thêm vài tuần nữa, người dân đa phần ủng hộ biện pháp phong tỏa. Bà nói: “Nhìn chung, người dân tuân thủ tốt lệnh phong tỏa, và virus là quan ngại hàng đầu của người dân. Tuy nhiên, điều này sẽ không kéo dài. Các tác động xã hội, kinh tế và y tế của lệnh phong tỏa đang dần tăng lên. Mọi việc sẽ tới điểm nút khi tổn thất từ các lệnh hạn chế hiện nay lấn át các lợi ích mà nó mang lại”. Phần lớn các chuyên gia đồng tình rằng các lệnh phong tỏa đã cứu giúp sinh mạng của hàng nghìn người. Tuy nhiên, các biện pháp này đã gây ra sự giảm tốc kinh tế nghiêm trọng trên toàn thế giới.
Nhà kinh tế trưởng Gita Gopinath của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã gọi cuộc khủng hoảng này là “Đại Phong tỏa” và nói rằng đây sẽ là “cuộc suy thoái tồi tệ nhất từ sau cuộc Đại Suy thoái”. Trong bài blog được đăng tải tuần qua, bà viết rằng sản lượng kinh tế toàn cầu trong năm 2020 và 2021 sẽ sụt giảm khoảng 9.000 tỷ USD, cao hơn hai nền kinh tế Nhật Bản và Đức cộng lại. Giới chuyên gia cũng lo ngại về các rủi ro gia tăng tới xã hội, như việc gia tăng bất bình đẳng, bạo lực, các vấn đề về trầm cảm, tiêu thụ đồ uống có cồn và phớt lờ các bệnh lý nghiêm trọng khác không phải do virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây ra.
Trong lúc bệnh dịch đang lắng dịu tại một số quốc gia, các chính phủ đang xem xét một số biện pháp để vực dậy nền kinh tế, như mở cửa trở lại các trường học và cửa hàng, cũng như nới lỏng các quy định hạn chế đi lại. Tại châu Âu, Đức, Pháp, Bỉ, Thụy Sĩ, Đan Mạch, Italy, Tây Ban Nha cùng một số nước khác đang có kế hoạch nới lỏng hoặc cân nhắc nới lỏng các lệnh hạn chế vào giữa tháng 5/2020. Tại Mỹ - quốc gia vẫn chưa vượt qua đỉnh dịch - Tổng thống Donald Trump thông báo rằng đã đến lúc “tái khởi động nước Mỹ”. Cho dù ở quốc gia nào đi chăng nữa, việc gỡ bỏ các lệnh phong tỏa sẽ giống như rơi vào thế đi trên dây thay vì bước đi thênh thang trên đại lộ. Sự cân nhắc của các chính phủ sẽ phụ thuộc vào con số đơn giản, đó là tỷ lệ lây truyền SARS-CoV-2, tức số người mà một cá nhân mắc bệnh sẽ lây nhiễm. Theo Jean-Francois Delfraissy, cố vấn của chính phủ Pháp về cách ứng phó dịch bệnh, trước khi các lệnh phong tỏa được áp dụng, tỷ lệ này là khoảng 3,5. Tỷ lệ này tại Pháp và Đức hiện nay giảm xuống dưới 1,0 nhờ các lệnh hạn chế đi lại được áp dụng trong nhiều tuần, đồng nghĩa rằng bệnh dịch đang được kiểm soát.
Tuần qua, Thủ tướng Đức Angela Merkel giải thích rằng quyết định nới lỏng phong tỏa của Đức được đưa ra sau khi có dữ liệu cho thấy tỷ lệ lây nhiễm SARS-CoV-2 đã giảm xuống. Tuy nhiên, bà cảnh báo rằng ngay cả khi tỷ lệ này chỉ tăng lên mức 1,1, thì hệ thống y tế Đức sẽ bị quá tải vào tháng 10/2020. Nếu tỷ lệ lên mức 1,2, thì chỉ đến tháng 7/2020, y tế Đức sẽ rơi vào tình trạng quá tải, và nếu ở mức 1,3 thì “thời điểm quá tải của y tế Đức” sẽ là tháng 6/2020.
Kinh nghiệm ở Hàn Quốc thường xuyên được viện dẫn là ví dụ điển hình. Quốc gia này đã tiến hành xét nghiệm hàng loạt, cách ly các ca dương tính, truy tìm các ca tiếp xúc gần và xét nghiệm họ. Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Costagliola, chiến lược này không thể thực thi “nếu không có các nguồn lực cần thiết”. Điều này đòi hỏi phải tiến hành đủ số ca xét nghiệm và có đủ lực lượng hậu cần để truy tìm nguồn gốc lây bệnh bằng các ứng dụng kỹ thuật số. Tuy nhiên, ngay cả điều đó cũng chưa đủ.
Trong bối cảnh Hàn Quốc hiện phải truy tìm tiếp xúc khoảng 200.000 người, ông Delfraissy cảnh báo rằng cách tiếp cận sử dụng các ứng dụng kỹ thuật số là “điều hoang tưởng”.  Ngay cả khi nếu biện pháp này ban đầu có hiệu quả, các chiến lược hạn chế lỏng lẻo có thể là chưa đủ trong dài hạn.
Sau khi ban đầu kiểm soát dịch bệnh với chính sách tương tự như của Hàn Quốc, Singapore giờ đây đang phải vật lộn với làn sóng lây nhiễm thứ hai. Điều này buộc chính phủ phải quyết định áp dụng các biện pháp mạnh mẽ hơn, bao gồm đóng cửa phần lớn nơi làm việc. Giáo sư Vincent Rajkumar tại hệ thống chăm sóc sức khỏe Mayo Clinic của Mỹ viết trên Twitter rằng: “Singapore là lời cảnh báo với chúng ta”.
Một nghiên cứu của Mỹ trên tạp chí Science tuần qua cho rằng có khả năng các nước cần phải xen kẽ giữa phong tỏa và nới lỏng cho đến năm 2022 - với hy vọng kéo dài thời gian để tìm ra vắc-xin hoặc phương thức chữa trị hiệu quả. Ông Delfraissy cho rằng nếu không có biện pháp lâu dài, các quốc gia có thể sẽ phải “nới lỏng chút ít, thắt chặt, nới lỏng và thắt chặt”./.
Hoa Chanh

1 nhận xét:

  1. Dịch bệnh này rất nguy hiểm; nên phải hết sức cẩn trọng

    Trả lờiXóa