Thứ Ba, 5 tháng 5, 2020

Cuộc chạy đua điều chế vaccine phòng COVID-19 tăng tốc tại Mỹ và Trung Quốc

Ba loại vaccine phòng dịch COVID-19 đang được đưa vào giai đoạn thử nghiệm trên người tại Trung Quốc và Mỹ, song đó vẫn là một con đường rất dài để xem xét liệu những loại dược phẩm này có thực sự hiệu quả hay không.

Theo thông báo từ Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc ngày 14/4, phòng Thí nghiệm Sinh học CanSino (trụ sở tại Thiên Tân) của Trung Quốc đã bắt đầu giai đoạn thử nghiệm thứ hai với các tình nguyện viên.
Trong khi đó, Mỹ cũng không chậm chân hơn với hoạt động nghiên cứu tại Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH) khi tình nguyện viên thử vaccine tháng trước đã tới phòng nghiên cứu tại Seattle ngày 14/4 để tiêm liều vaccine thứ hai.
Tổ chức Y tế Thế giới trong tuần này cho biết trên khắp thế giới có hơn 60 loại vaccine đang trong những giai đoạn đầu của quá trình phát triển. Nhiều nhóm nghiên cứu cũng đã phối hợp với nhau để đẩy nhanh công việc, như tập đoàn Sanofi và GSK là những đối tác mới nhất thực hiện kế hoạch này.
Nỗ lực tại Trung Quốc
Vaccine của phòng thí nghiệm CanSino là vaccine tái tổ hợp do nhóm nghiên cứu của nhà dịch tễ học, Thiếu tướng Chen Wei (Trần Vi), làm việc tại Viện Hàn lâm Khoa học Quân y. Đây là loại vaccine đầu tiên được đưa vào thử nghiệm lâm sàng dựa trên một vật liệu di truyền vốn được tạo ra để kháng lại virus ebola. Trong khi đó, các nhà nghiên cứu tại Mỹ đi theo hướng điều chế vaccine từ việc sao chép một phần bộ gen của virus corona.
Về vaccine của CanSino, giai đoạn I của quá trình thử nghiệm đã hoàn tất vào tháng 3/2020 và giai đoạn II bắt đầu từ ngày 12/4/2020. WHO cũng xác nhận đây là vaccine COVID-19 đầu tiên trên thế giới bước vào giai đoạn thử nghiệm lâm sàng thứ hai. Trong giai đoạn hai, tình nguyện viên không còn bị giới hạn độ tuổi dưới 60. Bà Chen cho rằng người cao tuổi là nhóm đối tượng dễ bị lây nhiễm và dễ tiến triển nặng khi nhiễm SARS-CoV-2, vì vậy, các loại vaccine nên được điều chế để tạo thành lá chắn cho nhóm đối tượng này. Vaccine mang theo gen của các protein bề mặt (lồi thành dạng gai) của virus SARS-CoV-2 (đã giảm độc lực) được tiêm vào cơ thể tình nguyện viên để từ đó vật chủ xây dựng hệ thống miễn dịch với các protein này. Khi bị SARS-CoV-2 thực sự tấn công, cơ thể sẽ nhận dạng loại protein đó và ngăn chặn cuộc tấn công của chúng.
Wu Yuanbin, Vụ trưởng Vụ Công nghệ khoa học phát triển xã hội thuộc Bộ Khoa học và kỹ thuật Trung Quốc, cho biết hai đơn vị khác được cấp phép thử nghiệm vaccine trên người là Viện sản phẩm sinh học Vũ Hán, thuộc Tập đoàn Dược phẩm Quốc gia (Sinopharm) (phối hợp cùng Viện virus Vũ Hán, Học viện Khoa học Trung Quốc); và Công ty Nghiên cứu và phát triển Sinovac. Hai đơn vị này đều phát triển các loại vaccine bất hoạt (chứa virus được nuôi cấy nhân tạo nhưng không còn khả năng gây bệnh).
Cũng theo ông Wu, Trung Quốc đang triển khai 5 cách tiếp cận trong quá trình phát triển vaccine phòng COVID-19, cụ thể là các vaccine bất hoạt, vaccine tái tổ hợp protein, vaccine sử dụng loại virus không chứa các đặc tính truyền nhiễm mà cung cấp vật liệu di truyền cho vật chủ, vaccine nucleic acid và vaccine dùng virus cúm đã được giảm độc lực làm vật chủ. Các nghiên cứu đều đang được gấp rút đẩy mạnh.
Nhấn mạnh an toàn là ưu tiên hàng đầu, ông Wang khẳng định, quá trình thử nghiệm lâm sàng vaccine luôn được tiến hành theo 3 giai đoạn. Giai đoạn I là thử nghiệm với vài chục tình nguyện viên để xác định độ an toàn của vaccine và sức chịu đựng của cơ thể con người với các liều khác nhau. Giai đoạn II sẽ có số người tham gia thử nghiệm nhiều hơn để xác định độ hiệu quả và an toàn. Giai đoạn III có thể được tiến hành với khoảng vài nghìn, cho đến vài chục nghìn người với thời gian theo dõi có thể là cả một chu kỳ dịch bệnh để quyết định hiệu quả của loại vaccine đó và xây dựng cơ sở khoa học nhằm đưa vào sử dụng.
Mũi thử nghiệm thứ hai tại Mỹ
Ngày 14/4, tình nguyện viên thử nghiệm vaccine mRNA-1273 tại Mỹ đã được tiêm mũi thứ hai. Đây là sản phẩm của NIH và công ty công nghệ sinh học Mordena hợp tác nghiên cứu và phát triển. Loại vaccine không chứa virus vì vậy giảm thiểu khả năng lây nhiễm.
Tiến sĩ Anthony Fauci, người đứng đầu khoa lây nhiễm của NIH chia sẻ với phóng viên hãng tin AP rằng cho đến nay, họ chưa ghi nhận bất kỳ cảnh báo nguy hiểm nào và hy vọng việc thử nghiệm trên quy mô rộng hơn sẽ được bắt đầu vào khoảng tháng 6 tới. Tiến sĩ Fauci cho rằng nếu dịch COVID-19 tiếp tục lan rộng suốt cả mùa Hè và mùa Thu tới, nhiều khả năng các nhà khoa học sẽ “nỗ lực hoàn thành các nghiên cứu quy mô sớm hơn khoảng thời gian dự kiến là 12-18 tháng”.
Doanh nghiệp Inovio Pharmaceuticals cũng bắt đầu đưa vaccine nghiên cứu vào thử nghiệm lần hai, và hy vọng có thể mở rộng các nghiên cứu tới Trung Quốc nhờ quá trình đàm phán với công ty công nghệ sinh học Advaccine Bắc Kinh,
Các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn I chủ yếu chú trọng tới tính an toàn, và các nhà khoa học ở cả Mỹ và Trung Quốc đều đang thử các liều lượng khác nhau cho từng loại vaccine. Tuy nhiên, việc tiến tới giai đoạn thử nghiệm thứ hai là bước tiến quan trọng cho phép vaccine có thể được thử trên nhiều người hơn để quan sát và ghi nhận các dấu hiệu miễn dịch của các tình nguyện viên này./.
Hoa Chanh

1 nhận xét:

  1. Phải khẩn trương điều chế vaccine để ngăn chặn dịch bệnh

    Trả lờiXóa